Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2015-2035, Việt Nam nằm trong top 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Sau Covid-19, các hãng hàng không đang có kế hoạch phát triển nhanh đội tàu bay, xây dựng hàng chục hangar - xưởng bảo dưỡng tàu bay (mỗi hangar có diện tích khoảng 1 ha, cần ít nhất 300 nhân viên) tại sân bay Long Thành. Hiện, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế và thiếu nguồn nhân lực, phần lớn hãng hàng không Việt Nam phải mang tàu bay ra nước ngoài bảo dưỡng.
Để giải quyết bài toán thiếu nhân sự, một số trường đại học đã mở ngành đào tạo Kỹ thuật hàng không như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo của mỗi trường không nhiều, chỉ từ 40 đến 150 sinh viên một khóa.
PGS.TS Ngô Quang Minh, Phó Trưởng khoa Hàng không, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết kỹ thuật hàng không là ngành đặc thù và hẹp, phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn của Cục Hàng không Việt Nam; cần máy móc, thiết bị thực hành hiện đại nên không nhiều trường đại học mở ngành này. Như tại USTH, để đầu tư phòng thí nghiệm thực hành cơ bản về kỹ thuật hàng không, nhà trường đã phải đầu tư kinh phí khoảng 1 triệu USD.
Chương trình học
Tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chương trình giảng dạy 100% tiếng Anh, gồm các nội dung về lý thuyết và thực hành cơ bản, tập trung vào bảo trì tàu bay và hệ thống, kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng, tình trạng máy bay và hoạt động hàng không.
Sinh viên có thể lựa chọn một trong ba chuyên ngành. Trong đó, chuyên ngành Kỹ thuật vật hành có một số môn tiêu biểu như: vận hành bay; an toàn bay; giám sát bay; điều hướng và liên lạc; quản lý không lưu; quản lý dự án; quản lý hãng hàng không.
Chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng có các môn: khí động lực học; cơ học bay và điều khiển bay; kết cấu hàng không; hệ thống lực đẩy; thiết kế và bảo dưỡng máy bay. Chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng đạt chứng chỉ B1/B2 (chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay) gồm: nội dung chương trình Kỹ thuật bảo dưỡng và bổ sung 1.329 giờ đào tạo chuyên sâu về các hệ thống trên máy bay và thực hành bảo dưỡng theo chương trình B1/B2.
Đào Hoài Nam, cựu sinh viên khóa 1 ngành Kỹ thuật hàng không USTH, làm công việc của một kỹ sư bảo dưỡng nội trường máy bay tại VAECO. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Đại học Bách khoa TP HCM cung cấp các nhóm môn cốt lõi cần thiết về nền tảng của kỹ thuật hàng không như khí động lực học, cơ học bay và điều khiển bay, kết cấu hàng không, hệ thống lực đẩy, thiết kế và bảo dưỡng máy bay.
Ngành Kỹ thuật hàng không của Học viện Hàng không Việt Nam trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay và các trang thiết bị, hệ thống trên tàu bay như: khung sườn, động cơ, các thiết bị, hệ thống thuộc nhóm cơ khí, cơ giới.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình cũng có những môn học cốt lõi và chuyên sâu, trang bị cho sinh viên kiến thức về khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật hàng không, giúp sinh viên có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đủ năng lực áp dụng các kiến thức để vận hành, bảo dưỡng, thiết kế và triển khai các hệ thống, thiết bị liên quan đến cơ khí hàng không.
Thời gian đào tạo và học phí
Tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, sinh viên học chuyên ngành Kỹ thuật vận hành và Kỹ thuật bảo dưỡng trong 3 năm với 180 tín chỉ; học phí 100 triệu đồng một năm.
Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng đạt chứng chỉ B1/B2 học trong 3 năm tại trường với 180 tín chỉ và thêm 10 tháng học và thực hành tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO). Đây là tổ chức duy nhất được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ B1/B2 tại Việt Nam. USTH là trường duy nhất có thỏa thuận hợp tác đào tạo với VAECO. Học phí 125 triệu đồng.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình bậc cử nhân kéo dài 4 năm, kỹ sư 5 năm, học phí 26-29 triệu đồng cho năm học tới.
Đại học Bách khoa TP HCM đào tạo trong 5 năm, học phí khoảng 30 triệu đồng một năm
Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo 5 năm, học phí 25 triệu đồng một năm.
Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không có thể đảm nhận nhiều vị trí tại các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, HaiAu Aviation; các sân bay nội địa và quốc tế; các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo dưỡng tàu bay; các công ty nghiên cứu thiết kế chế tạo.
Ngoài ra, sinh viên có thể trở thành cán bộ, nghiên cứu viên, giảng viên tại các trung tâm, viện, trường đại học, cao đẳng trong lĩnh vực Kỹ thuật hàng không và các ngành có chuyên môn gần.
Sinh viên còn có cơ hội nhận được học bổng sau đại học từ nhiều trường danh tiếng thế giới. Chẳng hạn, sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ Quản trị vận tải Hàng không Quốc tế (IATOM) tại trường và Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC) để trở thành nhân sự quản lý cấp cao của các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Thu nhập
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm với lương phổ biến 10-15 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 5, ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết nhân sự trong ngành Kỹ thuật hàng không có thể nhận mức lương 15-20 triệu đồng mỗi tháng với trình độ sơ đẳng, làm các công việc đơn giản như thay dầu, lốp máy bay.
Với người có chứng nhận B1/B2 và có thể ký xác nhận sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng, mức lương lên đến 50 triệu đồng, thậm chí cao hơn.
Bạn muốn được giới thiệu về ngành nghề gì, mời ghi vào phần comment dưới bài. VnExpress sẽ mời các chuyên gia đào tạo và hướng nghiệp giúp bạn.
Dương Tâm