Tác phẩm chụp tượng Đức Thánh Trần của học sinh Dương Hoàng Phương Anh, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.HCM), trong hội thi sáng tác ảnh Tuổi Xanh năm 2022
Những trận chiến oanh liệt, những câu chuyện nhỏ bé tạo nên vô số lát cắt khiến thỉnh thoảng ta rùng mình rồi lâng lâng niềm tự hào khi tình cờ lật mở từng nếp gấp của quá khứ.
Và thật lạ lùng, tôi cực kỳ thích kể cho trò nghe những câu chuyện lịch sử liên quan đến bài học. Bằng cách lồng ghép lịch sử với những câu chuyện sống động gắn liền với biết bao tên tuổi lừng danh, tôi luôn muốn khơi gợi lên niềm cảm hứng lịch sử trong lòng học sinh.
Câu chuyện ngát hương về mười đóa hoa bất tử ở ngã ba Đồng Lộc, bức ảnh nổi tiếng gắn với bài thơ "O du kích nhỏ", cây đa bi tráng ở Côn Đảo… đều là những tư liệu quý giá để bài giảng trên lớp thêm hấp dẫn.
Bọn trẻ thỉnh thoảng năn nỉ tôi kể chuyện, lắm lúc còn nói đùa đầy hồn nhiên mỗi lúc tôi đặt viên phấn xuống bàn: "Cô lại bắt đầu kể chuyện lịch sử…" rồi dỏng tai nghe.
Truyền cảm hứng lịch sử cho trò, đó là ước mơ vẫn len lỏi trong tôi bấy lâu nay dù tôi không phải là giáo viên đứng lớp ở bộ môn mà bọn trẻ vẫn từng than thở rằng "cả một bầu trời… chán"!
Nhưng...
Chương trình sử thường bị chê dài và khó bởi quá chú trọng vào các sự kiện với chi chít con số phải nhớ, phải học, phải thuộc.
Trong khi đó, bọn trẻ hôm nay lại "khát" những câu chuyện lịch sử với các nhân vật tên tuổi làm rạng danh nước nhà. Kênh phim ảnh để tuyên truyền về các nhân vật lịch sử Việt Nam lâu nay đang thiếu, thiếu một cách trầm trọng.
Dư luận từng sững sờ thấy sách sử bị xé trắng sân trường sau kỳ thi. Từng đau đáu với clip phỏng vấn một nhóm bạn trẻ chẳng biết Quang Trung - Nguyễn Huệ là ai. Và mỗi năm khi kỳ thi "vượt vũ môn" của các sĩ tử tuổi 18 công bố kết quả lại dội thêm một dấu ấn buồn về điểm sử thấp.
Bao giờ lịch sử thoát mác môn học khô - khó đối với học sinh? Đó hẳn là một chặng đường dài đầy gian nan phía trước, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có quyền hy vọng về một "luồng gió mới" cho môn sử!
Sáng 11-11-2021, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong phiên chất vấn của Quốc hội đã nhắc lại "nỗi buồn" môn sử: Học sinh thờ ơ, điểm thi môn lịch sử thấp.
Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận: "Việc dạy vẫn thiên về sự kiện, số liệu, theo đánh giá chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm tra đánh giá thi vẫn thiên về kiểm tra số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý nhiều về tư duy, ý nghĩa của sự kiện lịch sử".
Lịch sử trở thành môn học tự chọn trong nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật) từ năm học 2022-2023 ở lớp 10 theo chương trình phổ thông mới.
Những tranh cãi không dứt về việc môn lịch sử nên là môn tự chọn hay bắt buộc được khơi lên giữa hai phe đối lập: người lớn gật đầu về phe bắt buộc học bởi ý nghĩa của dòng chảy lịch sử đối với sự trưởng thành của mỗi cá nhân, còn bọn trẻ lại lắc đầu ngán ngại vì môn học này "khó", "khô" và "chán".
Hãy khoác "chiếc áo mới" cho môn sử từ công đoạn xây dựng chương trình không ôm đồm kiến thức, biên soạn sách giáo khoa sinh động với những câu chuyện sử thú vị đến cả phương pháp dạy học gợi mở, sáng tạo.
Học sinh không chỉ học sử qua những bài học trên lớp mà còn thông qua các buổi ngoại khóa ngược dòng lịch sử, các hội diễn kể chuyện sử bằng âm nhạc, hội họa, văn chương…
Đặc biệt, sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá môn học là điều kiện đủ để tạo đà nâng cho sự sáng tạo của người thầy trong dạy học sử.
Chúng ta hãy thay đổi bài kiểm tra truyền thống trên giấy đòi hỏi sự ghi nhớ máy móc bằng cách đa dạng hóa loại hình kiểm tra: quay video thuyết trình về một nhân vật lịch sử, làm dự án tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử, sân khấu hóa một câu chuyện lịch sử… Để thế hệ trẻ thật sự thấm nhuần lời răn dạy của Bác: "Dân ta phải biết sử ta".
TTO - Có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử trong trường nên thay đổi để thu hút học sinh.