Chuyên mục  


Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) trong một tiết học môn tiếng Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có cần thiết phải như vậy không và "khổ to, giấy đẹp" liệu có phải là nguyên nhân duy nhất của việc tăng giá?

Sách giáo khoa (SGK) mới có khổ 19x26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ sách hiện hành (17x24cm), theo đó đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với sách hiện hành. "Chất lượng in ấn theo quy cách mới, sách có thể bảo vệ tốt hơn thị lực của học sinh và có thể sử dụng trong nhiều năm", theo Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục Việt Nam.

Chương trình mới đòi hỏi?

Giải thích cho việc kê khai giá SGK mới cao so với sách hiện hành, NXB Giáo Dục Việt Nam cho biết để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung...

NXB này cũng cho biết với sách mới có tích hợp công nghệ 4.0, học sinh được trải nghiệm và thực hành các học liệu điện tử kèm theo, có điều kiện tương tác và trau dồi kiến thức, kỹ năng ở môi trường kỹ thuật số. Đây cũng là điểm mới của SGK biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không riêng các bộ SGK của NXB Giáo Dục Việt Nam, sách của nhóm Cánh diều cũng có "khổ to, giấy đẹp, in nhiều màu, nhiều hình". Giá sách của Cánh diều niêm yết còn cao hơn sách của NXB Giáo Dục Việt Nam.

Trong trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng không có sự đồng đẳng khi so sánh sách cũ với sách mới được biên soạn theo tiêu chí của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng bộ trưởng không lý giải được vì sao chương trình mới phải có sách "khổ to, giấy đẹp, nhiều hình, nhiều màu".

Một cuộc đổi mới giáo dục với hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học trước hết cần được quan tâm thay đổi mạnh mẽ ở tư duy giáo dục thể hiện trong cách quản trị nhà trường, phương pháp dạy học và đánh giá học sinh. 

Bộ GD-ĐT cho rằng điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình hiện hành (cũ) là việc dạy học dựa vào chương trình, được thống nhất trên toàn quốc. SGK chỉ là một tài liệu chính để dạy học. Vậy thì điều gì là cơ sở cho việc bắt buộc SGK phải "khổ to, giấy đẹp", phải "nhiều hình, nhiều màu"?

Khi việc đa dạng hóa biên soạn SGK được đưa vào Luật giáo dục 2019, nhiều người hy vọng các nhà trường có nhiều lựa chọn chất liệu dạy học, người dân có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. 

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng một "đồng phục" sách mới với "khổ to, giấy đẹp, giá cao" đang làm khó cho người dân, trong khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì chỉ có thể giải thích cho tính hợp lý của việc doanh nghiệp kê khai giá sách.

Giá sách giáo khoa tăng sẽ gây thêm gánh nặng với những gia đình có thu nhập thấp sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM trong một tiết học tại trường - Ảnh: Q.Đ.

Nhiều câu hỏi

Việc tích hợp công nghệ 4.0 để học sinh khi mua SGK giấy có thể được cấp quyền sử dụng SGK điện tử, như giải thích của đơn vị xuất bản, cũng là vấn đề rất bất cập. Vì học sinh các vùng nông thôn, miền núi không có điều kiện về mạng Internet, không có nhu cầu sử dụng thêm SGK điện tử nhưng vẫn phải mua sách giấy giá cao. Việc này cũng cần Bộ GD-ĐT có quan điểm rõ ràng.

Trong niêm yết giá SGK của các NXB, hiện vẫn chưa có sách tiếng Anh. Xung quanh sách tiếng Anh cũng có nhiều băn khoăn chưa được Bộ GD-ĐT giải thích rõ.

