Cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch khi trẻ mầm non tới trường.
Phụ huynh như trút được áp lực
Hơn 1 năm nay, con trai út 4 tuổi của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không được tới trường học do dịch Covid-19. Suốt thời gian này, chị khá vất vả để vừa đảm bảo công việc kiếm tiền hàng ngày, vừa chăm sóc các con (bé lớn 12 tuổi cũng phải học online tại nhà). Chị Nhung sau đó buộc phải nghỉ làm, ở nhà trông con, có một giai đoạn phải gửi bé nhỏ về quê nhờ ông bà trông coi giúp.
Bởi vậy, nghe tin Hà Nội cho trẻ mầm non toàn TP đi học trực tiếp từ ngày 13/4 tới đây, người mẹ trẻ như trút được áp lực lớn. "Tuần trước con trai lớn được tới trường, tôi đã mừng lắm. Nay bé út cũng sắp đi học trở lại thì thực sự nhẹ nhõm. Hơn 1 năm nay cháu thường xuyên phải chơi đồ chơi một mình, chưa thể học nhiều về kỹ năng vẽ, ca hát. Tôi mong con đi học để phát triển tư duy, giao tiếp nhiều hơn", chị Nhung nói.
Người mẹ trẻ cũng tâm sự, dù vợ chồng chị mong ngóng con được đi học trở lại từng ngày, nhưng cũng có chút lo lắng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi bé tới trường. Để an toàn hơn, chị Nhung đã xin cho con theo học một trường tư có lượng học sinh ít, thay vì học mầm non công lập như trước nghỉ dịch. Ngoài ra, chị cũng cố gắng bổ sung các chất dinh dưỡng giúp bé tăng đề kháng.
Giống với chị Nhung, bên cạnh sự vui mừng, một số cha mẹ cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề làm thể nào bảo đảm an toàn cho con, khi trẻ còn quá nhỏ để có thể chấp hành hướng dẫn phòng dịch và các bé đều chưa được tiêm vắc xin Covid-19.
Bé Vũ Khôi Nguyên (4 tuổi), con trai chị Nhung theo mẹ đi làm vườn trong những ngày nghỉ học.
Đi học chính là hình thức giúp bé "xả stress"
TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, có 4 giải pháp nên áp dụng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ mầm non khi tới trường.
Thứ nhất, cần chuẩn bị kỹ các điều kiện an toàn tại trường học trước khi đón trẻ. Trường học nên được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhất là đồ dùng của trẻ phải khử khuẩn kỹ lưỡng.
Thứ hai, có biện pháp kiểm soát "đầu vào", tức thông tin trước với phụ huynh, những bé có triệu chứng ho, sốt,… phải chủ động cho nghỉ ở nhà.
Thứ ba, trong quá trình học tập tại trường cũng nên có sự kiểm tra, kiểm soát. Ví dụ, đo nhiệt độ cho các con 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 thì cho bé nghỉ học, không để tiếp xúc với trẻ khác.
Thứ tư, khuyến cáo phụ huynh ngay khi ở nhà cần có giải pháp bảo vệ an toàn cho con, chủ động phát hiện các triệu chứng ho, sốt, nếu có cần cho bé nghỉ ở nhà và thông báo với nhà trường.
TS Thường nhấn mạnh, ở góc độ bác sĩ nhi khoa, việc cho trẻ mầm non đi học trở lại là hết sức cần thiết. Trẻ ở nhà quá lâu có thể tăng tỷ lệ trầm cảm, stress và đi học chính là hình thức giúp bé "xả stress".
Theo TS, cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề dịch bệnh mà chưa cho bé đi học trực tiếp. Hiện nay, Hà Nội đã qua đỉnh dịch, số ca nhiễm giảm dần, chủng Omicron đang lưu hành cũng được chứng minh không quá nguy hiểm. "Bệnh viện đa khoa Đức Giang tới nay đã điều trị hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có gần 1.000 trẻ em. Thực tế chứng minh trẻ nhỏ thường diễn tiến không nặng, nên không cần quá lo lắng", TS Thường thông tin.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc bệnh nhi Covid-19 thường diễn tiến nhẹ không có nghĩa chúng ta bỏ lơ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch. "Bệnh này nếu nặng có thể gây tử vong, biến chứng; nhẹ cũng có thể gây sốt, mệt mỏi, ho kéo dài,… Để bé bị ốm rõ ràng không là điều tốt, do vậy chúng ta vẫn cần cố gắng đảm bảo phòng dịch. Kể cả những bé từng nhiễm bệnh 1 lần, hoặc tái nhiễm tới lần 2 vẫn có nguy cơ nhiễm lại", TS Thường nói.
Nên bố trí cho các em học theo nhóm
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội thì cho rằng, để phòng ngừa Covid-19 cho trẻ, người lớn (gia đình, thầy cô) trước tiên cần cố gắng đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh lây mầm bệnh sang các bé. Nên hạn chế để trẻ đến những nơi đông người; khử khuẩn bề mặt, vệ sinh sạch sẽ, giữ thông thoáng khu vực ngủ nghỉ, vui chơi của bé.
Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng, nhắc bé rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vui chơi,… Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để bé có sức đề kháng tốt. Nếu bản thân trẻ hoặc thành viên khác trong gia đình có triệu chứng nghi nhiễm, nên cho trẻ nghỉ ở nhà.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, việc cho trẻ mầm non đi học là rất cần thiết, đáng ra có thể thực hiện từ sớm hơn.
Để phòng bệnh cho trẻ, theo PGS Phu, nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng, tốt nhất không để các nhóm tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi một nhóm có trẻ dương tính SARS-CoV-2 sẽ dễ dàng xử lý, không ảnh hưởng tới nhóm khác. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, cơ quan y tế. Quy trình là khi có trẻ F0, gia đình cho cháu nghỉ học, báo ngay với nhà trường để theo dõi sức khỏe những cháu cùng lớp, nếu thấy xuất hiện sốt, ho, khó thở,… thì cũng cho các trẻ này nghỉ.
PGS Phu nhấn mạnh, trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, bệnh không lây nhiễm... Trong khi đó, phần lớn trẻ nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học
"Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng cao, người lớn mắc bệnh lại lây cho trẻ. Nếu đến trường mà thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà", PGS Phu cho hay.