Ngày 20/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học 2021-2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước:
Thưa các nhà giáo lão thành, các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức của Học viện!
Thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Các em sinh viên thân mến!
Tôi rất vui mừng tới dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học mới 2021-2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Xin thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu khách quý, các thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Học viện lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm, là một trong các trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong những ngày đầu thành lập nước “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu; Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh."
Học viện được xác định là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước. Trong 65 năm qua Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 10 vạn cán bộ khoa học-kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, trên 10.000 thạc sỹ và trên 600 tiến sỹ.
Chúng ta cùng tự hào vì Việt Nam có nhiều nhà khoa học nông nghiệp, nhà quản lý nổi tiếng như Giáo sư Bùi Huy Đáp, Nhà giáo Nguyễn Đăng, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Lê Duy Thước, Nhà giáo Nguyễn Công Tạn, Giáo sư Đào Thế Tuấn, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng và nhiều nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng khác được xướng tên từ ngôi trường này.
Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo đã và đang là nguồn nhân lực chủ chốt trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Trung ương đến các địa phương, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ, tài năng và sự đam mê vào những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới trên 35 năm qua.
Thực hiện các Nghị quyết và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiên phong, không ngừng đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất-kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên.
Học viện đã chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của trường đại học nghiên cứu, tích cực đề xuất thí điểm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp trên cả nước, Học viện đã tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển khoa học-kỹ thuật ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Học viện cũng rất tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng vào sản xuất đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, từng bước hình thành chân dung người nông dân của thời đại chuyển đổi số, tạo dấu ấn và thương hiệu cho nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những cố gắng và kết quả rất ấn tượng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có những đóng góp tích cực của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam và trong xây dựng nông thôn mới, cũng như trong việc hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn vào hệ thống giáo dục khu vực và thế giới.
Với những đóng góp to lớn cho đất nước, Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, 2 lần đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Tại buổi buổi lễ kỷ niệm hôm nay, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, một lần nữa, tôi ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội.
Thưa các thầy giáo, cô giáo và quý vị đại biểu,
Những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng những thách thức sắp tới đối với nền nông nghiệp Việt Nam, đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam là rất to lớn. Đơn cử như việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải sản xuất dựa trên chất lượng thay vì số lượng, đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ cấu nông nghiệp sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho công nghiệp và dịch vụ.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi sâu sắc cả phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi hỏi chúng ta phải bắt kịp xu thế đó để xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao. Những thách thức về biến đổi khí hậu, mất cân bằng môi trường sinh thái đang ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vốn là vựa lúa của cả nước...
Đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, việc duy trì Học viện vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống và thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh, vừa đảm bảo tính liên tục thống nhất của hệ sinh thái dạy và học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế thông qua các hình thức trực tuyến là nhiệm vụ rất khó khăn.
Những vấn đề đó đặt ra câu hỏi lớn là chúng ta phải định vị nền nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới đây như thế nào. Làm sao để chuyển đổi bắt kịp với thời đại, yêu cầu chuyển đổi số và biến thách thức thành cơ hội? Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải góp phần quan trọng để trả lời câu hỏi này.
[Chủ tịch nước: Các thầy cô giáo là tài sản quý giá nhất của nhà trường]
Đảng và Nhà nước luôn tin tưởng và mong rằng Học viện tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, luôn là niềm tin, là nơi có đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nền nông nghiệp bền vững, sinh thái, hàng hóa giá trị cao, xây dựng nông thôn mới, hình thành tầng lớp nông dân văn minh, theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã xác định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta đến năm 2030, năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; thực hiện khát vọng hùng cường của đất nước, hạnh phúc của dân tộc.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách và khoa học-công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của Đất nước. Vì vậy, nhân đây tôi đề nghị các bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, Học viện phải tích cực đổi mới toàn diện để thực hiện tốt nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 do Quốc hội khóa XIV ban hành, và những quy định cụ thể tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ - đây là những văn bản pháp lý quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, để những người tốt nghiệp đại học ngày nay phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, không bị thay thế bởi rôbôt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là năng lực tự học suốt đời, tư duy sáng tạo, năng lực hợp tác, tư duy phản biện…
Người tốt nghiệp phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng; phải có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn cần coi trọng đào tạo, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học viên. Phải gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."
Thứ hai, phải tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Học viện phải nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học. Coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Ứng dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả đào tạo, kể cả đào tạo trực tuyến, mô hình phòng thí nghiệm trực tuyến, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải từng bước “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cũng như đối mặt với các nguy cơ rủi ro khác có thể xảy ra. Gắn đào tạo trong nhà trường với thực tiễn sản xuất-kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành ở Trung ương và thành phố Hà Nội chú trọng chỉ đạo và đầu tư để Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành mô hình trường đại học kiểu mẫu trong đào tạo.
Thứ ba, quan tâm đầu tư, bồi dưỡng và chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, thầy giáo, cô giáo. Đây chính là tài sản quý giá nhất của Học viện. Những người thầy đáng kính mà tôi kể trên, không chỉ là những nhà khoa học xuất sắc mà còn là những tấm gương về sự tận tụy, mẫu mực, tinh thần tự học, sáng tạo, phong cách sống gần gũi với sinh viên, với nông dân cũng như những người xung quanh. Học viện đào tạo ra những con người tài năng và những tinh hoa đó đã làm rạng danh Học viện.
