Các em học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tham quan tìm hiểu tại Nhà máy mì Acecook - Ảnh: THANH HIỆP
Ngày 17-10, các em học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã có chuyến đi thực tế và học tập nhiều điều mới khi đến tham quan Nhà máy mì Acecook Việt Nam.
Hơn 45 em học sinh cùng giáo viên trường được nghe giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của công ty, được xem quy trình sản xuất, chụp hình lưu niệm, thưởng thức mì và nhận quà mang về.
Học sinh trầm trồ với quá trình phát triển lâu đời của một thương hiệu
Các em biết được công ty được hình thành tại đất nước Nhật Bản, ban đầu bán bánh mì (có cả bánh, kẹo) sau đó chuyển qua kinh doanh mì ăn liền vì chọn sản phẩm chế biến theo tiêu chí dễ dàng vận chuyển, dễ ăn và ăn ngon.
Năm 1993, nhãn hàng Acecook vào Việt Nam, từ một dây chuyền công ty đã phát triển 11 nhà máy đặt tại 6 chi nhánh ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương và Vĩnh Long.
Hiện tại, công ty đã xây dựng nhà máy ở ba miền Bắc - Trung - Nam để giúp việc phân phối hàng dễ dàng, tiết kiệm chi phí. Không chỉ cung cấp cho người dân Việt Nam mà còn xuất khẩu trên 40 quốc gia khác nhau.
Học sinh không khỏi trầm trồ với quá trình phát triển lâu đời và quy mô lớn của công ty. Không dừng lại ở sản phẩm mì Hảo Hảo được yêu thích, để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, công ty còn phát triển thêm nhiều loại mì khác nhau, còn có cả ly mì tiện lợi.
Em Trần Hoàng Lan Anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được đi tham quan nhà máy, em rất hào hứng khi tận mắt thấy nhiều điều mới. Em biết được cách tạo ra một quy trình sản xuất lớn, thông qua đó còn học được cách nhân viên hướng dẫn, vận hành và phát triển thương hiệu".
Cô Tiến Thùy cùng cô Thị Chỉnh khá thích thú khi cùng học sinh đi thực tế - Ảnh: THANH HIỆP
Cô Nguyễn Tiến Thùy - giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết các bạn rất phấn khởi khi có được buổi trải nghiệm thực tế.
"Tôi thấy học sinh đặt câu hỏi nhiều hơn so với việc ngồi học tại lớp khi được trực tiếp tham quan nhà máy. Các bạn rất hứng thú khi nhìn thấy quy trình sản xuất, những công đoạn làm ra gói mì. Học sinh được hiểu biết nhiều thêm những vấn đề mà các bạn nghe được trước đó, từ xưa giờ các bạn cứ nghĩ mì gói chiên đi chiên lại nhiều lần và ăn không tốt.
Hôm nay các bạn nhận thấy đây là quy trình sản xuất sạch, khép kín và an toàn. Các bạn còn rèn luyện được tính kỷ luật, học hỏi và nhìn thấy điều mới giúp các bạn nhớ lâu và hứng thú hơn", cô Thùy nói.
Anh Ngọc Hiền - nhân viên công ty - trả lời câu hỏi học sinh và cho biết nếu mì ăn liền có hại sức khỏe thì sẽ không tiêu thụ được trên thị trường, người dùng cần ăn kết hợp đầy đủ nhóm chất, rau củ quả.
"Muốn ra sản phẩm mới thì nhân viên công ty phải nghiên cứu lâu, đưa ra nhiều mẫu thử nghiệm. Sản phẩm mới sẽ không bán liền, mà mời người tiêu dùng ăn thử, đánh giá màu sắc, hương vị, bao bì có phù hợp... sau đó mới bắt đầu cung ứng ra thị trường", anh Hiền thông tin.
Em Trần Huy An (thứ 2 từ phải qua) tự hào khi người Nhật Bản tin tưởng lựa chọn Việt Nam là nơi phát triển công ty - Ảnh: THANH HIỆP
Tự hào khi công ty chọn phát triển tại Việt Nam
Em Trần Huy An cho biết rất háo hức khi nghe cô giáo thông báo được tham quan nhà máy.
"Em trai khi nghe em được đi tham quan nhà máy đã đặt rất nhiều câu hỏi như: cách làm ra mì, có nguyên liệu gì... Lúc đó em không biết trả lời ra sao. Nhưng khi tham quan em đã ghi chú, chụp hình lại không gian trưng bày sản phẩm để về giải đáp thắc mắc của em trai và khoe với gia đình.
Em học được nhiều kiến thức về thiết bị công nghiệp, cách kết hợp để tạo ra sản phẩm, cách quảng bá của công ty. Cho tụi em thấy được mô hình và hướng đi của công ty, để sau này tụi em sẽ biết cách nếu có mong muốn thành lập công ty riêng" - An nói.
Nam sinh cũng không khỏi tự hào khi người Nhật Bản chọn đất nước Việt Nam làm nơi phát triển và tin tưởng đặt nhiều nhà máy quy mô lớn.
Học sinh tham quan khu vực trưng bày, mô hình sản xuất mì - Ảnh: THANH HIỆP
Em Thái Ngọc Anh chia sẻ: "Em cảm thấy vui khi được trải nghiệm công đoạn làm mì, giải đáp được những thắc mắc bấy lâu của bản thân. Tụi em tự tin với kiến thức được trải nghiệm, đua nhau giơ tay trả lời câu hỏi nhận quà.
Em thấy được công việc của nhân viên ở nhà máy phải chỉn chu, đúng giờ, độ chính xác cao. Em thích mô hình sản xuất vì rất kỳ công và tỉ mỉ".
Cô Trần Thị Chỉnh - giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM - đánh giá học sinh tham quan có tinh thần học hỏi cao và rất chú ý lắng nghe nhân viên công ty hướng dẫn.
"Học sinh được trực tiếp cảm nhận xem quy trình sản xuất như thế nào, xem và cần chú ý những môn gì. Ví dụ các em muốn làm trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm có thể học hỏi để định hướng nghề nghiệp, còn những bạn khác cũng có cơ hội mở mang kiến thức", cô Chỉnh bộc bạch.
Các em được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của một công ty - Ảnh: THANH HIỆP
Em Thái Ngọc Anh (giữa) thích thú cùng bạn thưởng thức sản phẩm mì mới - Ảnh: THANH HIỆP
Anh Quang Vinh gửi trao những phần quà đến các em học sinh - Ảnh: THANH HIỆP
Nữ sinh Cát Tường nhận được phần quà đặc biệt (móc khóa có hình ly mì và linh vật Acecook) vì tích cực tham gia trao đổi, đặt và trả lời câu hỏi trong chuyến tham quan - Ảnh: THANH HIỆP