Nội dung này được nêu trong quy chế tuyển sinh THCS và THPT, do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng 8/1.
Theo đó, học sinh được cộng điểm nếu đạt giải các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; hoặc các cuộc thi cấp quốc gia diễn ra ở tỉnh. Ba mức khuyến khích là 0,5, 1 và 1,5, tương ứng với giải ba, nhì và nhất.
Trước đây, các địa phương vẫn cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho học sinh đạt giải tỉnh, thành phố. Nhưng từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi quy chế tuyển sinh, bỏ việc này.
Thời gian qua, Hà Nội nhiều lần kiến nghị Bộ cho cộng điểm trở lại, nhằm tạo động lực cho những học sinh ưu tú.
Ngoài điểm này, quy chế mới giữ ổn định về chính sách ưu tiên, tuyển thẳng.
Với điểm ưu tiên, ngoài nhóm đạt giải nói trên, ba nhóm khác được cộng điểm là con thương binh, liệt sĩ; anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; sống và học tập tại các vùng đặc biệt khó khăn. Mức cộng lần lượt là 1, 1,5 và 2 điểm.
Thí sinh được tuyển thẳng lớp 10 nếu thuộc một trong năm nhóm: là học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS; là người dân tộc thiểu số rất ít người; là người khuyết tật; đạt giải cấp quốc gia các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan ngang Bộ tổ chức; đạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ cử đi.
Quy chế mới được có hiệu lực từ 14/2.
Thí sinh tại điểm thi trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội, sau khi hoàn thành môn Toán trong kỳ thi vào lớp 10, ngày 9/6/2024. Ảnh:Tùng Đinh
Kỳ thi vào lớp 10 năm nay gồm ba môn Toán, Văn và môn thứ ba (hoặc bài thi tổ hợp). Môn thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Tuy nhiên, các tỉnh, thành không chọn một môn quá ba năm liên tiếp.
Thời gian làm bài của môn Văn là 120 phút, Toán 90, môn thứ ba 60 hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 hoặc 120 phút.
Các tỉnh, thành có thể công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn 31/3 hàng năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.
Thanh Hằng