Ai cũng nghĩ rằng, bồn vệ sinh là thứ bẩn nhất trong phòng tắm, nhưng thực tế có thứ bên trong phòng tắm còn bẩn hơn, theo The Science Times.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) có trong các đồ vật bên trong phòng tắm để biết đâu là nơi bẩn nhất.
Thí nghiệm của họ cho kết quả gây sốc, trong đó bệ ngồi bồn cầu thậm chí sạch hơn rất nhiều so với rèm tắm và sàn nhà tắm, theo The Science Times.
Tiến sĩ Charles Gerba, nhà vi trùng học, giáo sư tại Đại học Arizona (Mỹ), cho biết, họ đã thử nghiệm bồn cầu và bệ ngồi bồn cầu và nhận thấy rằng những nơi này sạch sẽ đến không ngờ, với xếp hạng bồn cầu là nơi sạch nhất cho đến nay.
Các xét nghiệm vi sinh bề mặt cho thấy bồn cầu chứa 235.000 đơn vị hình thành khuẩn lạc CFU, trong khi sàn phòng tắm có 15,8 triệu CFU.
Bất ngờ nhất là, rèm phòng tắm chứa nhiều vi khuẩn nhất với 16,2 triệu CFU, theo The Science Times.
Mặc dù các vi sinh vật này có thể gây nhiễm trùng vết thương và làm cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu bị nặng thêm, các chuyên gia đồng ý rằng vi khuẩn ở rèm tắm không phải là mối đe dọa, bác sĩ Jeffrey Brown, từ Phòng khám Cleveland ở Ohio (Mỹ), nói với Healthline.
Bác sĩ Brown cho biết 80% vi khuẩn trên rèm tắm gồm 2 loại vi khuẩn: sphingomonas và methylobacterium.
Một chủng chỉ gây nhiễm trùng trong những trường hợp rất hiếm và chỉ tác hại ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân ung thư, bệnh tự miễn hoặc HIV.
Chủng còn lại là loại gây ra mùi khó chịu cho cơ thể, nhưng không gây hại.
Bác sĩ Brown lưu ý rằng, có một lượng nhỏ E.coli, gây tiêu chảy, nhưng không đáng lo lắng.
Không mấy người để ý tới rèm che phòng tắm thực sự là nơi bẩn nhất trong nhà.
Bác sĩ Brown cho rằng phần lớn rủi ro là do dị ứng nấm mốc.
Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ, tiếp xúc với nấm mốc dẫn đến các vấn đề sức khỏe như kích ứng mắt, ho mạn tính, phát ban và đau họng.
Trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch yếu dễ bị rủi ro hơn, theo Healthline.
Các chuyên gia khuyên nên thường xuyên làm sạch rèm tắm để ngăn ngừa vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
May thay, hiện nay cũng có không ít bí quyết làm sạch và thay thế rèm che phòng tắm vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Jeneva Aaron, chuyên gia trang trí nội thất chia sẻ: "Nhiều người có thói quen thay thế rèm tắm và tấm lót sáu tháng một lần. Tuy nhiên, điều này thực sự khá lãng phí. Nếu muốn tiết kiệm tiền bạc, bạn hoàn toàn có thể làm sạch rèm tắm một cách đơn giản tại nhà".
Việc làm này khá đơn giản, mọi người chỉ cần tháo rèm tắm, nhét chúng vào máy giặt và chỉnh chế độ giặt thông thường mỗi tháng một lần.
Khi máy giặt bắt đầu súc rửa, chuyên gia Aaron đề nghị cho vào máy giặt nửa cốc giấm để phá vỡ mọi bụi bẩn còn sót lại. Khi quá trình làm sạch kết thúc, hãy lấy rèm tắm ra và treo lên phơi khô.
Lily(tổng hợp)