Chuyên mục  


Theo quan niệm của người Việt, bát nhang là cầu nối thể hiện tấm lòng tưởng niệm, tưởng nhớ cũng như ước nguyện của gia chủ với các vị thần linh, gia tiên. Vì vậy, ban thờ cần luôn phải gọn gàng, sạch sẽ để giữ sự thanh tịnh, chứng tỏ lòng thành kính.

Còn theo quan niệm phong thủy, ban thờ là nơi tụ khí, ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của chủ nhà. Do đó, nếu để bát hương quá đầy sẽ ảnh hưởng đến vận may của gia chủ. Như vậy, việc tỉa chân hương giúp cho ban thờ phong quang là điều cần thiết.

Thực tế, bát hương để quá đầy, nhiều chân hương sẽ làm cho ban thờ bị "rác", rườm rà, gây cảm giác bừa bộn. Mặt khác, quá nhiều chân hương, lớp mới chồng lên lớp cũ sẽ khiến việc cắm hương khó khăn. Đó là chưa kể khi thắp hương, tàn hương rơi xuống có thể làm cháy bát hương, không những gây tâm lý bất an cho gia chủ vì lo sợ báo hiệu điềm xấu mà còn rất dễ gây hỏa hoạn. Do đó, việc dọn dẹp ban thờ và tỉa bát hương là điều cần thiết.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi tiến hành tỉa chân hương cần phải lưu ý những điều sau:

1. Thời điểm rút chân hương

Theo dân gian, việc dọn bát hương thường tiến hành sau ngày 23 tháng Chạp hằng năm.

Có nhiều tập tục để bao sái bàn thờ cuối năm, tùy điều kiện, gia chủ có thể tiến hành lau dọn bàn thờ tổ tiên vào một ngày khác, miễn là trước 30 Tết.

Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương xin phép. Tất cả chân hương cả một năm nên được rút bớt, sau đó hóa cùng với tiền vàng.

Trước khi thực hiện công việc này, theo quan niệm dân gian, con cháu thường thắp hương, đọc văn khấn để xin phép các cụ, tổ tiên.

2. Người tỉa chân hương

Trong gia đình ai cũng có thể rút chân hương được, song nhiều gia đình cầu kỳ hơn sẽ chọn người để rút chân hương. Người được chọn thường là người chỉn chu, làm việc cẩn thận, khi tiến hành rút sẽ tốt hơn, suôn sẻ hơn.

3. Cách thức rút chân hương

Gia chủ tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc tề chỉnh, sắm lễ hoa quả bày lên ban thờ rồi lên hương, khấn vái xin phép các vị Thần linh và gia tiên được sửa sang ban thờ. Hết tuần hương thì tiến hành lau dọn ban thờ và tỉa chân hương.

Nếu tỉa chân hương kết hợp thay tro bát hương thì nhẹ nhàng rút tỉa hết chân hương rồi đổ tro ra khăn hoặc giấy sạch, giữ lại 1/3 tro cũ, dùng khăn sạch lau bát hương rồi đổ tro mới vào đầy 2/3 bát hương là được. Nếu tỉa chân hương nhưng vẫn giữ lại tro cũ thì sau khi rút hết chân hương, lấy chiếc thìa sạch nhẹ nhàng hớt bớt lớp tàn hương phía trên, chỉ giữ lại lớp tro khoảng 2/3 trong bát hương là được.

Lưu ý, nên rút từng chân hương một và tro đổ bát hương phải là tro đốt từ rơm sạch, hoặc cũng có thể dùng cát sạch để đổ bát hương. Cũng có người cẩn thận thì dùng nước thơm hoặc rượu gừng để lau bát hương cho thanh tịnh.

Sau khi đổ tro đầy khoảng 2/3 bát hương (tránh đổ tro quá đầy tàn hương rơi xuống nhanh đầy bát hương sẽ tràn ra ban thờ gây rác), chọn 3 chân hương cũ (cũng có thể 5 hay 7 hoặc 9 chân hương cũ) cắm lại vào bát hương. Chú ý cắm chụm vào giữa bát hương, không cắm bên cạnh hay cắm rải rác mỗi nơi một chân hương.

Ảnh minh họa

Việc thay tro phải do người đứng đầu trong nhà làm hoặc người chỉn chu, có tâm trong việc thờ cúng.

Ở các miền quê, mỗi khi đến mùa gặt, các gia đình thường chọn một ít rơm tươi (thường là rơm gạo nếp) để phơi ở nơi sạch sẽ. Rơm này sẽ được đốt để lấy tro thay vào bát hương dịp cuối năm.

Ở các thành phố lớn không sẵn rơm như quê, các gia đình có thể mua tro ở một số cửa hàng bán đồ thờ cúng. Tuy nhiên, vì không biết nguồn gốc tro này có thực sự sạch không vì vậy các chuyên gia thường không khuyến khích việc thay tro bát hương.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

4 vị trí treo đồng hồ được cho là khiến gia chủ tán gia bại sản

Hương Ly (tổng hợp)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020