Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Sỹ Điển
Lựa chọn hợp lý
Sau khi thi xong, con chị Trần Thị Thảo (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đối chiếu bài làm với đáp án của Bộ GD&ĐT nên phần nào dự tính được mức điểm có thể đạt được. "Tuy nhiên, cháu vẫn quyết định đợi Bộ GD&ĐT công bố điểm chính thức, phân tích phổ điểm của năm nay về các tổ hợp, sau đó mới đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển ngành, trường yêu thích", chị Trần Thị Thảo chia sẻ.
Con chị Thảo mong muốn theo học ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 2021, điểm chuẩn của nhóm ngành Công nghệ thông tin có chương trình đào tạo Khoa học máy tính là 28,43 điểm. "Mức điểm khá cao nên cháu cân nhắc thêm ngành này tại Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội (năm ngoái, điểm chuẩn là 28,15)", chị Thảo thông tin thêm.
Giống như chị Thảo, gia đình chị Nguyễn Thị Hường (Long Biên, Hà Nội) đã tham khảo ý kiến của nhiều thầy cô. Lời khuyên là không nên vội vàng, cần cân nhắc thật kỹ để đưa ra lựa chọn chính xác nhất có thể.
Nhiều thí sinh chờ điểm thi tốt nghiệp THPT mới quyết định đăng ký nguyện vọng. Ảnh minh họa
Chia sẻ về lựa chọn ngành học, em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh), cho biết: "Em phân vân giữa Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Với mức điểm tạm tính, cơ hội trúng tuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ cao hơn nhưng mục tiêu của em là Trường ĐH Ngoại thương. Do đó, em chờ điểm thi chính thức từ Bộ GD&ĐT để đưa ra quyết định cuối cùng".
Là thí sinh tự do, Bùi Thị Huyền Trang (Giao Thủy, Nam Định) chia sẻ mức điểm có thể không cao như kỳ vọng nên nữ sinh đang cân nhắc sẽ nộp hồ sơ vào ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội hay chuyển sang Trường ĐH Y Thái Bình, hoặc Trường ĐH Y Dược Hà Nội.
Trang kể: "Năm 2021, em trúng tuyển Trường ĐH Y Hà Nội nhưng chuyên ngành không như kỳ vọng nên em bảo lưu kết quả để thi lại. Rút kinh nghiệm, năm nay nếu không đủ khả năng trúng tuyển ngành Y Đa khoa của trường này, em sẽ cân nhắc sang các trường khác. Bên cạnh đó, thời gian từ nay đến 20/8 còn khá nhiều, em sẽ tiếp tục suy nghĩ".
Thí sinh tham dự buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Ngô Chuyên
Thầy cô đồng hành cùng học sinh
Nằm trên địa bàn huyện miền núi, hệ thống Internet phần nào bị hạn chế, Trường THPT Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã bố trí đội ngũ giáo viên kiểm tra hệ thống máy tính, đường truyền Internet để phục vụ công tác hỗ trợ học sinh đăng ký.
Đặc biệt Tổ Công nghệ thông tin, Ban hồ sơ lớp 12, giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu gấp rút chuẩn hóa, kiểm tra lại thông tin của học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng bố trí hai phòng máy có kết nối Internet, mỗi phòng có 3 - 4 thầy cô túc trực để hỗ trợ học sinh. Ngoài ra, các thầy cô trong nhóm hỗ trợ đều công khai số điện thoại, khi học sinh gặp sự cố hay thắc mắc có thể liên hệ trực tiếp để được giải đáp.
Thầy Hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng Nguyễn Thái Dương cho biết: "Trước khi Bộ GD&ĐT mở hệ thống đăng ký, chúng tôi đã hướng dẫn, tập huấn các thao tác để các em nắm rõ cách thức và không bị bỡ ngỡ khi thực hiện đăng ký chính thức. Thí sinh năm nay có một thuận lợi là đăng ký thi tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến, đó cũng là một lần tập duyệt cho các em".
Theo thầy Dương, thời gian đăng ký xét tuyển tương đối dài nên các em không cần vội vàng. Thay vào đó, hãy nghiên cứu cẩn thận, kỹ càng trước khi đặt nguyện vọng. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi vào ngày 24/7, các em đăng ký xét tuyển chưa muộn.
Thầy Trần Trọng Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Nghi (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) - thông tin: "Nhà trường đã chuẩn bị hai phòng có 46 máy, hoạt động liên tục dành cho những em có nhu cầu đăng ký xét tuyển. Trường cũng xây dựng hệ thống liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm với học sinh, phụ huynh để kịp thời cập nhật thông tin về tuyển sinh các trường đại học, thông tin chỉ đạo của ngành".