Chuyên mục  


Tại TP HCM, nhiều nơi nắng gắt, chừng 33 độ C. Lúc 13h45, phần đông thí sinh đã có mặt tại điểm thi trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.

Vũ Việt Anh, học sinh của trường, nói dù dành nhiều thời gian ôn tập, luyện đề suốt thời gian qua nhưng vẫn thấy hồi hộp. Nam sinh mong có điểm số tốt để đăng ký vào ngành Thiết kế đồ họa của trường Đại học Hoa Sen. Trước khi làm thủ tục, em đến thắp hương tại tượng đài ông Phan Đăng Lưu giữa sân trường để mong làm các bài thi được suôn sẻ.

Cô Huỳnh Thúy Diệp, nhân viên trường, cho biết phải nhắc nhiều thí sinh vì mang theo đồng hồ, điện thoại theo thói quen.

"Trường sẽ giữ đồ hộ học sinh ở phòng riêng hoặc lối lên các phòng thi, tránh trường hợp đáng tiếc", cô Diệp nói.

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1, chiều 26/6. Ảnh: Thanh Tùng

Tại trường THPT An Nghĩa và Bình Khánh thuộc huyện Cần Giờ, 24 thí sinh của xã đảo Thạnh An cũng bắt đầu làm thủ tục dự thi.

Các em đi tàu vào đất liền buổi sáng nay với sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng, thầy cô và tình nguyện viên. Hành trang ngoài sách vở còn có chăn, quần áo, đồ ăn... Ngành giáo dục bố trí các em ăn, nghỉ tại trường THCS Bình Khánh.

Thầy Nguyễn Minh Phước, Phó hiệu trưởng trường THCS-THPT Thạnh An, cho biết Thạnh An là xã đảo duy nhất của TP HCM, muốn vào đất liền phải đi tàu khoảng 45 phút. Để hỗ trợ các em, trường cử 4 giáo viên đi kèm.

Nguyễn Trương Ngọc Sơn, nói xúc động vì được các chiến sĩ, thầy cô, tình nguyện viên sắp xếp nơi ăn ở đầy đủ và động viên tinh thần.

"Em cảm thấy khá thoải mái, quyết tâm thi tốt để đỗ vào trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch", Sơn nói.

Kỳ thi năm nay TP HCM có hơn 90.000 thí sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí 162 điểm thi, huy động là gần 16.000 người phục vụ.

Các thí sinh ở xã đảo Thạnh An vượt biển Cần Giờ vào đất liền dự thi, sáng 26/6. Ảnh: Minh Anh

Hà Nội là nơi có thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Chiều nay, hơn 109.000 thí sinh đổ về hơn 4.500 phòng thi để làm thủ tục. Thành phố điều động khoảng 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu của kỳ thi.

Tại điểm thi trường THCS Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, hàng trăm thí sinh tới từ 13h30.

Đinh Phạm Việt Huy, lớp 12 chuyên Toán, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, xem sơ đồ phòng thi rồi nói chuyện với bạn cùng lớp. Nam sinh cho biết đã bớt áp lực nhờ trúng tuyển sớm ngành Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương, theo phương thức xét học bạ, song vẫn cố gắng hết sức ở kỳ thi này.

"Em muốn đăng ký thêm ngành Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân bằng điểm IELTS quy đổi kết hợp với hai môn thi tốt nghiệp là Toán và Vật lý", Huy nói. "Em đặt mục tiêu đạt 9 điểm mỗi môn".

Tại trường THPT Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, các thí sinh cũng tập trung rất đông từ hơn 13h. Cảnh sát, sinh viên tình nguyện hỗ trợ các em tìm phòng thi và phân luồng giao thông từ cổng.

Nguyễn Thị Hải Anh, học sinh của trường, tỏ ra lo lắng. "Em đăng ký xét tuyển vào Học viện Ngoại giao bằng điểm thi tốt nghiệp nên kỳ thi này rất quan trọng", Hải Anh cho biết. Nữ sinh nói may mắn được "thi trên sân nhà" nên hy vọng có kết quả tốt.

Trong buổi làm thủ tục, thí sinh đính chính các thông tin sai sót về họ, tên đệm, ngày sinh, khu vực ưu tiên... (nếu có). Nếu mất các giấy tờ cần thiết, các em báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ ở điểm thi để được xử lý kịp thời.

Ngoài ra, thí sinh cần chú ý nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi từng môn, các hiệu lệnh trống hoặc chuông được sử dụng tại điểm thi để tránh đến muộn trong các buổi thi và những sai sót không đáng có, dẫn đến vi phạm quy chế.

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi trường THCS Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong hai ngày 27-28/6. Thí sinh lần lượt thi Ngữ văn, Toán, bài tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) và Ngoại ngữ.

Với các môn thi buổi sáng, giờ phát đề là 7h30, tính giờ sau đó 5 phút. Vào buổi chiều, đề được phát lúc 14h20, tính giờ lúc 14h30.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết các địa phương đều có sự chuẩn bị từ sớm. Các kịch bản dự phòng tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, cung ứng điện... đều được chuẩn bị. Các tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ để không thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà bỏ thi.

Đây là năm cuối cùng thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (chương trình 2006). Từ năm sau, số môn thi, đề thi... sẽ được thay đổi để phù hợp với chương trình mới (2018).

Nhóm phóng viên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020