Trước đó, Bộ GD-ĐT triển khai đề án dạy học ngoại ngữ 2020. Với đề án này, môn ngoại ngữ được xem là đi trước một bước trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và chương trình ngoại ngữ do đề án thiết kế là một phần của chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Đại diện Ban quản lý đề án dạy học ngoại ngữ 2020 khẳng định đề án này có nhiệm vụ biên soạn SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12. Riêng sách tiếng Anh lớp 1, 2 không nằm trong nhiệm vụ của đề án. Nhưng trên thực tế, sách tiếng Anh lớp 3, 6, 7 và 10 lại đang là sách xã hội hóa có giá cao và hiện nó đang được các đơn vị xuất bản đặt ra ngoài giá các bộ sách niêm yết. Nếu tính cả sách tiếng Anh, mỗi bộ sách có thể phải cộng thêm khoảng 200.000 đồng.

Nhiều ý kiến những ngày qua cũng cho rằng liệu phụ huynh có nhu cầu cần thiết với bộ sách mới với giá tăng 2 - 3 lần hay không là điều Bộ GD-ĐT và NXB cần có câu trả lời chứ không chỉ giải thích vì sao tăng giá.

Thêm lý do tăng giá: tăng số lượng sách trong bộ sách

Không chỉ "khổ to, giấy đẹp", còn có những lý do khác làm giá SGK mới tăng, trong đó có việc tăng số lượng sách trong các bộ sách. SGK giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm được một số đơn vị xuất bản gấp rút biên soạn vào sát nút diễn ra thẩm định SGK lớp 1. Trước đó, các đơn vị chỉ biên soạn sách giáo viên cho môn học/hoạt động này.

Lần đầu tiên môn giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm có SGK và nhiều ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh đều cho rằng những môn học này không cần có SGK. Vì trên thực tế, học sinh thực hiện các yêu cầu do giáo viên tổ chức, dạy học mà không cần xem sách. Nhất là lớp 1, 2 sách của các môn học/hoạt động này đưa những khái niệm và cách diễn đạt khó hiểu với học sinh còn đang học tiếng Việt chưa thạo.

Tại Hà Nội, khá nhiều phụ huynh cho biết không hề chạm đến SGK các môn này trong cả năm học vì "thể dục là ở ngoài sân chơi, sân tập để thực hành các kỹ năng do giáo viên hướng dẫn". Trong bối cảnh giá sách mới đang nóng, nhiều người cho rằng bớt đi những đầu sách không cần thì người dân sẽ giảm nhẹ gánh nặng. Nhưng về việc này Bộ GD-ĐT chưa bao giờ có giải thích chính thức, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Chi phí marketing tính luôn trong giá tăng

Theo NXB Giáo Dục Việt Nam, giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được tính toán dựa trên các yếu tố:

* Số cuốn SGK trong một bộ SGK (của một lớp).

* Chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…) phải đầu tư công phu để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

* Chi phí vật tư, công in: Nhằm chuyển tải những đổi mới về nội dung theo định hướng phát triển năng lực, SGK mới được in nhiều màu với khổ sách lớn hơn (19x26,5cm).

* Chi phí marketing: Khi có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như: giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông. Giá của SGK hiện hành (cũ) không phải phân bổ các chi phí này.

SGK mới thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư và vay ngân hàng. Còn với SGK cũ, chi phí tổ chức bản thảo do ngân sách nhà nước cấp và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo Dục Việt Nam (đơn vị độc quyền xuất bản) chỉ trả chi phí tổ chức bản thảo khi tái bản.

Đẹp nhưng giá phải hợp lý

Anh Tuyên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dẫn con trai đi mua sách để chuẩn bị vào lớp 1 tại nhà sách Fahasa Phú Nhuận sáng 24-5 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ gợi ý của chúng tôi, chị Thu Thảo - phụ huynh học sinh lớp 1 Trường tiểu học Cầu Xáng, huyện Bình Chánh (TP.HCM) - đã đưa cho con gái 2 cuốn SGK để bé chọn lựa: 1 cuốn Tiếng Việt mà bé đang học và 1 cuốn Tập đọc lớp 1 xuất bản năm 1985 theo chương trình cũ (in hai màu bằng giấy màu vàng nhạt). Ngay lập tức bé gái trả lời: "Con chọn cuốn sách của con vì nó đẹp hơn".

