Chuyên mục  


Nội dung được nêu trong dự thảo nghị quyết về chính sách với viên chức làm việc ở huyện miền núi cao năm 2025-2026, trình kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh.

Theo đó, giáo viên công lập ở 6 huyện (Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn) được hỗ trợ một lần khi nhận việc nếu cam kết ở lại ít nhất 5 năm. Mức hỗ trợ là 100, 75, 50 triệu đồng, tùy nơi làm việc ở khu vực III, II hay I (địa bàn khó khăn theo quyết định của Chính phủ). Tương ứng với đó, mức hỗ trợ sinh hoạt phí lần lượt là 1,8 - 1,5 - 1,2 triệu đồng một tháng, nhưng không được dùng làm cơ sở để đóng các loại bảo hiểm.

Nếu vi phạm, hoặc hai năm liền bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật ở mức buộc thôi việc, giáo viên phải bồi hoàn tất cả số tiền đã nhận.

Cô giáo hướng dẫn học trò tập viết tại điểm trường Lăng Lương, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, hôm 26/9. Ảnh: Đắc Thành

Sở Nội vụ Quảng Nam - cơ quan chủ trì dự thảo Nghị quyết, nói lý do đề xuất chính sách là vì các huyện nói trên đang thiếu nhân lực giáo dục nói chung, giáo viên nói riêng, chất lượng cũng chưa cao.

Việc thu hút, tuyển dụng giáo viên ở đây gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, trung bình tỷ lệ viên chức trúng tuyển chỉ đạt hơn 50%, nhiều người đỗ cũng không đến nhận việc. Trong khi đó, hơn 530 người xin chuyển về gần gia đình, 90 người khác xin thôi việc.

Sở đánh giá chính sách hỗ trợ lần này sẽ giúp giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Nghị quyết dự kiến được HĐND xem xét, thông qua vào tháng sau.

Hiện, theo nghị định 76/2019 của Chính phủ, giáo viên dạy học ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, họ có nhận phụ cấp ưu đãi nghề bằng 70% mức hiện hưởng, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Nếu chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, giáo viên hưởng phụ cấp lưu động 0,2 lương cơ sở.

Đắc Thành

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020