Chuyên mục  


base64-16757023088771874708708.png

TS Trần Lương Công Khanh tại Pháp - Ảnh: Facebook Trần Lương Công Khanh

Thầy ở Bình Thuận, tôi ở TP.HCM, tuy cách xa mà như rất gần vì hay quan tâm, hỏi han nhau trên Facebook. 

Cách đây không lâu, thầy còn nhờ tôi chuyển tặng ít tiền cho một cô bé bán vé số mà thầy rất xót xa khi đọc bài viết. Thầy dặn đừng viết gì về việc thầy giúp đỡ, nhưng hãy viết về các tấm lòng khác cho tình yêu thương được lan tỏa.

Ấn tượng cậu bé gánh muối

Thầy còn hứa khi nào vào thành phố, sẽ cùng tôi đến thăm cô bé. Thầy muốn cùng nhau chia sẻ nhiều hơn. "Vì ngoài kia còn biết bao mảnh đời đáng thương cần giúp đỡ. Thầy trò mình hãy góp sức sẻ chia, dù chỉ là phần bé nhỏ".

Vậy đó, thầy đã bất ngờ ra đi khi tâm nguyện còn dở dang...

Thầy Khanh là người thầy rất khiêm cung, nhẹ nhàng, ân cần giúp đỡ học trò trong nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ. 

Thầy khuyên câu nào thấu đáo câu đó. Các em rút ra được bao bổ ích cho việc chọn lựa đại học, chọn lựa đường đời và hoài bão sống làm người có ích.

thay-tran-luong-cong-khanh-tu-van-tuyen-sinh-1675698679272834171972.png

TS Trần Lương Công Khanh đang phát biểu trong một buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cùng báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Năm 2019, cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi lần 2 trên báo Tuổi Trẻ nhận được bài viết của thầy gửi đến hộp thư điện thử. Bài viết như tự sự cuộc đời của thầy ở làng quê biển Phan Thiết đầy khó khăn những năm hậu chiến. 

Cha phải vắng nhà, mẹ ốm đau suốt, thầy khi ấy là cậu bé đã sớm san sẻ gánh nặng trên đôi vai gầy của mẹ. Tuy nhiên, thầy vẫn mê học, chăm học và học rất giỏi. 

Năm 1979, bảng niêm yết trường Phan Bội Châu niêm yết tên học sinh trúng tuyển vào lớp 10, và tên thầy được xếp cao nhất trên hơn 800 học sinh dự thi. 

Nhưng rồi ai đó đã gạch đỏ chữ Đ (đậu) bên tên thầy và thêm vào hai chữ "xét lại" cùng chữ ký nháy đầy quyền lực. Chuyện ngậm ngùi mà không lạ lẫm gì của việc thi cử những năm hậu chiến còn quá nặng nề lý lịch!

Từ đậu thủ khoa thành rớt, cậu bé Trần Lương Công Khanh đành ở nhà đi gánh muối thuê phụ mẹ nuôi em. Ban đêm, cậu bé sớm có cục u sần trên vai vẫn cặm cụi học dưới ánh đèn dầu, sách mượn của người học  trước và vở chép là những tờ giấy xuất kho lem nhem của người chị họ. Vậy mà kỳ thi năm sau, cậu bé gánh muối ấy lại tiếp tục đậu điểm cao… 

Và hành trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Pháp của thầy là một con đường rất dài, rất khó khăn của gia cảnh nghèo nhưng đầy nghị lực vươn lên...

Bài viết chân thật đong đầy những khoảnh khắc cuộc đời không nhiều người hình dung được của thầy Khanh được hội đồng chấm giải cao nhất trong cuộc thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi. Cũng nhờ đọc bản thảo này, tôi được hiểu thầy nhiều hơn. 

