Chuyên mục  


Số liệu phân tích việc hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy, thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% (642.270 thí sinh đăng ký) và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020 (794.739 thí sinh). Các thí sinh không đăng ký xét tuyển năm nay phân bố đều ở 3 miền, trong đó miền Bắc nhiều nhất 38%, miền Nam và miền Trung từ 30% trở lên.

Xét riêng các tỉnh thành, Hà Nội là địa phương có số thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển cao nhất cả nước với 22.187 thí sinh, tiếp đến là Thanh Hoá 15.714, Nghệ An 14.145, TP.HCM 13.747, Đắk Lắk 8,435...

20 địa phương có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất.

Bộ GD&ĐT lý giải, số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học đại học ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.

Điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đó là lý do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay ít hơn.

"Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Thống kê điểm theo các tổ hợp xét tuyển chính của các thí sinh không đăng ký xét tuyển (lần lượt đồ thị ngang là theo các khối D1, C0, B0, A1, và A0):

Thống kê cho thấy điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhất là ở các khối A0, A1 và B0, các mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.

Riêng khối C0 điểm khá hơn, tuy nhiên năm nay tổ hợp C0 phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước, do vậy mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn.

Ngày 22/8, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, 325.716 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển là số liệu bình thường, không đáng quan ngại.

Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định). Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay, tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.

Vụ trưởng phân tích, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể tự đánh giá năng lực của bản thân đang ở mức độ nào, thực lực đạt được của mình thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy không đăng ký nữa. "Bởi vậy, việc nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống là chuyện bình thường”, bà nhấn mạnh.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020