Chuyên mục  


160924trang-12anh-chinh-2277896-2read-only-17264128396111394970180.jpg

Một tiết học khoa học trong chương trình tiếng Anh tích hợp của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - Ảnh: NHẬT PHƯƠNG

Đây là địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện chủ trương này của Bộ Chính trị.

Lợi thế từ các chương trình tiếng Anh liên tục

Đến Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM), một trong những ngôi trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất của hệ thống các trường THPT công lập của TP.HCM, nhiều người sẽ dễ bắt gặp việc học sinh trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.

Trong giờ học tiếng Anh, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cho cả học sinh và giáo viên ở hầu hết các lớp học từ lớp thường, lớp tích hợp, lớp chuyên Anh…

Cô Trần Vân Thy, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - cho biết sau khoảng 20 năm gầy dựng phát triển việc dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ để đọc, viết, giao tiếp và là một công cụ cho học sinh phát triển bản thân, trình độ tiếng Anh của học sinh ở trường hiện nay ở mức tốt.

Tỉ lệ học sinh của trường này có thể giao tiếp tốt tiếng Anh ở các lớp thường (không phải lớp chuyên Anh hay lớp tích hợp) đạt khoảng từ 70 - 80%. Riêng trong những lớp như chuyên Anh, lớp tích hợp thì tỉ lệ học sinh nói tiếng Anh ổn gần như ở mức tuyệt đối.

Trường Nguyễn Thượng Hiền hiện có ba loại hình dạy tiếng Anh gồm tăng cường, tích hợp và học sinh thường. Trong đó, học sinh thường chiếm nhiều nhất tại trường. Ở lớp thường, mỗi tuần học sinh sẽ có 3 tiết tiếng Anh với người Việt Nam (sách giáo khoa), 3 tiết của giáo viên Việt Nam tăng cường và 2 tiết giáo viên người nước ngoài (tăng cường).

Nhận xét về khả năng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường này, cô Thy cho rằng đối với học sinh, việc nghe, nói, viết tiếng Anh có nhiều lợi thế. Bởi vì học sinh tại TP.HCM hiện nay được học tiếng Anh và trau dồi các kỹ năng nghe, nói nhiều từ bậc tiểu học, THCS nên "đầu vào" tiếng Anh của học sinh ở trường ở mức tốt.

"Từ thực tế dạy học và tiếp nhận học sinh nhiều năm qua, tôi thấy các em học sinh được học tiếng Anh bài bản ở lớp dưới. Các em được học nhiều chương trình như tiếng Anh tích hợp (từ lớp 1), tiếng Anh tăng cường (từ lớp 1), tiếng Anh tự chọn (từ lớp 1)… và tiếp tục học lên như vậy ở cấp THCS.

Bên cạnh đó, các hoạt động dạy học tiếng Anh trong các trường tiểu học, THCS rất đa dạng nên khả năng tiếng Anh của học sinh TP.HCM khi lên THPT đã tốt ở những trường tốp trên. Điều này được cụ thể hóa bằng kết quả dẫn đầu nhiều năm liên tục của điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT, cũng như kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của học sinh TP", cô Thy nhận xét.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, ở bậc tiểu học, TP.HCM thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh có chuẩn đầu ra bên cạnh chương trình tiếng Anh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là chương trình tiếng Anh tự chọn, chương trình tiếng Anh tăng cường theo quyết định số 2769 của UBND TP.HCM, chương trình tích hợp theo quyết định 5695.

"Việc thực hiện đa dạng các chương trình tiếng Anh trong nhà trường không những giúp học sinh trong các môn tiếng Anh, mà còn giúp nhà trường quen với công tác quản lý nhiều chương trình cùng song song thực hiện; giúp giáo viên và học sinh năng động trong giao tiếp, tạo tiền đề tốt khi thực hiện việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học" - một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo nhận xét.

tieng-anh-trong-truong-hoc1-read-only-17264463778721963171744.jpg

Học sinh học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Những rào cản

Nhưng phía ngược lại, giáo viên người Việt muốn dùng ngôn ngữ tiếng Anh để dạy các môn học thì cần có lộ trình, chưa thể làm ngay được theo mô hình lý tưởng là dùng tiếng Anh dạy tất cả các môn học, ngay cả như nơi học sinh nói tiếng Anh tốt như tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.

