Chuyên mục  


Wang Zijin là nhà nghiên cứu, quản lý dự án tại Clover Youth - một tổ chức phi chính phủ hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục. Bà chia sẻ góc nhìn về những bất cập trong các trường dạy nghề ở Trung Quốc.

Năm ngoái, tôi theo chân giáo viên tại một trường trung cấp nghề ở phía đông tỉnh Giang Tây đến nhà học sinh để vận động đăng ký vào trường. Lúc đó, tôi đã rất ngạc nhiên bởi lý lẽ mà những giáo viên này dùng để thuyết phục phụ huynh phần lớn xoay quanh hình thức quản lý học sinh được gọi với cái tên "bán quân sự khép kín". Nhưng trái lại, khi nghe cụm từ này, các bậc phụ huynh lại tỏ ra rất hài lòng và ủng hộ thay vì chùn bước trước ý tưởng áp dụng kỷ luật quân đội với con em mình.

Sau đó, khi tiến hành nghiên cứu thực địa tại chính ngôi trường này, tôi đã tự mình chứng kiến "quản lý bán quân sự khép kín" thực chất là gì. Lịch trình hàng ngày của mỗi học sinh được lên kế hoạch và giám sát cẩn thận. Mỗi sáng, các em sẽ tập thể dục vào 6h30, sau đó dọn vệ sinh trường học trước khi xếp hàng ăn sáng lúc 7h30. Các lớp học bắt đầu lúc 8h10 và kéo dài cho đến giờ nghỉ trưa. Sau khi ăn trưa, tất cả học sinh được yêu cầu trở về phòng để nghỉ ngơi, sau đó tham gia các lớp học thêm và các buổi tự học cho đến 9h30 tối trước khi trở lại ký túc xá. 10h30, tất cả phải tắt đèn đi ngủ.

Giống như những học sinh trung học khác ở Trung Quốc, học sinh trường nghề khi mới nhập học phải trải qua tuần đầu huấn luyện quân sự. Nhưng không giống những học sinh khác, họ vẫn tiếp tục kiểu huấn luyện quân sự này mỗi sáng trong suốt năm học đầu tiên.

Học viên tại một trường nghề ở Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: China Insights

Để đảm bảo an toàn và kỷ luật, trường này cũng duy trì một quy trình "quản lý khép kín" nghiêm ngặt. Học sinh không ở nội trú cần xin giấy phép có chữ ký của giáo viên chủ nhiệm nếu muốn ra khỏi trường trong giờ học; học sinh nội trú cũng phải xuất trình giấy phép nếu muốn ra ngoài vào cuối tuần. Camera theo dõi ở khắp mọi nơi và tất cả hoạt động đều được quan sát qua màn hình lớn trong văn phòng hiệu trưởng. Như thể vậy vẫn chưa đủ, nhà trường sắp xếp ít nhất một giáo viên trực ở mỗi tầng ký túc xá để đảm bảo học sinh đang thực sự nghỉ ngơi trong giờ quy định. Hoàn toàn không quá khi nói rằng, học sinh đang được quản lý tới từng giây, ngay cả với giấc ngủ.

Đây không phải là một thực trạng mới. Kể từ những năm 1990, các thuật ngữ như "bán quân sự" hay "quản lý quân sự hóa" đã xuất hiện với tần suất đáng kể trong ấn phẩm quảng cáo của các trường dạy nghề Trung Quốc. Trong khi các mô hình giáo dục khác ngày càng tăng cường áp dụng phương pháp giảng dạy và thời khóa biểu hiện đại, ít cứng nhắc, thì các trường nghề vẫn trung thành với phương pháp kỷ luật quân đội nghiêm khắc, được xã hội và các bậc phụ huynh chấp thuận rộng rãi.

Để hiểu được nguyên do đằng sau vấn đề này đòi hỏi ta phải nhìn ra ngoài phạm vi các bức tường trường học. Cấp trung học phổ thông không nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc của Trung Quốc. Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông sau khi kết thúc năm cuối trung học cơ sở. Mặc dù cũng có ngoại lệ, những học sinh điểm cao hơn thường chọn theo học trường trung học truyền thống, để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Những học sinh điểm thấp không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo học trường nghề.

