Chuyên mục  


Nhà giáo Lê Hải Châu (thứ 3 từ phải sang) dẫn đoàn tham dự IMO 1974.

Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, nguyên chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa qua đời ở tuổi 97.

Ông được biết đến là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa môn Toán và đặc biệt là sự đóng góp từ những năm đầu tiên đưa đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế.

Nhà giáo Lê Hải Châu, sinh năm 1926, tại xã Xuân Đan (nay là Đan Trường), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông chính thức công tác trong ngành giáo dục từ tháng 9/1946, tại Trường Quốc học Vinh (Nghệ An), khi mới bước sang tuổi 20.

Từ năm 1946 đến năm 1955, ông dạy Toán tại Trường Trung học Nguyễn Công Trứ (Vinh); Trường Trung học Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh); Trường Quốc học Vinh (nay là Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An) và Trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4; Trường cấp 3 Lam Sơn (Thanh Hóa).

Sau một thời gian dạy học, ông được Nhà nước cử đi nâng cao trình độ tại Trường Sư phạm Cao cấp trong Khu Học Xá Trung ương ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc). Khi trở về, ông là tác giả biên soạn sách giáo khoa thuộc Ban Tu thư, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và dạy Toán thí điểm cho sách giáo khoa Toán ở Trường cấp 3 Hà Nội và Trường cấp 3 Trưng Vương.

Nhà giáo Lê Hải Châu từng kể với kinh phí eo hẹp nhưng khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Ban Tu thư của Bộ Giáo dục đã hoàn thành khối lượng lớn về biên soạn chương trình và viết sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục phổ thông mới. Bộ sách này đã đáp ứng kịp thời và có chất lượng yêu cầu của ngành giáo dục nước ta trong nhiều thập niên. Các sách giáo khoa được tái bản vài chục năm, như sách Toán tái bản hơn 30 lần, phục vụ nhiều thế hệ học sinh.

Ông cũng đã cùng giáo sư Hoàng Tụy biên soạn hàng chục đầu sách giáo khoa, các môn như: Số học, Đại số, Hình học, Lượng giác cho các cấp học phổ thông…

Từ năm 1957 đến năm 1991, nhà giáo Lê Hải Châu là chuyên viên Vụ Giáo dục phổ thông cấp 2-3 (nay là Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo), chỉ đạo môn Toán cấp 3, phụ trách công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán.

Sau khi nghỉ hưu năm 1991, Nhà giáo Lê Hải Châu vẫn say mê với phong trào dạy Toán ở các trường phổ thông, tiếp tục tham gia giao lưu, giảng dạy ở nhiều nơi và cho ra đời nhiều cuốn sách tham khảo bổ ích. Có thể kể tên một số cuốn sách ông viết và xuất bản như: "Đố vui mọi lứa tuổi" (1993); "101 chuyện lý thú về toán dành cho cấp 2" (2001); "Danh nhân toán học thế giới" (2003); "Phát huy sáng tạo qua việc giải toán thông minh" (2004); "Toán học và đời sống, sản xuất và quốc phòng" (2006)… Với những cống hiến của mình, Nhà giáo Lê Hải Châu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục," "Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng" và nhiều danh hiệu cao quý khác. Ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào năm 2008.

Trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Toán học, dấu ấn lớn nhất của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu là đào tạo nhiều thế hệ học trò dự thi Olympic Toán học quốc tế và đoạt giải cao. Ông đã có 7 lần dẫn đoàn, trong đó, 6 lần làm trưởng đoàn và 1 lần là phó trưởng đoàn.

Đầu năm 1973, trở về Việt Nam sau một chuyến công tác, giáo sư Hoàng Tụy đã xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đề nghị đưa đoàn Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế.

Đến đầu tháng 2/1974, Bộ Giáo dục Cộng hòa Dân chủ Đức chính thức mời Bộ Giáo dục nước ta cử đoàn tham gia Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 16, được tổ chức tại Berlin vào Hè năm 1974.

Một đội tuyển được thành lập gấp rút, chỉ có 5 người, thay vì đủ 8 người như các đoàn. Trưởng đoàn dẫn 5 học sinh sang Berlin là thầy Lê Hải Châu và thầy Phan Đức Chính. Mục tiêu đặt ra của đoàn Việt Nam khi ấy là giành một huy chương Đồng. Thế nhưng, kết quả toàn đoàn đã giành tổng số 4 huy chương, trong đó có 1 huy chương Vàng thuộc về thí sinh Hoàng Lê Minh, 1 huy chương Bạc của Vũ Đình Hòa và 2 huy chương Đồng của Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng. Thí sinh Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ thiếu 1 điểm thì giành huy chương Đồng.

