Câu chuyện mua nhà được chia sẻ trên trang MXH Sohu của Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm và thảo luận của rất nhiều người.
Giao dịch mua nhà bằng tiền mặt
Năm 2010, ông Mã, 62 tuổi sống tại Trịnh Châu, Hà Nam - Trung Quốc đã quyết định mua 5 căn nhà từ một công ty bất động sản tại địa phương với tổng số tiền giao dịch lên tới 3,49 triệu nhân dân tệ (khoảng 12,36 tỷ đồng).
Ông khiến tất cả mọi người phải ngạc nhiên khi thanh toán toàn bộ số tiền mua bằng tiền mặt – một hình thức thanh toán hiếm thấy với số tiền lớn như vậy.
Ông Mã đã dùng tiền mặt thanh toán toàn bộ khoản mua nhà của mình
Sau khi nhận tiền, phía công ty bất động sản bán chỉ cung cấp biên lai chứ không tiến hành ký hợp đồng mua bán chính thức cũng như không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất cho chú Mã.
Ban đầu, do sự tin tưởng vào bên công ty nên ông không quá lo lắng về việc này, chỉ nghĩ họ làm hồ sơ chậm, cấp sau cũng không sao.
Tuy nhiên, sau 3 tháng, ông Mã vẫn không nhận được giấy chứng nhận tài sản. Nhận thấy có điều không ổn, ông đã đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra lại tình trạng tài sản của mình.
Sau quá trình kiểm tra, ông "chết lặng" khi được thông báo không có bất kỳ tài sản nhà cửa hợp pháp nào đứng tên ông cả. Ảnh minh hoạ
Nghe lời nói của nhân viên, ông vừa thấy bối rối và tức giận khi bản thân đã bị lừa. Ông Mã nhanh chóng đến tìm bên công ty bất động sản và yêu cầu họ đưa ra lời giải thích.
Sau nhiều chất vấn, cuối cùng ông Mã cũng hiểu bản thân đã bị lừa. Công ty bất động sản đã thế chấp những căn nhà mà ông mua cho ngân hàng và không có ý định tiến hành các thủ tục chuyển nhượng tài sản như đã cam kết.
Phán quyết bất ngờ từ toà án
Ông Mã quyết định khởi kiện với mong muốn được Toà án đòi lại công bằng cho bản thân, yêu cầu Công ty bất động sản hoàn thành hợp đồng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
Tuy nhiên, trong quá trình kiện tụng ông Mã đã gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh minh hoạ
Cuối cùng, tòa án vẫn không công nhận quyền sở hữu của ông đối với những căn nhà trên vì giao dịch tiền mặt quá lớn mà ông không cung cấp đủ bằng chứng xác thực về nguồn gốc của số tiền 3,49 triệu nhân dân tệ.
Với số tiền lớn như vậy, việc sử dụng tiền mặt thay vì giao dịch qua ngân hàng đã đặt ra nghi vấn về nguồn gốc số tiền. Điều này có thể liên quan đến các quy định về phòng chống rửa tiền hoặc trốn thuế,...
Ông Mã khai đây là tiền tiết kiệm nhiều năm của gia đình, tuy nhiên lời giải thích suông không thuyết phục được toà án.
Hơn nữa, trong trường hợp này, ông Mã chỉ có biên lai từ phía công ty bất động sản nhưng không có hợp đồng mua bán chính thức. Dù biên lai này có thể xem là một bằng chứng, nhưng nó không đủ mạnh để chứng minh quyền sở hữu nhà, đặc biệt khi tòa án yêu cầu thêm bằng chứng về nguồn tiền và quá trình giao dịch.
Vụ kiện của ông Mã đã nhận được đông đảo sự chú ý và nhiều tranh cãi về tính hợp pháp và minh bạch trong giao dịch bất động sản.
Từ góc độ pháp lý, vụ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình và thủ tục khi mua bán tài sản, đặc biệt là với những giao dịch lớn như mua nhà. Việc sử dụng tiền mặt để giao dịch thay vì thông qua ngân hàng không chỉ khiến việc bảo vệ quyền lợi của người mua trở nên khó khăn, mà còn dễ gây ra những nghi ngờ về tính hợp pháp của số tiền.
Ngoài ra, vụ việc này cũng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn mà người mua nếu thiếu hiểu biết có thể gặp phải khi thực hiện giao dịch mua bán bất động sản.
Vậy nên, trong mọi trường hợp cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ tối đa quyền lợi cho chính bản thân.
Theo Sohu