Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đặt câu hỏi cho diễn giả khách mời tại lễ khai khóa 2024 - 2025 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ và những nhà giáo dục trong việc đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Vũ Hải Quân, trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng và sử dụng nhân tài. Trong đó, truyền thuyết Thánh Gióng có lẽ là minh chứng đầu tiên trong lịch sử dân tộc về việc trọng dụng nhân tài...
Những "Thánh Gióng mới"
Suốt chặng đường gần 30 năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; gắn kết phục vụ cộng đồng, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước.
Theo ông Quân, chúng ta hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức mới đến từ thiên nhiên, từ con người và từ công nghệ đột phá là những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, của công nghệ sinh học, lượng tử; là sự cạnh tranh khốc liệt của các cường quốc công nghệ trên thế giới và khu vực.
"Để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua thách thức bằng lợi thế nhân tài, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới, thực tiễn đặt ra cho các thầy cô giáo và các em những yêu cầu mới, phẩm chất mới, năng lực mới.
Tôi mong các em chăm chỉ, cần mẫn học tập, tu dưỡng, rèn luyện để có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp; làm chủ, vận dụng sáng tạo tri thức, sớm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đất nước cần các em - những "Thánh Gióng mới" để vươn mình phát triển", ông Quân nhấn mạnh.
Bà Lê Duy Loan trò chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM tại lễ khai khóa 2024 - 2025 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
"Hãy có những giấc mơ"
Diễn giả chính của lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay là bà Lê Duy Loan, chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Bà cũng được coi là 1 trong 10 diễn giả xuất sắc nhất tại Mỹ thường được mời diễn thuyết tại các trường ĐH uy tín và các tập đoàn lớn trong 20 năm qua.
Trò chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, bà Lê Duy Loan cho biết bà luôn tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình. "Tôi rời Việt Nam lúc mới 12 tuổi với nhiều khó khăn, không biết nửa chữ tiếng Anh và không một đồng trong túi. Nhưng lúc đó, gia sản của tôi là lòng kính trọng nguồn gốc của bản thân mình và khái niệm tổng quát về nền văn hóa thấm nhuần 5 chữ Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Một người có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng mềm thì rất khó hoạt động trong những tập đoàn kỹ thuật.
Nhờ áp dụng và thực hiện ý nghĩa đằng sau 5 chữ trên mà tôi đã có kỹ năng mềm khá vững và đó là bí quyết đầu tiên giúp tôi tiến thân ở Mỹ", bà Loan chia sẻ.
Theo bà Lê Duy Loan, không có gì đáng sợ bằng một người thông minh, tài năng mà không có trái tim. "Vậy nên 10 bằng tiến sĩ không quan trọng bằng 5 chữ Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín", bà nói.
Bà Loan cũng cho biết hiện nay, giới trẻ bị thu hút bởi các video hấp dẫn trên TikTok, và khao khát nhận được nhiều like (thích) trên Facebook. Các bạn giao tiếp với nhau qua điện thoại, Internet mà không rời khỏi căn phòng của mình; tối ngủ lại ôm điện thoại. Theo bà, một môi trường và lối sống như vậy rất dễ làm cho cơ thể trở nên ốm yếu, tinh thần mệt mỏi, thiếu sức sống và tư duy thụ động.
Trong khi nhờ sự đam mê, nhiều người có thể làm việc quên ăn, quên ngủ. Nhưng nếu không có sức khỏe thì không thể đủ sức để theo đuổi đam mê. Bà kêu gọi sinh viên thay vì lên mạng xã hội thì dành thời gian tập thể dục, tiếp xúc với bạn bè để tinh thần được phấn khởi.
Bên cạnh đó, nữ Senior Fellow tại Hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments còn cho hay bà luôn tự đặt câu hỏi: Bổn phận của một người có học đối với xã hội và nhân loại là gì? Chính từ việc tự đặt câu hỏi này đã giúp bà có động lực vô hình rất to lớn và có định hướng cho tương lai đầy niềm tin, hạnh phúc.
"Hãy luôn hỏi câu hỏi tại sao, vì như vậy bạn mới tìm ra những điều khác biệt và mới mẻ. Hãy có những giấc mơ là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là suy nghĩ mọi giấc mơ đều sẽ thực hiện được. Hành trình hiện thực hóa ước mơ không thể thiếu tri thức nhưng cũng không thể không có "lửa" từ trái tim được", bà Lê Duy Loan nói.
Sở hữu 24 bằng sáng chế tại Mỹ
Bà Lê Duy Loan đến Mỹ năm 12 tuổi, bốn năm sau bà tốt nghiệp thủ khoa trung học ở Texas. Năm 19 tuổi, bà tốt nghiệp kỹ sư điện hạng danh dự tại Đại học Texas ở Austin. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Houston năm 1989.
Bắt đầu sự nghiệp tại Texas Instruments, bà Loan trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên và là phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật với vị trí Senior Fellow - nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ này.
Bà đã lãnh đạo quá trình phát triển và sản xuất mảng kinh doanh chip trị giá 2 tỉ USD của Texas Instruments với các đối tác liên doanh. Hiện bà Loan tham gia hội đồng quản trị nhiều công ty lớn. Bà Loan sở hữu 24 bằng sáng chế tại Mỹ, trong đó có bốn bằng sáng chế tiên phong, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của máy tính hiện đại. Bà là đồng sáng lập hai tổ chức phi lợi nhuận: Mona Foundation năm 1999 và Sunflower Mission năm 2002.