Thí sinh Hoàng Lê Minh, người mang về Huy chương Vàng đầu tiên trong năm thứ nhất Việt Nam tham dự Olympic Toán học, khi đó đang là học sinh lớp 10, khối chuyên Toán A0 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong kỳ thi này, thí sinh Hoàng Lê Minh đạt 38/40 điểm, xếp thứ 9 toàn đoàn.

Thầy Lê Hải Châu đã trả lời Báo Bưu điện (Cộng hòa Dân chủ Đức) ngày 26/8/1974: "Người ta vỗ tay lâu nhất để hoan nghênh đoàn học sinh Việt Nam lần đầu dự thi với 5 em đã chiếm 4 giải, trong đó có một giải Vàng. Làm thế nào mà giải thích nổi tại sao những học sinh của một đất nước đang trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc lại có vốn kiến thức Toán học tốt như vậy."

[Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu: Nhà vật lý hàng đầu của Việt Nam]

Trong các kỳ tiếp theo, thành tích của đoàn học sinh Việt Nam liên tiếp được duy trì: Năm 1975 (tại Bulgaria) có 1 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng, xếp thứ 10/17; năm 1976 (tại Áo) có 1 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng, xếp thứ 14/18; năm 1978 (tại Rumani) có 2 huy chương Bạc và 6 huy chương Đồng, xếp thứ 4/17; năm 1979 (tại Anh) có 1 huy chương Vàng và giải đặc biệt, 3 huy chương Bạc, xếp thứ 15/23; năm 1983 (tại Pháp) có 3 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng, xếp thứ 6/32; năm 1987 (tại Cuba) có 6 huy chương Đồng, xếp thứ 11/42.

Đặc biệt, tại Olympic Toán học quốc tế năm 1979, thí sinh Lê Bá Khánh Trình là người duy nhất đoạt Giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán quốc tế và được mệnh danh là “Cậu bé vàng của Toán học Việt Nam." Lê Bá Khánh Trình đã dùng kiến thức lớp 9 để đưa ra lời giải bài toán hình học ngắn hơn đáp án của Ban Tổ chức và đạt số điểm 40/40, đứng nhất toàn đoàn.

Ông Bùi Tá Long, học sinh từng tham gia Olympic Toán Quốc tế (IMO) năm 1979 đã chia sẻ đội tuyển IMO năm đó được thầy Lê Hải Châu không chỉ dẫn đi thi, mà thầy còn quan tâm chu đáo tới từng bữa ăn, giấc ngủ, visa, quần áo cho học sinh của mình.

Nhà giáo Lê Hải Châu (thứ 3 từ phải sang) dẫn đoàn tham dự IMO 1976

Năm 2007, Nhà giáo Lê Hải Châu đã ra mắt cuốn sách Kể chuyện Olympic Toán quốc tế, viết về các kỳ thi mà ông đã đưa đoàn Việt Nam tham dự.

Trước đây, trong quá trình góp ý cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu từng cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục phải làm lại chương trình các môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; cần phải huy động một đội ngũ cán bộ, giáo viên thực sự giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm sư phạm để viết sách giáo khoa, tránh để sai kiến thức, đưa vào những nội dung rườm rà, vô bổ, không thiết thực, mâu thuẫn, diễn đạt khó hiểu như sách giáo khoa hiện hành.

Dù đi xa song những đóng góp của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu đối với sự nghiệp giáo dục Toán học nước nhà vẫn còn lưu dấu trong tâm thức của nhiều thế hệ học trò, những người đã từng được thầy dìu dắt và cả những người chưa từng được thầy trực tiếp giảng dạy nhưng đã trưởng thành từ những kiến thức học được qua các trang sách của ông./.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo,  Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, nguyên Chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục THPT qua đời ngày 30/1/2022 (tức 28 tháng Chạp năm Kỷ Sửu), tại Bệnh viện Quân đội 354, hưởng thọ 97 tuổi.

Lễ viếng tổ chức từ 7h30 đến 8h30 ngày 5/2/2022 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng, năm Nhâm Dần) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu, đưa tang vào hồi 8h30 cùng ngày. An táng tại Công viên Thiên Đức, Phú Thọ.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020