Bởi vì, theo lãnh đạo trường này, những rào cản của việc dùng tiếng Anh dạy học sẽ đến từ phía các giáo viên. Giáo viên hiện có bằng cấp tiếng Anh nhưng do lâu ngày không dùng để nói, viết nên họ không thể giao tiếp tự nhiên và sẽ khó khăn khi họ đứng lớp để dạy học.

Mặt khác, giáo viên bộ môn không được đào tạo chuyên ngành trong môi trường tiếng Anh, nên việc dạy học các môn học theo thuật ngữ tiếng Anh sẽ không dễ dàng thực hiện một sớm một chiều mà cần có lộ trình.

Cô Nguyễn Thị Kim Duyên - tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nơi năm học 2023-2024 có đến 4 thủ khoa học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh dẫn đầu cả nước - cho rằng việc đưa tiếng Anh vào nhà trường gặp rất nhiều thách thức.

"Học sinh các lớp trong một trường ngay cả trường chuyên vẫn không đồng đều về trình độ tiếng Anh. Chưa kể giáo viên bộ môn đa phần đều không thể giao tiếp bằng tiếng Anh và trình độ tiếng Anh không đồng đều... Đó là những thách thức lớn cần giải quyết khi muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường", cô Duyên nhận xét.

160924trang-12anh-nho-2277897-2read-only-17264128396031679999944.jpg

Giáo viên bản ngữ trao đổi với học sinh trong một tiết học bằng tiếng Anh của một trường ở TP.HCM - Ảnh: N.P.

Đủ cơ sở pháp lý

Bộ Chính trị mới đây đã công bố kết luận thực hiện nghị quyết 29, trong đó yêu cầu ngành giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tiếp đó, trong một hội nghị hồi cuối tháng 8-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - đã khẳng định Việt Nam đã có căn cứ pháp lý (kết luận thực hiện nghị quyết 29 của Bộ Chính trị) để thực hiện từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Cũng tại hội nghị này, ông Thưởng đã chỉ đạo TP.HCM sớm làm đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường công lập, theo hướng chọn lọc một số trường thực hiện trước.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường chính là mong muốn của phụ huynh, nhu cầu của học sinh và khả năng của học sinh về môn học này.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, toàn TP hiện có gần 800 trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hoạt động (trong đó có khoảng 100 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài). Tổng số khóa học được triển khai là hơn 23.000 khóa với khoảng 182.000 học viên tham gia. Trong đó, số học viên dưới 18 tuổi khoảng 156.000 người, chiếm tỉ lệ hơn 85% số người học.

Số liệu đó cũng phản ánh đúng thực tế nhu cầu học tiếng Anh của học sinh tại TP.HCM, đặc biệt là giao tiếp, khi rất nhiều phụ huynh ngoài cho con học tiếng Anh theo các chương trình ở trường đều cho con theo học ở các trung tâm.

"Lớp tôi chủ nhiệm là lớp theo chương trình tiếng Anh tăng cường, nhưng khi tôi hỏi phụ huynh thì có khoảng 80% học sinh đều đi học các khóa học tiếng Anh ở trung tâm hàng tuần, mỗi tuần mấy buổi", một giáo viên tiểu học tại quận 10 chia sẻ.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), cho con học tiếng Anh là nhu cầu cao của phụ huynh hiện nay, vì họ mong muốn con em có cơ hội phát triển và thích ứng với xã hội ngày càng toàn cầu hóa.

