Thông tin do Coursera cung cấp hôm 15/6. Độ tuổi trung bình của người học ở Việt Nam là 29.
Năm khóa học mà người Việt chọn nhiều nhất trong quý I là: Dữ liệu, Quản lý dự án, Thông tin và Kỹ thuật số, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Marketing kỹ thuật số và Thương mại điện tử. Trong đó, 3/5 khóa học được Google cung cấp miễn phí, hai khóa còn lại của Đại học Sydney, Australia.
Ông Jeff Maggioncalda, Giám đốc điều hành Coursea, cho hay, riêng với sinh viên và giảng viên đại học, chủ đề được quan tâm là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI).
"Các trường nhận thấy tiềm năng khi trang bị cho sinh viên kiến thức về AI để có việc làm tốt. Số người Việt đăng ký các khóa học ở lĩnh vực này đang có xu hướng tăng", ông nói. "Khảo sát của Coursera năm ngoái cho thấy các nhà tuyển dụng ở châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng trả lương cao hơn 54% cho nhân sự có kiến thức về AI".
Sinh viên tự học ở thư viện trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tháng 2/2022. Ảnh: Giang Huy
Ông Maggioncalda đánh giá sinh viên Việt Nam có lợi thế khi học online do đã quen với việc này trong thời gian Covid-19.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học được dạy online tối đa 30% tổng khối lượng chương trình. Sau đại dịch, nhiều trường duy trì dạy online với khoảng 1-25% nội dung, hoặc kết hợp học trực tuyến và trực tiếp ở một số học phần.
Hiện, một số khóa học của Coursera có thể quy đổi thành tín chỉ đại học ở Việt Nam. Ví dụ, Đại học FPT tích hợp hơn 80 khóa học vào chương trình cử nhân về Công nghệ thông tin, Kinh doanh, số tín chỉ có thể quy đổi chiếm khoảng 20%.
Coursera ra đời năm 2012, liên kết với hơn 300 đại học và doanh nghiệp lớn trên thế giới để cung cấp các khóa học trực tuyến. Tính đến tháng 3, nền tảng này có hơn 148 triệu học viên.
Doãn Hùng