Nguyệt Hằng là một trong ba thí sinh thủ khoa khối A00 (Toán, Lý, Hóa) toàn quốc với tổng điểm xét tuyển đạt 29,35. Trong đó, Hằng đạt 9,6 điểm Toán, Vật lý 9,75 và Hóa học 10.
Nữ sinh trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Thánh Tông, TP HCM, cho hay đây là kết quả em đã ước lượng được sau khi kiểm tra đáp án do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Tuy nhiên, Hằng không ngờ điểm thi của mình lại đứng đầu cả nước.
"Em hơi tiếc nuối ở môn Toán vì lúc cuối giờ, em đã sửa một đáp án từ đúng thành sai", Hằng nói, cho biết phân vân hai đáp án ở câu số 49. Ngoài ra, em làm sai một câu khác.
Trần Nguyệt Hằng, thủ khoa khối A toàn quốc năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyệt Hằng xác định thi khối A từ khi lên lớp 10. Lớp 10 và 11, em học tại trường THPT Đương Dương, tỉnh Lâm Đồng. Năm lớp 12, Hằng theo anh trai xuống Sài Gòn, học nội trú tại trường Lê Thánh Tông.
Thời điểm mới nhập học, Hằng nói không quen với môi trường, bạn bè nên nhớ nhà, nhiều lần muốn bỏ về. Vì nhà trường không cho phép sử dụng điện thoại, em liên tục mượn của thầy cô để gọi về cho gia đình.
Phải mất cả một học kỳ, được sự động viên của bố mẹ và anh trai, em quen dần với bạn bè, thầy cô tại trường. Từ đây năng lực của Hằng mới bắt đầu được bộc lộ.
Thầy Vũ Văn Thảo, giáo viên chủ nhiệm, đồng thời dạy môn Hóa học của Hằng, nói em học rất tốt, luôn nằm trong top đầu của lớp, của trường.
"Mãi khi sang học kỳ 2, Hằng mới thực sự bộc lộ hết tố chất của một học sinh khối tự nhiên, chăm chỉ, tự mày mò", thầy Thảo nói, cho biết trước đó học trò đã đạt 1.032 điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia HCM. Riêng với môn Hóa, thầy nhận xét không bất ngờ khi em đạt 10 điểm vì đây vốn là thế mạnh của Hằng.
Tuy vậy, Hằng nói không quá tự tin vì có những lần điểm thi của em không tốt, thua bạn bè.
"Trong một số bài kiểm tra hàng tuần, điểm trung bình của lớp là trên 9, nhưng em chỉ đạt khoảng 8 điểm. Em tự hoài nghi về năng lực của mình", Hằng kể. Dù vậy, sau những lần đó, Hằng có nhiều động lực để học và ôn thi.
Mỗi ngày Hằng học khoảng 8-9 tiếng, bao gồm cả học trên lớp và tự học. Hằng chia 3 môn Toán, Lý, Hóa theo ngày, mỗi ngày học một môn, đan xen với nhau, duy trì từ khi bắt đầu học kỳ 2 đến trước ngày thi.
Bí quyết ôn tập hiệu quả, theo Hằng là tập trung giải nhiều đề của các năm trước. Đối với môn Toán, Hằng mạnh ở phần Hình học không gian, nhưng hơi đuối phần hàm số nên dành nhiều thời gian hơn. Với môn Lý, em tập trung vào phần Lý thuyết nhiều hơn, nghiền ngẫm kĩ các kiến thức cơ bản. Sở trường của em là môn Hóa học, đặc biệt phần vô cơ, nên ôn tập không quá vất vả.
Hằng không thức khuya theo quy định của nhà trường. Em giải trí bằng cách đọc sách và truyện tranh Nhật Bản. Vào cuối tuần, em có thể sử dụng điện thoại, nhưng không mấy khi lướt mạng xã hội.
Khi thi, Hằng áp dụng chiến thuật giải nhanh. Nếu có bất cứ câu hỏi nào em không thể giải trong vòng dưới 1 phút, em lập tức chuyển sang câu khác để tránh áp lực. Toán và Hóa em giải trong thời gian quy định. Đối với một số câu hỏi chưa kịp hoàn thành của môn Lý, em dành thời gian để nhớ đề và đáp án, sau đó giải tiếp khi vào giờ thi Sinh.
Sau khi tổng kết giai đoạn ôn thi, Hằng nói số đề thi xếp chồng lên cao đến một mét.
Với kết quả này, em đang phân vân giữa Khoa học Máy tính của trường Đại học Bách khoa TP HCM và Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Ngoại Thương cơ sở 2.
"Em mong muốn trở thành lập trình viên, hoặc có thể là chuyên viên tài chính", Hằng nói.
Doãn Hùng