Đố con ngồi cửa sổ đếm máy bay
"Sáng nay Miu lại làm cô Tấm nhé!", sau khi đổ chén gạo lẫn hạt đậu xanh giữa nhà, chị Lê Thị Phương, ở quận Gò Vấp nói với cô con gái 6 tuổi.
Cháu vẫn còn hứng thú làm "cô Tấm nhặt thóc" sau 3 ngày trải nghiệm nên chị vẫn xài được trò này. Nay chị tăng yêu cầu lên thành nhặt gạo riêng, đậu riêng để cho con đỡ chán.
Một trẻ nhỏ được bố mẹ chơi cùng trò giữ đồ chơi trên hai chân.
Chị Phương cho biết, con nghỉ học, còn chị làm việc online tại nhà. Chị chỉ có thể tổ chức cho con một số hoạt động cố định như ngồi tập viết chữ, đọc sách, cùng con chơi một lúc, thời gian trống mỗi ngày vẫn còn rất nhiều.
Cảnh con quấy đòi người chơi cùng trong lúc mẹ bận việc, lại còn chuyện nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa rất dễ xung đột. Để chống chán cho con và để mình có thể tập trung, chị nghĩ ra đủ trò để trẻ có thể chơi một mình.
Hôm thì đố con ngồi ở cửa sổ đếm máy bay ngang qua, ghi lại đó là hãng nào, đếm càng nhiều quà càng lớn. Thế là cháu ngồi cả ngày canh máy bay.
Nhưng chỉ được vài ngày cháu chán, đòi mẹ... ngồi đếm cùng con. Màn nhặt thóc lại chào đời và chị vẫn đang sưu tầm thêm nhiều trò khác vì biết sớm nhất vào năm học mới, con mới trở lại trường tiểu học.
Một bé gái mặc quần áo của mẹ trình diễn thời trang.
Cho con livestream kể chuyện để mọi người nghe
Nhiều người phải cười sặc sụa khi chị Nguyễn Thu Hoài, nhà ở Bình Tân, TPHCM kể ra những trò của con trai mình những ngày ở nhà chống dịch.
Trò bền vững cháu yêu thích nhất là chơi trong nhà tắm, lấy sữa tắm thổi các thể loại bong bóng. Thổi bong bóng xong, cháu nằm giữa nền nhà tắm bơi, hay nằm gác chân tự nói chuyện một mình.
Mỗi ca như vậy gần 1 tiếng đồng hồ, ngày chị Hoài tổ chức... 2 ca. Nếu không vì sợ con nghịch nước nhiều có thể bệnh chị bảo sẽ cho con chơi cả ngày.
Chị lục mọi máy móc trong nhà như điện thoại, máy ảnh cho con "xẻ" ra nghiên cứu, mày mò. Trong nhà có những gì có thể lôi ra được, chị bày ra hết cho con khám phá. Hết trò, chị còn thách con... nằm yên một chỗ, lâu thì được quà, thật ra là để yên cho mẹ làm việc.
Chị Hoài cũng bộc bạch, mọi trò chơi với con lúc này chủ yếu để giết thời gian. Các con lại rất nhanh chán vì thực chất thứ các cháu cần không phải trò chơi mà là có người chơi cùng. Như con chị, có mẹ chơi trốn tìm cháu có thể vui cả ngày nhưng chị cũng chỉ chơi được vài lần là oải, còn bao việc khác nữa.
Điều hạnh phúc với nhiều đứa trẻ trong mùa dịch là có bạn chơi cùng.
"Thương các con vô cùng khi ăn rồi ở trong nhà, thiếu nhất là thiếu người cùng chơi. Người lớn căng thẳng còn có thể lên mạng chém gió, tám với bạn bè, còn trẻ thì bị động, càng dễ uể oải, chán nản", người mẹ thở dài.
Chị nói chưa bao giờ chị có ý định cho cháu nuôi con vật nhưng tuần rồi, chị mua một con nhím cảnh về để cháu chăm sóc, trò chuyện, có thêm việc làm.
Chị Phan Thanh Nhàn, nhà ở quận 3, TPHCM kể con gái chị 8 tuổi thích thời trang, làm đẹp. Chị lôi hết quần áo, giày dép, son phấn của mình ra cho con tự phối đồ, trình diễn, thử nghiệm. Một số quần áo cũ bỏ đi, chị cho con tự do cắt may.
Con có khả năng ăn nói, lâu lâu, chị cho con livestream lên kể chuyện cho mọi người nghe, cũng cách để con tương tác.
Con ở nhà trách dịch đi cùng đó là các nguy cơ nghiện xem tivi, điện thoại, nghiện game cũng như các tác động tâm lý tiêu cực. Các ông bố bà mẹ nghĩ ra đủ cách để con có thêm nhiều hoạt động, trò chơi.
Tuy nhiên, điều mọi đứa trẻ cần chính là bố mẹ. Phụ huynh cần sắp xếp thời gian để vui chơi, trò chuyện, tương tác, lắng nghe trẻ nhỏ.
Đây có thể nói là một thách thức với bố mẹ Việt khi rất nhiều người mất hoàn toàn năng lực chơi, tương tác cùng con. Nhiều nhà, khi con còn bé thì giao cho con ông bà, người giúp việc, lớn hơn thì phó mặc cho nhà trường, các lớp dạy thêm, các khóa kỹ năng hay "gửi" con cho điện thoại, tivi...
Nuôi động vật giúp con vừa có bạn, vừa có thêm việc để làm.
Trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều bố mẹ đã từ chối việc chơi cùng, trò chuyện, quan sát, lắng nghe con. Khi con có nhiều thời gian ở trong nhà, không ít gia đình rơi khủng hoảng, tình cảm mẹ con, cha con sứt mẻ trầm trọng...
Như một chuyên gia tâm lý cảnh báo, đừng tưởng trẻ ở trong nhà là an toàn. Phía sau những hoạt động của trẻ xem hoạt hình, chơi game, xem phim sex, cho đến đủ các trò trên trời dưới đất có thể trẻ đang bất ổn khi thiếu sự kết nối với bố mẹ, với bạn bè, mọi người.
Hoài Nam