Sáng nay, 6/9, gần 2 triệu học sinh Thủ đô đã bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới theo hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con học qua ứng dụng Zoom, cả học sinh và giáo viên đều bị out liên tục trong giờ học. Điều này khiến cho việc học không đạt hiệu quả, nhiều học sinh thậm chí đã bật khóc vì quá ức chế.
Chị Phạm Thị Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay sáng nay, con chị đã rất hào hứng với buổi học đầu tiên của năm học mới sau hơn ba tháng nghỉ hè. “Con không ngủ nướng như mọi ngày mà dậy từ sớm, quần áo chỉnh tề, ngồi vào bàn chờ đến giờ học. Nhưng tiết học chỉ vừa bắt đầu con đã bị thoát ra khỏi phần mềm và phải rất khó khăn mới vào lại được, rồi lại bị thoát ra. Quá ức chế, con đã bật khóc,” chị Hương kể.
Đây cũng là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). “Tài khoản của con bị thoát ra và con không thể vào lại lớp học nên cháu rất lo lắng, chỉ sợ cô gọi tên không thấy cô sẽ trách mắng nên mếu máo. Tôi phải cố gắng động viên con bình tĩnh,” chị Nhung cho hay.
Với các phụ huynh có con bị mắc kẹt ở quê, không thể ở bên cạnh để hỗ trợ con, thì nỗi lo lắng, sốt ruột trong buổi học sáng nay càng lớn hơn.
[Lễ khai giảng chưa từng có và một năm học đặc biệt bắt đầu]
Do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên chị Đỗ Bích Ngọc (quận Hoàng Mai, Hà Nội chưa thể về quê đón con trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ hè. “Con ở quê với ông bà, bố mẹ không ở gần để hỗ trợ nên tôi rất sốt ruột khi thấy con liên tục gọi điện báo về việc bị thoát khỏi lớp học Zoom, lo lắng khi sắp hết giờ học. Con học mà bố mẹ cũng đứng ngồi không yên cả buổi sáng,” chị Ngọc chia sẻ.
Không chỉ tài khoản của học sinh mà tài khoản phần mềm Zoom của các giáo viên cũng liên tục bị thoát ra. “Chỉ trong một tiết học mà tài khoản của cô giáo bị out đến 6 lần, học sinh cũng liên tục thoát ra nên chất lượng buổi học đầu tiên đã chưa được như mong đợi,” một giáo viên ở Hà Nội cho biết.
Theo các chuyên gia giáo dục, sự việc này một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống hạ tầng Internet trong việc dạy và học trực tuyến. Việc đảm bảo hạ tầng Internet là yếu tố tiên quyết trong đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến, nhưng lại không phải lĩnh vực chuyên môn của giáo viên.
Vì thế, ngành giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đồng thời có nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể hơn với giáo viên trong sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến, từ đó đảm bảo chất lượng dạy và học, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và việc học trực tuyến không phải chỉ là giải pháp tạm thời./.