Chính vì kỳ thi tuyển sinh trung học được xây dựng để đánh trượt một nửa số học sinh, hàng chục triệu thanh thiếu niên hàng năm được xếp vào các trường trung cấp nghề. Nhưng tại đây, những gì họ nhận được là một nền giáo dục với trọng tâm đảm bảo khuôn phép thay vì trau dồi kiến thức. Điều này một phần giúp chuẩn bị cho học sinh trường nghề trước các yêu cầu nghề nghiệp tương lai. Sau khi tốt nghiệp, các em thường tìm kiếm việc làm trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Hầu hết nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực này không mong đợi ứng viên phải có kiến thức chuyên môn mà thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến các phẩm chất cá nhân, chẳng hạn như việc sẵn sàng tuân thủ quy tắc, mệnh lệnh và thấm nhuần các quy định của công ty.

Khi so sánh nguyên tắc kỷ luật của các công ty này với các quy định được thực thi tại trường dạy nghề, ta sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn các trường nghề đề cao tuân theo chỉ dẫn hơn là áp dụng sáng kiến cá nhân. Quy định thời khóa biểu nghiêm khắc và cách kiểm soát chặt chẽ thời gian cá nhân của học sinh đều phản ánh thực tế làm việc trong nhà máy. Các buổi học quân sự hàng ngày cũng nhằm củng cố yêu cầu này. Một giáo viên từng nói với tôi: "Nếu học sinh mới không được huấn luyện quân sự thì chúng sẽ không đủ ngoan".

Tất cả những điều đó khiến cho học sinh mất đi cảm giác tự chủ về cuộc sống cho đến khi họ trở thành những công nhân lý tưởng của nhà máy, những người được coi như những bánh răng có thể được chuyển từ vai trò này sang vai trò khác một cách nhanh chóng để đảm bảo hiệu quả và năng suất tối đa, thay vì thành những chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Điều kỳ lạ là giáo viên, phụ huynh và thậm chí một số học sinh có vẻ vẫn hài lòng với hệ thống này, một phần bởi hầu hết người Trung Quốc có kỳ vọng thấp với các trường dạy nghề và học sinh theo học tại đây. Nhiều bậc cha mẹ ủng hộ phương pháp "quản lý quân sự hóa" vì họ hy vọng nếu con mình không học được gì khác thì ít nhất chúng cũng học được cách vâng lời. Một phụ huynh từng nói với tôi: "Con tôi vẫn còn quá nhỏ để làm việc bán thời gian. Chúng tôi sẽ xem xét điều đó sau khi con bé đi học vài năm. Nếu nó nắm chắc được những gì đã học thì sẽ là một điều tuyệt vời. Nhưng nếu nó không thể, ít nhất cũng sẽ có những nơi sẵn sàng tuyển dụng và nó sẽ không trôi nổi trong xã hội".

Những nhân viên quản lý và giáo viên mà tôi đã phỏng vấn cũng thừa nhận rằng việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng chuyên môn không phải là thế mạnh chính của trường họ. Những gì được dạy tại trường nghề ở Trung Quốc thường không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn giáo dục và không có nhiều tính hữu dụng đối với học viên sau khi tốt nghiệp. Một người nói từng với tôi: "Ngay sau khi học sinh nhập học, chúng tôi nói với chúng rằng chúng ở đây để chuẩn bị cho việc làm công nhân phân xưởng sau này. Nếu chúng muốn làm bất cứ điều gì khác thì nên đến một trường khác. Nhận thức của học sinh về vai trò của mình là rất quan trọng: chúng phải biết vị trí của mình trong xã hội".

Trước những kỳ vọng hạn chế và bị bóp méo mà xã hội, nhà trường và thậm chí là cả gia đình đặt vào học sinh nghề, việc các em nảy sinh quan điểm tiêu cực về bản thân là không hề bất ngờ. Theo lời một học sinh: "Với khả năng của mình, vị trí cao nhất mà em có thể mong muốn hướng tới là người đại diện dịch vụ khách hàng cấp cao". Dưới sự giám sát khắt khe của các giáo viên, những người coi nhiệm vụ chính của mình là chuẩn bị cho học sinh đối mặt với cuộc sống cực khổ sau này, việc học sinh cảm thấy không có tham vọng và bi quan về tương lai là hoàn toàn bình thường.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia Trung Quốc đã không ngừng khen ngợi tiềm năng của giáo dục nghề nghiệp trong việc góp phần hạn chế tình trạng dư thừa sinh viên tốt nghiệp đại học và giữ lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực sản xuất của đất nước, nhưng thực tế cho thấy hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay lại không hề phù hợp để phát huy hết tiềm năng đó. Nhưng nếu có hy vọng cải cách, thì điều này nên bắt đầu bằng việc đánh giá lại cách các ngôi trường này dạy và đối xử với học sinh.

Ngọc Mai (Theo Sixth Tone)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020