Chị Thảo kêu con mở sách ra xem vài trang rồi hỏi tiếp: "Thế con thích đọc cuốn nào?". Bé vẫn giữ nguyên ý định: "Con thích đọc cuốn sách của con hơn. Vì có nhiều hình cho con ngắm".

Mà không chỉ trẻ em. "Người lớn cũng thích đọc những cuốn sách giấy trắng, in màu, hình ảnh đẹp" - cô Nguyễn Thu Hân, giáo viên dạy văn ở TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết. Cô Hân phân tích: "Đó là tâm lý bình thường của con người. Tôi thừa nhận thời kỳ của chúng tôi (cách đây hơn 30 năm) thì SGK tuy in có 2 màu, giấy thì màu ngà ngà rất xấu nhưng vẫn được xem là vật phẩm có giá trị. Bởi ngày ấy các phương tiện thông tin không nở rộ như bây giờ, chúng tôi có rất ít sách báo để đọc. Vì vậy thế hệ của chúng tôi đa số chỉ được tiếp cận với SGK là chính.

Ngày nay cuộc sống đã thay đổi theo hướng phát triển, hiện đại hơn, trẻ em bây giờ được tiếp cận với nhiều kênh thông tin khác nhau: ngoài truyền hình còn có YouTube rồi sách, báo, truyện… bây giờ cũng in màu rất bắt mắt. Thế thì SGK in trên khổ to, giấy đẹp là đi đúng xu thế phát triển của nhân loại. Vấn đề còn lại là giá cả sao cho phù hợp với số đông người dân".

Chị Lê Phương Hồng, phụ huynh có hai con học tiểu học và THPT ở TP.HCM đồng thời cũng là người làm việc trong ngành xuất bản, nêu quan điểm: "Tôi ủng hộ chủ trương làm bộ SGK mới với khổ to, giấy đẹp, nhiều hình ảnh thực tế. Chúng ta đang sống ở thời kỳ hiện đại, chất lượng cuộc sống đã được nâng lên, mọi thứ đều đã phát triển hơn trước thì việc dạy học theo hướng tiệm cận với thực tế là cần thiết.

Ưu điểm đa số bộ SGK mới bây giờ là nhiều hình ảnh thực tế, rất gần gũi với cuộc sống của học sinh. Còn SGK ngày xưa thì hầu hết đều là tranh vẽ chứ không có hình ảnh thực".

Tuy nhiên chị Hồng cho rằng: "Giá SGK lại là điều đáng bàn. Đầu tiên phải chấp nhận SGK mới in trên khổ to, giấy đẹp thì giá phải tăng. Nhưng việc tăng bao nhiêu phần trăm thì Nhà nước phải quản lý. SGK là mặt hàng văn hóa phẩm đặc biệt nên giá thành cũng phải đặc biệt. Nếu so sánh giá SGK với các mặt hàng nhu yếu phẩm thì không cao đối với người dân ở các đô thị lớn.

Nhưng với những vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa thì giá SGK như hiện nay là một gánh nặng đối với phụ huynh. Thế nên Bộ GD-ĐT cần phải đặt ra quy định bắt buộc về việc thành lập các tủ sách dùng chung ở nhà trường phổ thông để học sinh nghèo có thể mượn sách học tập. Hoặc Nhà nước cần có chính sách trợ giá SGK hoặc yêu cầu doanh nghiệp giảm giá, tặng sách cho học sinh nghèo và học sinh ở những vùng khó khăn".

HOÀNG HƯƠNG

Các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề

* Đại biểu Phan Viết Lượng(phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục): Không thể vì lợi nhuận mà đẩy giá sách lên

Cử tri có nhiều ý kiến liên quan sách giáo khoa và cho rằng giá hơi cao. Trong giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra - "sách cứng, bìa đẹp, màu tốt giá cao" - cũng có phần đúng, tuy nhiên phải rà soát lại xem giá cao như vậy có hợp lý chưa và có cần thiết phải in "quá đẹp", "quá chất lượng" như vậy không?

