Chuyên mục  


base64-1718280596532117348383.jpeg

Học sinh ra khỏi phòng thi sau buổi thi môn toán tại hội đồng thi THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG

* Một giáo viên môn toán bậc THCS tại TP.HCM: 

Học sinh nghi ngờ bản thân

Nhiều em học ngày học đêm, cố gắng không ngừng cho kỳ thi. Không phải tôi bênh học sinh nhưng đề toán ra thi vào lớp 10 vừa rồi khiến học sinh nghi ngờ bản thân, không biết hướng học nào là đúng cả.

Đề toán như vậy chỉ cổ vũ học sinh đi học thêm. Học thêm nhưng các em cũng chưa chắc chắn mà chẳng qua chỉ vì học một chỗ chưa được thì học hai chỗ, cho yên tâm hơn chút thôi.

Với đề thi toán này, nhiều học sinh đọc vào là "choáng" bởi nhiều thầy cô dạy toán đọc còn nhức đầu. Đề này câu chữ dài dòng, giống như từ văn phải chuyển thành toán mà từ toán phải chuyển thành văn vậy. Giống như từ ký hiệu toán học nhưng được diễn đạt bằng chữ vậy.

Sở GD-ĐT nói rằng đề toán ra có phần thực tế nhưng trong cuộc sống thực tế rất bao la, không thể bắt học sinh và giáo viên bao quát hết được. Nên nhớ rằng đề thi này dành cho những học sinh mới học lớp 9, các em cũng chưa có nhiều thực tế và cũng tiếp cận thực tế ở trường học khác nhau từ thầy cô giáo. 

Mấy năm đầu khi TP.HCM ra những bài toán thực tế trong tuyển sinh 10, sở có gói gọn trong lĩnh vực nào thì thầy cô còn biết để nhấn mạnh cho học sinh, khiến các em bớt bỡ ngỡ. Đằng này lại ra những bài thực tế mà các em học sinh ở TP.HCM ít va chạm nên các em rất bỡ ngỡ. Cộng với đề dài dòng, hai mặt giấy kín chữ khiến các em "khiếp" quá.

Với tâm lý của học sinh lớp 9, một bài không làm được là các em hoảng luôn dẫn đến những bài khác không làm được. Tôi thấy thương học sinh, đề ra như này khiến các em bị gánh nặng. Học sinh lớp 8 năm nay thấy thế chắc chỉ tăng tốc học thêm.

Cũng phải nói rằng, do những thay đổi của thời đại, học sinh ngày nay lướt TikTok nhiều, các em chỉ đọc những gì ngắn, và chủ yếu là xem các video ngắn nên các em rất ít đọc, khi gặp đề nhiều chữ, diễn đạt dài dòng thì các em sẽ càng rối rắm. 

Nên qua đề toán năm nay, tôi muốn nhắc học sinh phải cố gắng trong vấn đề đọc hiểu, phải cố gắng đọc quen những văn bản dài để hiểu các vấn đề diễn đạt bằng ngôn ngữ thực tế. Với đề toán như thế này, các em học sinh cần phải rèn thêm cả môn văn nữa mới làm tốt được.

* Ông Nguyễn Thành, phụ huynh có con thi lớp 10 tại TP.HCM:

Thay đổi cách dạy để học sinh tiếp cận tốt hơn

base64-1718280926735395571570.jpeg

Học sinh ra khỏi phòng thi sau buổi thi môn toán tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, ngày 7-6 - Ảnh: MỸ DUNG

Tôi là cựu học sinh chuyên toán của một trường chuyên ở TP.HCM và là một phụ huynh có con thi lớp 10 năm nay. Đọc đề toán này tôi thấy đề dài và mỗi câu nhỏ phải giải quyết trong thời gian trung bình 12 phút là một thách thức. 

Với những đề thi dài như thế này mà học sinh phải mất thời gian suy luận thì các em sẽ không đủ thời gian để giải quyết hết các bài toán. Ngay cả đó là những học sinh giỏi toán nếu chưa từng làm qua cũng sẽ khó đáp ứng được việc hoàn thành tất cả bài toán này trong thời gian 120 phút.

Tôi cũng có theo dõi việc học của con tôi và thấy rằng những gì mà con được học ở trường thực sự không đáp ứng được đề toán này. Như vậy, đây là những bài toán mà con chúng tôi phải có thời gian suy luận nên về thời lượng đề toán thực sự chưa phù hợp. 

Mặt khác, tôi cũng thấy cần phải thay đổi cách dạy để học sinh tiếp cận các vấn đề tốt hơn vì đề ra như thế này sẽ khiến con cái chúng tôi hoang mang, không biết học vấn đề từ đâu.

* Một thầy giáo dạy toán bậc THPT tại TP.HCM:

Không thể chỉ đổi mới ở đề thi 

Nếu so sánh đề toán thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM với đề toán tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội, ta sẽ thấy đề của TP.HCM hàm lượng thực tế cao hơn nhiều. Điều này gây ra việc rất nhiều học sinh khóc sau khi thi môn toán vừa qua. 

Ta phải đặt câu hỏi tại sao Hà Nội cũng tuyển sinh như TP.HCM nhưng đề thi môn toán của họ không khiến học sinh "khóc thét" như vậy mà họ cũng đạt được mục đích là tuyển được học sinh vào lớp 10 công lập.

Nếu có một phép so sánh nữa, học sinh thi tốt nghiệp THPT cũng vẫn đạt được mục đích chọn vào đại học và thi tốt nghiệp nhưng cũng không có nhiều hàm lượng thực tế như đề toán TP.HCM. 

Tôi không phải là người ngại đổi mới nhưng chúng ta phải biết rằng đổi mới phải bắt đầu từ cách học của học sinh, phải chuẩn bị cho các em tinh thần và phải chuẩn bị cho giáo viên phương tiện dạy học phù hợp chứ không thể chỉ đổi mới ở đề thi.

Vì từ đề thi này, học sinh chỉ cảm thấy mất tự tin, hoang mang. Để các em khóc nhiều như vậy có đáng không? Không phải các em không học, không chăm chỉ nhưng các em đã học và chăm chỉ rồi mà vẫn cảm thấy hỗn loạn trước đề thi nhiều vấn đề lạ lẫm như thế. 

Các em học sinh mới học lớp 9 và đây là kỳ thi lớn đầu tiên của các em mà bị giội gáo nước lạnh như vậy sẽ có thể dẫn đến những vấn đề bất ổn tâm lý cho các em.

Bạn có ý kiến thế nào về đề thi toán vào lớp 10 của TP.HCM vừa qua cũng như cách dạy và học toán trong nhà trường? Ý kiến gởi về giaoduc@tuoitre.com.vn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020