Tôi đề nghị Học viện phải tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo. Các thầy, cô giáo phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, truyền cảm hứng cho người học. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng về mọi mặt để sinh viên noi theo. Ngạn ngữ Ba Tư có nói: “Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc."
Để có được đội ngũ nhà giáo chuẩn mực, tôi đề nghị các bộ, ngành và Học viện tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy cô sống, học tập và làm việc, cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người thông qua những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực. Ông bà ta đã nói: “Qua sông thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu kính thầy." Các thầy, cô hãy là niềm tin yêu của gia đình người học và xã hội trên mọi phương diện!
Thứ tư, phải đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ để chủ động học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, cải cách mạnh thủ tục hành chính. Tinh thần tự chủ đại học phải được hiểu một cách đầy đủ, nhất quán, xuyên suốt từ cơ quan hoạch định chính sách, quản lý và thực thi chính sách; tạo điều kiện về cơ chế và nguồn lực để các cơ sở đào tạo đóng góp nhiều hơn, thực chất hơn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là cần chú trọng như các khối nông-lâm-ngư nghiệp - lĩnh vực có ảnh hưởng tới cuộc sống của phần lớn người dân Việt Nam chúng ta.
Tôi muốn chia sẻ với cô giáo Giám đốc Học viện nói riêng cũng như với tất cả các thầy cô hiệu trưởng ở mọi cấp học vài điều lĩnh hội được từ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Quốc Bảo, một chuyên gia nổi tiếng về quản lý giáo dục.
Phó Giáo sư đưa ra 12 bộ số để quản lý minh triết nhà trường; ba bộ số cho tư duy phản biện: biết mình và biết người; biết thế và biết thời; biết đủ và biết dừng; bốn bộ số cho năng lực công việc: làm việc đúng và làm đúng việc đã chuẩn bị; nguyên tắc và linh hoạt; sáng kiến và viễn kiến; toàn thể và cụ thể; năm bộ số cho năng lực quan hệ với con người: chấp hành và điều khiển; cạnh tranh và nhường nhịn; lực hút và lực đẩy; quyền uy và bao dung; quyết đoán và dân chủ.
Thứ năm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng. Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội.
Học viện cần tiếp tục tích cực, sáng tạo để thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 là “các nghiên cứu của Học viện phải hướng tới “tam nông” (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh).
Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp thành công theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp và văn minh. Mục tiêu bao trùm của nghiên cứu là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thứ sáu, đề nghị Học viện tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ “đặt hàng” mà tôi đã nêu ra trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện, ngày 12/10/2016. Trong đó, lưu ý việc Học viện cần tiếp tục tích cực tham vấn cho các cơ quan nhà nước thực hiện mục tiêu xanh hóa nông nghiệp, chẳng hạn như chiến lược trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 để chủ động về bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính mà chúng ta đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, khuyến khích huy động nhiều thành phần tham gia các chương trình sáng kiến nông nghiệp xanh, cải thiện yếu tố năng lực sản xuất như số liệu, tri thức, kỹ năng, hệ thống quản lý, cơ sở vật chất… giảm nhanh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời khuyến khích các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao, ít phát thải tiến tới triệt tiêu sự phát thải khí nhà kính; xây dựng cụm liên kết ngành nông nghiệp, qua đó có thể đạt được những kết quả quan trọng nhờ tăng cường các mối liên kết giữa nông dân với các tác nhân thương mại và cơ sở hạ tầng có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, phải từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực tham gia vào các chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và các chương trình khác trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, một lần nữa tôi xin chúc mừng những thành tích mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được và mong các thầy giáo, cô giáo và học viên của Học viện phát huy truyền thống của một trường đại học anh hùng, thi đua giảng dạy, học tập, nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp để đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi."
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và khai giảng năm học mới 2021-2022, một lần nữa, tôi gửi lời thăm hỏi ân cần đến các nhà giáo lão thành, các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng như tới tất cả các thày giáo, cô giáo và học sinh sinh, viên cả nước.
Chúc các vị đại biểu, các nhà giáo, cán bộ, viên chức và các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Học viện một năm học mới thắng lợi!
Có một trường đại học nổi tiếng có khẩu hiệu: “Điều bắt đầu ở đây sẽ thay đổi thế giới." Và tôi muốn mượn câu ấy để nói với thầy và trò Học viện ta là: Những gì bắt đầu ở đây sẽ thay đổi nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Thầy và trò Học viện hãy biến nhiệt huyết và trí tuệ của mình thành nguồn năng lượng vô tận thắp sáng nông thôn Việt Nam, để nông thôn Việt Nam mãi là chốn yên bình của tất cả chúng ta, là mạch nguồn tươi mát nuôi dưỡng ta khôn lớn và luôn mở rộng vòng tay đón ta trở về.
Trân trọng cảm ơn!
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và khai giảng năm học mới 2021-2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem trưng bày ảnh do Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đại biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đại biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)