Chuyên mục  


60829ee3-da0f-4d32-a9ad-32abc1acfcf4-okk-read-only-17147932009441851606428.jpg

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, thảo luận về giáo dục giới tính là điều cần thiết trong nhà trường, tuy nhiên cần phải phù hợp và cẩn trọng. Trong ảnh: sách về giới tính tuổi mới lớn, sách hôn nhân gia đình tại một nhà sách ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngày 3-5, nhiều phụ huynh có con đang học phổ thông "rần rần" với vụ giáo viên Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC, TP Thủ Đức, TP.HCM) phát cho học sinh cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian để về đọc trong mấy ngày nghỉ lễ.

Sách được khen, nhưng phụ huynh đọc "đỏ mặt tía tai"

Cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của tác giả Ocean Vuong có những câu văn kiểu như: "Quần cộc con đang kéo xuống mắt cá, Trevor vào tư thế ở sau lưng con, lông cậu cọ vào người con", "Cậu ấn vào lần này sâu hơn, đè mạnh thân người xuống và trượt vào bên trong con. Con đau lóe lên"...

"Mình không chấp nhận để con học sách này vì nó quá kinh khủng đối với tuổi học sinh. Đây là nước Việt Nam mà, có phải nước ngoài đâu" - phụ huynh tên Hồ Thiên Lý lên tiếng.

Theo nhiều phụ huynh, đây là một tác phẩm hay và tác giả Ocean Vuong là một trong những nhà thơ nổi bật của nền văn chương Mỹ đương đại, từng đạt nhiều giải thưởng danh giá. Dù vậy, họ vẫn nhìn nhận rằng tác phẩm như này thực sự không phù hợp để đưa vào trường cho học sinh phổ thông ở Việt Nam đọc. "Tôi đọc còn mặt đỏ tía tai" - một phụ huynh 40 tuổi tại TP.HCM bức xúc nói và khẳng định nó không phù hợp.

Những nội dung trong sách đó có phù hợp để giáo dục giới tính cho học sinh lớp 11 hay không? Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, nói: "Việc dạy giáo dục giới tính cho học sinh phổ thông của chúng ta hiện nay được thực hiện từ bậc tiểu học.

Tôi thấy nội dung trong sách đó rất gợi dục, không phải là giáo dục giới tính. Học sinh lớp 11 mà đọc những nội dung từ giáo viên, vô hình trung các em chưa hiểu hết, lại tưởng rằng trường học cổ vũ cho các hành vi như vậy trong lứa tuổi của các em. Tôi có con đang độ tuổi như thế này, tôi cũng cảm thấy lo sợ".

Đưa tài liệu cho học sinh: cẩn trọng!

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, có những sản phẩm văn hóa có dán nhãn "phim 18+" là học sinh không được xem. 

"Bộ phim có thể lướt qua 1-2 phút cảnh nhạy cảm thôi, nhưng chúng ta cũng không cho học trò xem. Đó là văn hóa. Những trang sách như vậy lưu hành trong trường học thì ai cho phép? Nhân việc này phải rà soát lại công tác đưa tài liệu tham khảo vào các nhà trường" - thầy Phú nói.

Trường phổ thông hiện nay vẫn đang thực hiện việc chọn tài liệu tham khảo theo thông tư 21/2014/TT-BGDĐT. Tuy vậy, trong bối cảnh trường THPT với kho học liệu, ngữ liệu tham khảo vô tận hiện nay, ThS Lê Thị Hồng Anh, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP.HCM), cho rằng giáo viên không nên chủ quan.

"Thầy cô giáo chúng ta chọn kiến thức nào truyền thụ đến các em cần phải có sự tìm hiểu, chọn lọc để phù hợp, có giá trị. Bên cạnh đó cũng cần có sự định hướng và cần có danh mục học liệu cụ thể và xem nó có nằm trong quy định được phép sử dụng hay không" - cô Hồng Anh khẳng định.

Là giáo viên ngữ văn Trường song ngữ quốc tế Horizon, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp cảm thấy khó hiểu khi giáo viên ISHCMC chọn tài liệu như vậy để học sinh đọc về tiếng Việt. 

"Ngôn ngữ là một nét văn hóa, không thể lấy lý do rằng đó là trường quốc tế để giáo viên có thể bừa bãi chọn một cuốn sách dù là sách tham khảo. Tôi cho rằng tất cả các giáo viên khi lựa chọn sách cho học sinh đều phải đọc qua và hiểu rõ nội dung mà giáo viên muốn đạt được khi gửi gắm đến học sinh" - cô Diệp nói.

Đánh giá về tác động của vụ việc nói trên đối với học sinh, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - nói rằng ông hoàn toàn phản đối việc đưa các văn bản vào dạy trong trường phổ thông có tính nhạy cảm như vậy.

"Để tránh điều này, các trường phổ thông cần phải thông qua các tài liệu mà giáo viên dùng làm ngữ liệu phục vụ bài giảng. Đừng cho rằng quyền sử dụng dữ liệu phục vụ bài giảng là của riêng giáo viên mà giáo viên muốn làm gì trên lớp học thì làm. Công việc ấy là của tổ bộ môn và lãnh đạo nhà trường" - ông Hồng thẳng thắn nói.

Theo ông Hồng, lựa chọn thông tin đưa vào bài giảng trong nhà trường phổ thông là một việc làm vô cùng quan trọng đối với thầy cô giáo. Thông tin đưa vào bài học phải phù hợp với yêu cầu cần đạt của bài học, trong đó phải phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Về nguyên tắc khi giáo viên lựa chọn các nội dung để đưa vào bài dạy thì ngoài việc nội dung của văn bản phù hợp với yêu cầu cần đạt của bài học, giáo viên còn phải chú ý đến tâm sinh lý lứa tuổi học trò. 

Những tác phẩm, đoạn văn bản dù là hay đối với thầy cô giáo chưa hẳn đã là phù hợp với lứa tuổi học trò khối lớp thực hiện bài giảng, vì vậy thầy cô cần phải cân nhắc kỹ các văn bản, hình ảnh minh họa khi thực hiện dạy học ở nhà trường phổ thông.

Yêu cầu rà soát sử dụng sách tài liệu trong nhà trường

Ngày 3-5, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã phát đi yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM rà soát, thận trọng trong các hoạt động giáo dục có sử dụng tài liệu, sách không phải sách giáo khoa trong nhà trường.

Việc lựa chọn tài liệu tham khảo phải tuân theo hướng dẫn của thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7-7-2014 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020