Tỉnh Bình Dương là cửa ngõ ra vào trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế văn hóa của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nguyên liệu địa phương dồi dào và màu mỡ như gỗ tự nhiên, gốm, sứ,… Chính vì vậy mà khu vực này đang được thúc đẩy phát triển các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng khi các nhà máy lớn càng mọc lên thì diện tích mảng xanh cùng khoảng thở trong lành ngày càng eo hẹp vì phải nhường chỗ cho chúng. Công trình tọa lạc tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương với bối cảnh xung quanh là các nhà máy thép tiền chế. Vì vậy khi tiếp cận dự án chúng tôi tự hỏi rằng: Sự đặc trưng bản địa được thể hiện ở đâu trong bối cảnh này? - Gần như là không có!
Trên mảnh đất 280 m2, chúng tôi được yêu cầu thiết kế một công ty làm về môi trường nước. Khách hàng mong muốn một thiết kế có tính nhận diện cao, không bị xen lẫn giữa bối cảnh công nghiệp. Hơn thế nữa, hình thức mặt đứng yêu cầu phải đặc trưng và giải quyết được vấn đề vi khí hậu, chi tiết hơn là vấn đề bức xạ nhiệt từ hướng Nam. Câu hỏi đặt ra là: với tất cả những điều đã kể trên, A+ Achitects đã giải quyết bài toán này như thế nào?
Ý tưởng đến bất chợt trong một lần nhóm thiết kế đi khảo sát bối cảnh địa phương. Khi đó, chúng tôi tìm thấy được những ống sắt tròn cũ ở tiệm thu mua sắt tái chế. Thông thường trong thiết kế và xây dựng, người ta thường sử dụng các loại sắt hình như sắt I, sắt C, còn ống sắt tròn chỉ ứng dụng phổ biến trong cơ khí. Nhóm thiết kế muốn ứng dụng loại vật liệu này nhiều hơn trong các sản phẩm thiết kế. Sau đó, chúng tôi đến việc ứng dụng chúng trong hệ kết cấu chịu lực, và làm thế nào để những ống sắt có tiết diện nhỏ trở nên vững chắc hơn? Cách làm thật sự đơn giản, liên kết các ống sắt thành bó tạo thành các trụ để làm hệ thống cột dầm của công trình. Ắt hẳn ai cũng quen thuộc với câu chuyện ngụ ngôn “Bó đũa” nói về sức mạnh của sự đoàn kết và yêu thương. Chúng tôi áp dụng nguyên lí đó để tạo nên hệ thống kết cấu chịu lực độc đáo và sáng tạo. Điều đó góp phần truyền tải thông điệp lan tỏa sức mạnh tinh thần đoàn kết đối với người sử dụng.
Có rất nhiều yếu tố trong công công trình được kết hợp với nhau để tạo nên một tổng thể hài hòa. Yếu tố đầu tiên là hình khối hình khối được nhấn mạnh theo phương ngang mang cảm giác có quy mô lớn không bị chia nhỏ. Hình thức khối lệch tầng kèm hệ thống lam làm từ gỗ thông giúp điều hòa lượng bức xạ nhiệt ở hướng Nam nhưng vẫn đảm bảo nắng và gió mát chạy xuyên suốt trong công trình. Các đường nét được đơn giản hóa ở mức tối đa để tối ưu không gian.
Yếu tố tiếp theo chính là hai khối chức năng đan xen giữa những mảng xanh tạo ra không gian làm việc mang cảm giác dễ chịu, gần gũi với thiên nhiên thay vì sự ồn ào, khói bụi của khu công nghiệp. Tiếp cận công trình là không gian đối ngoại (reception) sau đó sẽ là không gian đối nội (văn phòng) ở bên trong. Chúng được ngăn cách bằng hệ thống cây xanh, tạo sự yên tĩnh giúp làm việc tốt hơn bao giờ hết. Tầng trên của công trình cũng bao gồm các khu chức năng đối nội tương tự cùng các phòng điều hành, nghiên cứu. Như vậy, việc giải phóng không gian mở ra view nhìn xuyên suốt cả hai hướng công trình một cách thông thoáng.
Yếu tố cuối cùng cũng là quan trọng nhất, kết cấu “bó sắt” có khả năng vượt nhịp lớn, một lần nữa nhấn mạnh về cách tối ưu không gian sử dụng, đồng thời dễ dàng vận chuyển hơn so với việc sử dụng dầm đặc lớn. Không chỉ đóng vai trò chịu lực, “bó sắt” còn tạo cảm quan tốt về kiến trúc và tính nhận diện đặc trưng của công trình.
Về vật liệu, như đã đề cập ở ban đầu, gỗ keo là loại vật liệu địa phương khá phổ biến và chúng tôi dùng chúng cho toàn bộ nội thất công trình. Gỗ tuyến tính được áp dụng cho toàn bộ hệ lam mặt tiền của công trình, mang đến tính nhận diện cao trong bối cảnh hiện tại.
Công nghiệp hóa tăng nhanh dẫn đến nhiều hệ quả về môi trường mà chúng ta cần phải giải quyết. Qua dự án này, A+ Architects hy vọng có thể truyền được nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ về việc ứng dụng các giải pháp sử dụng nguồn vật liệu địa phương sẵn có vào thiết kế để tăng tính bản địa, đồng thời làm giảm áp lực cho môi trường. Bằng những giải pháp đơn giản tăng tính hiệu quả nhận diện, lan tỏa được thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người.
276 OFFICE· Địa điểm: Bình Dương · Thiết kế: A+ Architects · Chủ trì thiết kế: KTS Vũ Hoàng Kha· Quản lý kỹ thuật: Từ Phan Nguyên Trường · Thiết kế: Trần Văn An, Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Long Ẩn, Trần Thị Ly Na, Lương Văn Tàu, Nguyễn Thị Lan Anh, Lê Anh Huy, Lâm Hoàng Minh Trí, Lê Quốc Kiệt, Hồ Ngọc Bảo Vy. · Xây dựng: Aplus Build · Quản lý dự án: Từ Thành Viên, Nguyễn Long Huy, Đinh Xuân Hiển · Tổng diện tích sàn: 264 m2 · Năm hoàn thành: 2020· Nhiếp ảnh gia: Quang Trần · Giải thưởng: World Architecture Community WA Award lần thứ 38 - Bình chọn cộng đồng |
A+ Architects