Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong phiên giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức.
Ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học
Trao đổi về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến mở cửa trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: Đây là thời điểm ngành Giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh rất lớn, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Đồng thời khẳng định, phía ngành Giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhất quán, toàn diện, bám sát thực tế và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai việc mở cửa trường học.
Bộ trưởng cho biết, sau khi chỉ đạo toàn ngành mở cửa trường học, lãnh đạo Bộ GDĐT đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Qua những chuyến kiểm tra này có thể thấy, được đi học trở lại là mong muốn rất lớn của học sinh, giáo viên, các cấp quản lý. Các địa phương cũng rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện với quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình (Ảnh: Moet.gov).
Bên cạnh thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, đó là việc nhiều trường phải dạy online - offline hỗn hợp dẫn tới căng thẳng, vất vả cho giáo viên; trường học cho học sinh trở lại nhưng chưa tổ chức bán trú dẫn tới khó khăn trong chăm sóc, đưa đón của phụ huynh; những lúng túng trong khoanh vùng xử lý ca F0, F1 trong trường học; thời gian cách ly, phương án chăm sóc cho các trường hợp nhiễm, việc test sàng lọc… Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin, những khó khăn này đã phần nào được giải quyết khi mới đây, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết xử lý những vấn đề nêu trên.
Về định hướng tiếp theo, Bộ trưởng cho biết: "Ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học trực tiếp vẫn đang được tiếp tục".
"Một số địa phương đưa ra khẩu hiệu, chỉ có một học sinh đến lớp vẫn mở cửa lớp, có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có hiệu quả, đó là sự khẳng định cho một thái độ. Có một vài em số ít gia đình không thể trông nên đưa đến lớp, việc này sẽ cổ vũ cho các cháu khác và những người khác", phân tích điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhấn mạnh: Khó có thể có một phương án toàn diện đáp ứng mọi điều kiện, trong khó khăn cần chọn phương án khả dĩ hơn cả. Phương án hiện nay đang là linh hoạt với tình hình địa phương nhưng việc đưa học sinh trở lại trường học là kiên định, nhất quán.
Từ góc độ của ngành Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã cung cấp những số liệu về tỷ lệ trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin, theo đó, tỷ lệ này ở mũi tiêm thứ 2 đã đạt trên 94%.
Với lứa tuổi 5-11 tuổi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã hoàn tất ký hợp đồng mua gần 22 triệu liều vắc xin để tiêm cho lứa tuổi này, dự kiến số vắc xin trên được cấp chậm nhất vào 30/4 để tiêm bao phủ cho trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đưa ra một số con số liên quan đến tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em ở mức thấp, cũng như cung cấp thông tin về việc các loại thuốc điều trị đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Điều này để khẳng định cho việc có thể mở cửa trường học nếu các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT được các nhà trường, địa phương tuân thủ thực hiện triệt để.
Học song song 2 hình thức online - offline khó đảm bảo hiệu quả
Có lẽ việc quay trở lại học trực tiếp đối với giáo viên là một tín hiệu đáng mừng nhưng đi đôi với đó là sự lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Vấn đề đáng lo ngại nhất đối tượng lây nhiễm là chính các học sinh trong lớp.
Cô Vũ Hằng (giáo viên trường THCS Phương Mai, Hà Nội) cho biết đối với các học sinh là F0 phải nghỉ tại nhà thì vẫn phải duy trì việc dạy và học online đồng thời rà soát sức khỏe thông qua kênh phụ huynh học sinh.
"Với những học sinh F0 mệt không tham gia học được sẽ thực hiện học lại qua phần bài ghi lại tiết giảng và bổ trợ cho học sinh khi học sinh gặp khó khăn về kiến thức để đảm bảo con không bị rơi kiến thức lùi lại phía sau." cô Hằng nói thêm.
Cô Vũ Xuân, giáo viên tại trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết, trong giờ học cô thường dùng điện thoại để livestream bài giảng của mình trên facebook của lớp, các em học sinh ở nhà có thể vào và học cùng các bạn, những chỗ nào các em không hiểu có thể comment hỏi và cô sẽ giải đáp những thắc mắc đó ngay. Còn những tiết thực hành thì cô sẽ gửi file bài tập vào trong zalo của lớp để các em học sinh làm bài cũng như phụ huynh có thể theo dõi tiến độ học tập của con sát sao hơn.
Việc khó khăn không chỉ đến với các học sinh, chính từ các giáo viên cũng có không ít những rào cản trong việc truyền tải và tiếp thu kiến thức. Với cô Hằng thì việc dạy song song hai hình thức bước đầu là sự bất cập. Tuy nhiên việc chuyển đổi như vậy là tất yếu. Chỉ cần là sự chuyển đổi phù hợp đúng thời điểm đúng hoàn cảnh sẽ đem lại kết quả, hiệu quả.
Cô Hằng thường xuyên nhắn nhủ tới những gia đình, hỏi han phụ huynh và các học trò hiện không thể tới trường tham gia học trực tiếp thông qua ứng dụng zalo (Ảnh: chụp màn hình do NVCC).
Cô Hằng chia sẻ thêm: "Việc thực hiện song song hai hình thức cùng lúc chắc chắn không đảm bảo được hiệu quả bằng việc học của các con. Trong trường hợp quá nhiều học sinh học online thì tôi luôn đề xuất lớp đó nên linh hoạt chuyển sang hình thức online chứ không nên máy móc buộc dạy cả hai hình thức cùng lúc để hướng tới hiệu quả truyền thụ và tiếp thu kiến thức bài học. Giáo dục không đầu hàng khó khăn nhưng không có nghĩa bỏ qua những tình huống cần linh hoạt thay đổi cho phù hợp và hiệu quả. Tiến hành song song hai nhiệm vụ chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe toàn dân giảm nguy cơ lây lan, triển khai việc học nhưng linh hoạt kịp thời đảm bảo sức khỏe và kinh tế, mà việc học vẫn thực hiện đúng tiến độ."