Ấn tượng sâu đậm nhất là nghị lực vươn lên của cậu bé gánh muối, nhưng một ấn tượng khác cũng không kém là giọng văn nhẹ nhàng, giản dị, khiêm cung như chính tính cách của thầy mà sau này tôi hân hạnh được  hiểu nhiều hơn. Đức tính của một người trí thức thiện lương, luôn muốn góp phần mình cho sự tốt đẹp của xã hội.

thay-tran-luong-cong-khanh-va-khoanh-khac-thay-doi-doi-toi-1675701220146603102583.jpg

Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh (người thổi nến) xúc động khi buổi lễ trao giải trùng ngày sinh nhật của ông - Ảnh: GIA TIẾN

Ước mơ dở dang

Tháng 5-2020, báo Tuổi Trẻ tổ chức trao giải nhất ở Phan Thiết cho thầy và có sự trùng hợp thú vị là đúng ngay ngày sinh nhật của thầy. Vừa nhận giải thưởng, vừa thổi nến trên bánh kem, thầy đã tâm sự  với tôi: "Đây là lần sinh nhật rất ý nghĩa với mình". 

Cũng từ đó, tôi được thân với thầy hơn. Lúc dịch giã căng thẳng thì thầy trò quan tâm, động viên nhau qua chat. Khi dịch lắng xuống, tôi có dịp ra Phan Thiết, lại ngồi trò chuyện với thầy. Còn thầy vào thành phố, lại nhắn tôi ra quán cà phê ở đường sách. 

Những buổi trò chuyện ấm áp sự quan tâm nhau và sẻ chia những dự định của mình. Thầy rất thích những việc nhóm bạn bè chúng tôi thực hiện như giúp đỡ trẻ mồ côi vì COVID. Mấy lần, thầy đã âm thầm nhờ tôi chuyển quà cho các bé. 

Hai thầy trò đã bàn với nhau nhiều ấp ủ, rằng chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay với các phận đời trẻ thơ bất hạnh. Thầy từng có tuổi thơ nghèo khó, nên rất thương các trẻ thơ không được may mắn. Và thầy có ước mơ góp phần bé nhỏ để thay đổi cuộc đời các em. Vậy mà thầy đã bất ngờ ra đi...

Tạm biệt thầy, tôi xin nguyện rằng "Em sẽ tiếp tục thực hiện dự định của thầy trò mình và tin rằng thầy đang mỉm cười nhìn theo".

Một đời lặng lẽ và tận tụy

Là tiến sĩ toán học bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán Tin với xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng" - loại cao nhất ở Pháp năm 2006, giữa nhiều lời mời làm việc trong và ngoài nước, thầy Khanh chọn sống một đời nhà giáo lặng lẽ tại quê nhà Phan Thiết.

Tất cả thời gian của mình, ông dành cho sự nghiệp giáo dục, tư vấn, biên soạn sách, đào tạo các tài năng toán học, viết các bài báo văn hóa - nghệ thuật...

Cả một đời tận tụy cho giáo dục, ông được học trò, đồng nghiệp yêu kính không chỉ vì sự thông tuệ, am hiểu nhiều lĩnh vực mà còn ở đức tính khiêm cung quý báu của một trí thức.

Rất nhiều học trò, đồng nghiệp đã cũng nghiêng mình tiễn đưa ông bằng những lời chí tình: "Em nhớ mãi đến phong thái ung dung và nhân cách cao quý của thầy", "Em xin thành kính tiễn đưa thầy, một người thầy có tâm, có tầm, một nhân cách đáng kính trọng, là tấm gương lớn cho các thế hệ học viên và giáo viên chúng em noi theo";

"Mãi mãi nhớ giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, tính cách khiêm tốn, tình yêu môn Toán ánh lên trong đôi mắt mỗi khi thầy giảng bài…", "Em luôn cảm ơn thầy đã khiến em cảm kích và yêu quý nghề dạy học", "Thương một tấm lòng, một nhân cách và một tài năng....". (KHẢ LINH)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020