Tiến sĩ Win Pe chia sẻ về dự án Phát triển ngôn ngữ và văn học Myanmar đang được triển khai - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 17-10, Trung tâm Phát triển giáo dục - đào tạo phía Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) tổ chức hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị tổ chức, quản trị trường học và dạy học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục tại các nước Đông Nam Á đã chia sẻ những dự án lớn ứng dụng AI trong giáo dục tại nước mình.
Tiến sĩ Win Pe - vụ trưởng Vụ Giáo dục thay thế, Bộ Giáo dục Myanmar - chia sẻ các công nghệ số và AI đang được áp dụng trong một dự án quy mô ở Myanmar, là dự án Phát triển ngôn ngữ và văn học Myanmar, giai đoạn 2023 - 2028.
Dự án này nhằm tăng cường việc sử dụng và đề cao ngôn ngữ, văn học Myanmar trong bối cảnh mới, bao gồm thúc đẩy xóa mù chữ, phục hồi di sản văn hóa…
Trong dự án tầm quốc gia này, các công cụ AI được sử dụng để phát triển các nguồn tài nguyên kỹ thuật số cho người học tiếng Myanmar, đặc biệt ở trình độ trung cấp.
Các công cụ AI còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu ngôn ngữ bằng cách cung cấp phản hồi được cá nhân hóa.
Hơn nữa trong dự án, AI sẽ hỗ trợ bảo tồn và phục hồi di sản văn học của Myanmar, tham gia phân tích khối lượng lớn nội dung văn học, cho phép bảo tồn các văn bản lịch sử và quảng bá văn học mới.
Tuy nhiên, tiến sĩ Win Pe nhận định không phải không có những thách thức, một trong số đó là khả năng truy cập môi trường số của người dân. Vì vậy, Myanmar đang đầu tư vào việc mở rộng kết nối Internet và truy cập kỹ thuật số, nhất là ở các vùng nông thôn.
Học sinh Lào học trên ứng dụng thuộc dự án Khang Panya Lao - Ảnh: UNICEF
Trong khi đó, bà Philany Pissamay - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục không chính quy, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào - cho biết nước này đã và đang xây dựng dự án Khang Panya Lao (còn được gọi là "Kho tri thức Lào"), một nền tảng giáo dục do Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phát triển, với sự hỗ trợ của UNICEF và Liên minh châu Âu.
Ban đầu, Khang Panya Lao được ra mắt để ứng phó với đại dịch COVID-19, cung cấp các nguồn học tập từ xa cho học sinh.
Hiện nay, nền tảng này được mở rộng cung cấp các bài học kỹ thuật số tương tác bao gồm nhiều môn học khác nhau cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học như các trò chơi giáo dục, câu đố và các tài liệu khác mà học sinh có thể truy cập trực tuyến hoặc ngoại tuyến thông qua ứng dụng di động.
Khang Panya Lao đã được áp dụng rộng rãi, tiếp cận hơn 100.000 người dùng và tiếp tục mở rộng như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Lào nhằm tăng cường giáo dục kỹ thuật số và cải thiện khả năng đọc viết trên toàn quốc.
Theo bà Philany Pissamay, một khó khăn mà Lào đang gặp phải khi áp dụng AI vào giáo dục là tình trạng thiếu hụt các chuyên gia và nhà giáo dục AI, trong khi nhiều giáo viên cũng không quen thuộc với AI. Việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giảng dạy cũng đòi hỏi phải đầu tư đáng kể.
Bà Philany Pissamay chia sẻ tại sự kiện - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Lưu tâm bảo mật khi áp dụng AI
TS Lê Thị Mỹ Hà - giám đốc Trung tâm khu vực về học tập suốt đời của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO CELLL) - cho rằng tại Việt Nam, AI đang dần có nhiều ảnh hưởng đến việc quản lý trường học và các quy trình học tập.
Ngoài ra, AI cũng có tiềm năng đơn giản hóa công tác quản lý, giảm bớt gánh nặng hành chính cho đội ngũ quản lý và giáo viên.
Tuy nhiên theo bà, vấn đề bảo mật thông tin cần được lưu ý. Cần thêm các khung pháp lý để hạn chế việc sử dụng sai hoặc vi phạm dữ liệu khi áp dụng công nghệ AI trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.