Ở đây phải đảm bảo giá cả hợp lý, đồng thời phù hợp với điều kiện, tuổi thọ sử dụng của sách giáo khoa. Nếu sách sử dụng 1 năm 1 lần thì cần gì phải tốt, đẹp và sách sử dụng tại các vùng khó khăn thì đâu cần phải dày, đẹp. Phải có tính toán, rà soát lại bởi đây là dịch vụ cần thiết, thiết yếu với số lượng bản in lớn nên Nhà nước phải có chính sách quản lý giá ở mức phù hợp cho người sử dụng và cần thiết hỗ trợ giảm cho người học, phụ huynh.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục trong giám sát cách đây 3 năm cũng nêu băn khoăn về giá sách giáo khoa cao và cơ quan quản lý thừa nhận giá cao. Sau đó ủy ban đã có báo cáo giám sát gửi các cơ quan, bộ ngành và đã thúc đẩy Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính có đề xuất tăng cường quản lý giá sách giáo khoa.

Tuy nhiên, việc chỉnh sửa các quy định về quản lý giá sách giáo khoa hơi lâu nên đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc, nhất là Bộ Tài chính bên cạnh việc thẩm định giá cần phải tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách về giá cả. Cần đẩy nhanh tiến độ để trả lời sớm cho dư luận, còn để lâu thì đúng sai đều có sự hoài nghi trong đó. Ý kiến cử tri là cần rốt ráo giải quyết.

Sách giáo khoa cũng nên coi là mặt hàng thiết yếu để định giá cho phù hợp, và không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được.

* Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế): Quan trọng nhất là nội dung

Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đã nêu trong lúc nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá thì giá sách giáo khoa tăng đã gây thêm áp lực, gánh nặng khó khăn cho cuộc sống, nhất là với những gia đình có thu nhập thấp sau đại dịch COVID-19.

Một điều cần quan tâm là sách giáo khoa phổ thông hiện có nhiều bộ sách, đầu sách và một môn cũng có nhiều bộ sách, đầu sách khác nhau như vậy gây sự lãng phí không nhỏ trong việc học tập, trang bị của các gia đình, nhất là các gia đình có con học liền kế nhau.

Theo tôi, đối với sách giáo khoa, điều quan trọng nhất là nội dung, kiến thức và mục tiêu hướng đến của mỗi bộ sách phải phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng cấp học, lớp học, đối tượng chứ không phải hình thức. Hình thức sách khổ to và giấy đẹp cũng rất cần thiết, nhưng nội dung cần thiết hơn để người học tiếp cận nhanh, chắc, cơ bản về kiến thức cần học.

Đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các bộ ngành chức năng cần có sự rà soát, đánh giá về các chính sách dành cho giáo dục, trong đó có chính sách hỗ trợ và trợ giá sách giáo khoa.

* Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Cần vai trò giám sát của Bộ Tài chính

Dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh, đặc biệt quan tâm đến việc tăng giá sách giáo khoa bởi ngoài chi phí học thì chi phí mua sách giáo khoa là khoản không nhỏ. Việc tăng giá sách giáo khoa là việc của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên phải tính đúng, tính đủ, cân đong đo đếm và giải thích rõ lý do vì sao tăng, chi phí đầu vào của sách giáo khoa có tăng không và có hay không việc chỉ tăng 1,5 nhưng được tính tăng lên 2 hoặc 3 lần...

Cần tăng cường hơn vai trò của Bộ Tài chính. Trong đó, theo Luật giá hiện hành, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách. Vì vậy nếu có sự giám sát của Bộ Tài chính thì tình hình "loạn giá" của sách giáo khoa sẽ hạn chế.

Việc Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định là đáng hoan nghênh nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của người tham gia soạn thảo, làm ra bộ sách giáo khoa đó.

THÀNH CHUNG ghi

Đại biểu Quốc hội: Giá sách giáo khoa đắt hơn vì giấy tốt, khổ to là đúng nhưng liệu có cần thiết?

TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng sách giáo khoa là sản phẩm thiết yếu nên cần định giá cho phù hợp và không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá lên được.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020