Vẻ đẹp của nền văn hóa tiêu dùng và thế giới tự nhiên đã hòa quyện vào với nhau trong bộ sưu tập đồ nội thất điêu khắc, được tạo ra bởi nghệ sĩ người Anh Jonathan Trayte sau một chuyến đi xuyên Mỹ.
Được thiết kế để trưng bày trong một cuộc triển lãm sắp diễn ra tại phòng trưng bày Friedman Benda ở New York, những tác phẩm độc nhất vô nhị của Trayte là sự kết hợp của hệ thực vật khổng lồ có màu sắc sống động liên kết với vật liệu hữu cơ và nhân tạo.
Jonathan Trayte đã tìm thấy nguồn cảm hứng cho loạt tác phẩm này sau chuyến đi kéo dài đến 2.000 dặm mà ông và vợ đã đi qua các bang miền Tây nước Mỹ. Ông bị cuốn hút bởi vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan thiên nhiên đã đặt chân qua, và cũng bị những đồ vật từ bao bì sản phẩm đến đồ họa quảng cáo hấp dẫn.
Sự xung đột và tương phản được hiện thực hóa trong các tác phẩm của Jonathan khi ông cố tình đặt những vật liệu khác nhau tại vị trí liền kề nhau, cho dù đó là một tấm da bò bên cạnh nhựa neon, hay đèn mặt dây được nhúng trong một tổ raffia.
Trayte chia sẻ: “Bộ sưu tập này quá phong phú, về cả mặt hình ảnh và văn hóa. Tôi cảm thấy nó sẽ trở thành một di sản tồn tại khá lâu, về cách tôi phát triển nó và cả những gì tôi tạo ra trong tương lai“.
Khayte đã sáng tạo rất nhiều mẫu cho triển lãm và đặt tên chúng là MelonMelonTangerine. Ông mô tả quá trình này giống như việc tạo ra “một dàn nhân vật”. “Thường thì tôi sẽ làm một nhóm sản phẩm cùng một lúc, và kết hợp chúng với nhau như một nhóm kì lạ” – ông nói.
Cho đến nay, tác phẩm lớn nhất và nổi bật nhất mà ông đã tạo ra là Sundown Swing – một băng ghế xích đu trông hệt như hình dạng trừu tượng của một cây cọ với chiếc thân ngoằn nghoèo. Trayte cho biết: “Tôi muốn tạo ra một thứ gì đó kỳ lạ, lấy cảm hứng từ cố nghệ sĩ người Áo Franz West“.
Trayte đã sử dụng lá của cây cao su đen để trong tương lai chúng có thể sống bên ngoài, và chính yếu tố này cũng mang lại cho chiếc ghế một ấn tượng đặc sắc về thiết kế. “Bạn chỉ có thể sử dụng lớp cao su đen bên ngoài vì nó sẽ tiếp xúc với tia cực tím. Bởi vậy nên tác phẩm trông có vẻ “đáng sợ” hơn một chút so với dự kiến. Mặc dù vậy, chiếc ghế vẫn mang lại cảm giác hài hước và thú vị“.
Một số tác phẩm tạo sự liên tưởng trực tiếp đến thiên nhiên phải kể đến băng ghế đôi Atomic, đèn sàn Black Dakota và đèn trần Velvet Solar Star. Một số khác lại được thiết kế một cách tinh tế hơn khi kết hợp màu sắc, kết cấu và hình thức bao gồm chiếc ghế có tên Jelly Baby nhìn giống như cái tổ và ghế dài màu cam có lông có tên Kula Sour.
Trayte nói: “Tôi hy vọng những tác phẩm này sẽ đưa người xem liên tưởng tới những địa điểm tuyệt vời.Ví dụ, tôi muốn chiếc ghế dài Kula Sour sẽ trông thật diệu kỳ trong màu sắc lạ mắt và kết cấu đặc biệt của nó. Hy vọng rằng người sử dụng chúng sẽ cảm nhận được điều này và nó sẽ đưa họ đến với vẻ đẹp của cảnh quan hoang dã cùng quần đảo Hawaii đầy màu sắc“.
Trayte rất cởi mở về ý định tích hợp chức năng, và thường là nhiều chức năng trong tất cả các tác phẩm của mình, mặc dù ông tự nhận mình là một nhà điêu khắc chứ không phải một nhà thiết kế đồ nội thất.
Xu hướng thiết kế này bắt nguồn từ một quán cà phê mà nhà nghệ sĩ tạo ra vào năm 2016 khi hợp tác cùng nhà thiết kế thời trang Kit Neale. Trayte nhận thấy rằng cần tạo ra các tác phẩm thực sự có thể sử dụng được, chứ không chỉ thiết kế để đặt trong phòng trưng bày.
Kể từ đó, ông đã kết hợp đồ nội thất từ nhiều thành phần, chẳng hạn như tác phẩm The Spectacle với bố cục chỗ ngồi mà ông đã tạo cho loạt phim Sculpture in the City ở London vào năm 2016. cùng bộ sưu tập tác phẩm đầu tiên mà ông trình bày tại Friedman Benda, vào năm 2018.
Biên dịch | HươngLan (Nguồn: Dezeen)
XEM THÊM
- Bộ sưu tập nội thất “Dòng chảy” lấy cảm hứng từ Covid 19 | Bower Studios
- Thông điệp về lối sống thực sự bền vững, hạnh phúc qua thiết kế nội thất Hòn Dăm Resort
- Các xu hướng thiết kế hấp dẫn nhất năm 2021 theo đánh giá của các KTS nội thất hàng đầu