Theo cô Xuân, để hạn chế tối đa mức F0 thì chủ yếu vẫn là ở chính các em học sinh. Để tránh làm gián đoạn chương trình học, các em không nên giao lưu, tiếp xúc nhiều với người ngoài, không tụ tập ăn uống hay các hoạt động đông người, tự bảo vệ lấy sức khỏe chính mình. Dù vậy cũng không thể tránh khỏi việc lây nhiễm từ người thân trong gia đình, trong trường hợp này, các em vẫn nên có ý thức tự học, làm bài đầy đủ để đảm bảo điểm số của mình
"Khó khăn rõ nhất trong việc dạy học online đó là giáo viên không thể triển khai bài giảng một cách trọn vẹn, có nhiều vấn đề chưa được phát triển kỹ càng cũng như là thiếu mất sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Dạy trực tuyến thì các cô sẽ không thể quan sát bài làm của từng bạn để chỉnh đốn, bù đắp lỗ hổng kiến thức cho các em được", cô Xuân trao đổi.
Phụ huynh lo lắng
Sau gần 2 tuần con trở lại trường, chị Đ.T.T.H, một phụ huynh có con hiện là F0 cho biết: "Hiện tại, con phải học online trong khi cách ly y tế vì được xác định dương tính với Covid từ một bạn cùng lớp. Việc cách ly gây áp lực tâm lý tù túng, bị bó buộc trong không gian hẹp, khiến con có tâm lý chán nản, không muốn làm gì. Bị hạn chế vận động cũng là nguyên nhân làm con bị trì trệ về mặt thể chất lẫn tinh thần".
Chị Đ.T.T.H chia sẻ thêm, sau khi nhiễm Covid-19 thì việc học của con cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do tâm lý bị cách ly, dễ gây ra tâm lý chán học, nghiện xem tivi và chơi điện tử.
Có cùng quan điểm với chị Đ.T.T.H, anh Tuấn Anh, phụ huynh có con đang theo học ở một trường cấp 2 tại Hà Nội chia sẻ rằng, rào cản lớn nhất chính là sức khỏe bị suy giảm khiến các em khó có một trạng thái tốt để tiếp thu bài giảng trên lớp.
"Trở thành F0 cũng đồng nghĩa với việc con sẽ không được đến trường học trực tiếp cùng các bạn, điều này có thể làm con kém phát triển về mặt xã hội, khi lại tiếp tục phải học online một mình," anh Tuấn Anh nói thêm.
Chia sẻ về những khó khăn khi có con đi học và bị lây nhiễm Covid-19, chị Hồng Ánh, một phụ huynh cũng có con đang là học sinh của một trường cấp 2 tại Hà Nội cho hay: "Một trong những trở ngại lớn của tôi là không thể giám sát, theo dõi cũng như giúp con hoàn thành đầy đủ, hiểu được các bài giảng trên lớp. Bản thân tôi luôn phải đóng vai trò như một người hướng dẫn lại các bài giảng của thầy cô để giúp con hiểu bài bởi những ảnh hưởng về sức khỏe dễ khiến con cảm thấy mệt mỏi, khó tiếp thu. Không những vậy việc học online trong một thời gian khá dài vừa qua cũng khiến cho con ít có sự tương tác với bạn bè thầy cô nên sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng tiêu cực là điều khó tránh khỏi."
Đứng trước nỗi lo về sự gia tăng chóng mặt số ca mắc Covid-19 mới tại các lớp học cũng như nỗi lo về sức khỏe của các em nếu chẳng may trở thành F0, vậy các bậc phụ huynh mong muốn con em mình vẫn được tiếp tục đến trường vì đã phải học online quá lâu hay hi vọng con được quay lại với hình thức học trực tuyến tại nhà như thời gian vừa qua để tránh lây lan dịch bệnh?
Trao đổi với PV về vấn đề này, chị Đ.T.T.H cho biết, việc ngày càng có nhiều học sinh dương tính với SARS-CoV-2 là điều không thể tránh khỏi khi các em học trực tiếp. Hơn nữa, chúng ta không thể tiếp tục trì hoãn thêm việc mở cửa lại trường học, vậy nên chúng ta cần linh hoạt và thích nghi với hoàn cảnh. "Cho tới hiện tại, chúng ta vẫn chưa có một giải pháp cụ thể hay một biện pháp khả quan nào cho thấy khả năng có thể ngăn chặn được sự lây lan Covid-19 trong trường học. Vì dù học sinh không lây cho nhau nhưng bố mẹ các con vẫn đi làm và hoàn toàn có thể là nguồn lây. Việc học sinh lây từ gia đình và lây sang cho thầy cô hoặc các bạn cũng là điều không tránh khỏi. Vậy nên cần thích nghi với hoàn cảnh hiện tại để các con có thể tiếp tục tới trường học tập", chị Đ.T.T.H nói.
Theo quan điểm của chị Lưu Thị Lan, phụ huynh có con đang học lớp 7 tại Hà Nội cho rằng: "Mặc dù F0 đang có dấu hiệu tăng nhanh về số lượng nhưng hầu hết các con đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine. Cùng đó, dưới sự kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả của nhà trường thì việc các con tiếp tục học trực tiếp tôi cảm thấy không quá lo lắng."
Hơn tất cả, việc học trực tiếp sẽ giúp các em có kiến thức vững vàng hơn, nâng cao các kỹ năng xã hội cũng như giúp giảm áp lực cho nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian để trông cũng như hướng dẫn con học nếu con học online như trước kia, chị Lan chia sẻ thêm.