Mặt khác chương trình phổ thông 2018 bắt buộc dạy tiếng Anh từ lớp 3, vì vậy ở một số trường TP.HCM tỉ lệ phụ huynh ủng hộ việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học sẽ rất cao.

"Riêng tại trường chúng tôi, số học sinh tham gia các chương trình liên quan việc sử dụng tiếng Anh chiếm tỉ lệ cao tại trường và các em dù còn ở bậc tiểu học nhưng tỉ lệ giao tiếp tốt bằng tiếng Anh khá nhiều", cô Chi nói.

screenshot-2024-09-15-221849-17264136240331769458038.jpg

Top 10 địa phương có điểm thi trung bình môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cao nhất nước - Đồ họa: N.KH.

Lợi thế từ đội ngũ giáo viên

Theo TS Nguyễn Thanh Bình, trưởng khoa tiếng Anh (Trường đại học Sư phạm TP.HCM), lợi thế lớn nhất của việc TP.HCM đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học là đội ngũ giáo viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao. Nhiều giáo viên đã có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại. Hơn nữa, thành phố còn thu hút được nguồn nhân lực giáo viên nước ngoài đông đảo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong các trường học.

Ông Bình nhận định TP.HCM đã có nguồn lực tại chỗ để triển khai chương trình theo lộ trình và có thể dùng nguồn lực này để hỗ trợ các giáo viên môn học khác trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh và đẩy nhanh quá trình tiếp cận tiếng Anh vào dạy học.

* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM:

Sẽ xây dựng bộ tiêu chí

* Thưa ông, TP.HCM đã chuẩn bị như thế nào cho việc thực hiện chủ trương trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai?

- Hiện nay, trong các cuộc họp tôi đã giao cho các phòng chuyên môn xây dựng dự thảo tiêu chí trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Ví dụ số môn học bằng tiếng Anh là bao nhiêu môn học? Giờ học sinh nói tiếng Anh trong nhà trường như thế nào thì trường học đạt tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường?...

Trước hết, sở mong muốn tăng giờ dạy các môn học bằng tiếng Anh. Ví dụ hiện nay TP.HCM có rất nhiều trường học giảng dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh, một số trường đang giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh theo đề án 5695 (tích hợp chương trình Anh vào Việt Nam với thời lượng 8 tiết/tuần).

Các em học sinh ở chương trình này có thể sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ và phương tiện trong giao tiếp. Các em giao tiếp bằng tiếng Anh tự tin và khi học hết phổ thông, các em có đủ năng lực tiếng Anh để theo học các chương trình đại học dạy bằng tiếng Anh theo liên kết quốc tế, các trường quốc tế đào tạo bằng tiếng Anh tại TP.HCM hoặc du học tại các nước nói tiếng Anh.

Sở sẽ xây dựng bộ tiêu chí để công nhận trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Trong đó sẽ bao gồm các tiêu chí về việc giảng dạy, sinh hoạt, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp...

* Dự kiến khi nào thì sở hoàn thành dự thảo bộ tiêu chí?

- Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang xúc tiến tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra bộ tiêu chí trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai từ bậc học mầm non.

Bộ tiêu chí này khi được hình thành sẽ trình UBND TP.HCM ban hành. Dự kiến bộ tiêu chí này sẽ thực hiện xong trong năm học 2024-2025 và bắt đầu thực hiện từ năm học 2025-2026.

* Thuận lợi của TP.HCM trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường ra sao?

- Thuận lợi nhất là người dân rất ủng hộ cho việc dạy học bằng tiếng Anh. Hiện nay có đến 99% học sinh lớp 1 tại TP.HCM được học tiếng Anh. TP.HCM đã thực hiện điều này từ khi chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới yêu cầu dạy tiếng Anh từ lớp 6 trở lên.

Còn hiện nay, chương trình phổ thông 2018 dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 thì TP.HCM đã phủ khắp từ lớp 1 với nhiều chương trình tiếng Anh được đánh giá có chuẩn đầu ra tốt.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020