Chuyên mục  


Vậy là chúng ta đã chính thức bước sang năm Kỷ Hợi với bao niềm vui, niềm hy vọng về một năm mới tốt lành và thành công. Nhân dịp đầu xuân, hãy cùng nhau gặp gỡ với một cậu bạn tuổi Hợi đã đạt được nhiều thành tựu khiến người khác phải nể phục, không chỉ để ngưỡng mộ mà còn để lắng nghe những chia sẻ chân thành nhất từ một người trẻ thành công tới những người cùng thế hệ có thể còn đang phân vân với những bước đi của bản thân.

Giống như cái tên của mình, Nguyễn Siêu (1995) gây ấn tượng khi trúng tuyển đến 7 trường ĐH danh giá của Mỹ vào năm 2013. Năm 2015, cậu bạn này là 1 trong 200 đại biểu quốc tế tại Hội nghị New York về Á Đông. Sau quãng thời gian học tập tại đại học Vassar, New York (trường thuộc top 12 nước Mỹ), Siêu tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông loại xuất sắc với điểm GPA là 3.9/4.0.

Nguyễn Siêu, chàng trai 24 tuổi đã làm việc tại hãng phim lớn nhất nhì Hollywood

Năm 2018 có lẽ là năm vô cùng đặc biệt với chàng trai 24 tuổi này khi ghi dấu rất nhiều những cột mốc đáng nhớ. Siêu cho ra mắt cuốn sách "Cô đơn để trưởng thành – Nhật ký từ nước Mỹ" tập hợp những ghi chép về đất nước, con người, văn hoá Mỹ trong suốt 4 năm xa nhà du học dưới một góc nhìn riêng đầy tỉ mỉ. Siêu chính thức được nhận vào làm tại Paramount Network - hãng phim/ tập đoàn truyền thông lớn nhất nhì Hollywood, sau cả một quãng thời gian dài kiên trì thực tập tại Walt Disney, MTV, Blumhouse... Nhưng quan trọng hơn cả, Siêu quyết định come out với bố mẹ, trải lòng về tính hướng của bản thân cùng những người xưa nay vẫn yêu thương và bao bọc cậu nhất.

Và đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi cùng Nguyễn Siêu.

1. Năm qua chắc hẳn là một năm có nhiều sự thay đổi lớn với Siêu khi quyết định come out với gia đình. Bạn có thể chia sẻ về câu chuyện này và những cảm xúc khi được sống thật với chính mình?

Mình biết mình là gay từ hồi còn nhỏ. Vì định kiến xã hội chưa bao giờ công nhận điều này là "bình thường" nên trong suốt những năm qua, mình luôn băn khoăn tự hỏi khi nào là thời điểm thích hợp để đề cập vấn đề này với gia đình. Đi học xa nhà, bố mẹ luôn muốn được cập nhật về mọi điều trong cuộc sống của mình ở Mỹ, nhưng mỗi lần gọi điện về, mình chỉ có thể kể vài thứ quen thuộc như ăn gì, làm việc thế nào, ngủ đủ hay không, chứ chưa bao giờ được kể về những thứ mình thật sự suy nghĩ nhiều về và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cảm xúc của mình, như con đang yêu ai, ai đang làm con hạnh phúc, ai đang làm con tổn thương.

Nhiều khi có những chuyện tình cảm khiến mình cảm thấy nặng trĩu, nhưng chỉ có thể nói chuyện với bạn bè thân thiết để cảm thấy nhẹ lòng hơn, thay vì chia sẻ với bố mẹ, những người đáng lẽ là thân cận nhất, luôn yêu thương mình vô điều kiện. Mình tin rằng mối quan hệ với bố mẹ là mối quan hệ cơ bản nhất, đóng vai trò định hình tất cả mọi mối quan hệ khác trong cuộc sống, vì tình cảm gia đình là bài học vỡ lòng thế nào là cách yêu thương đủ và đúng. Mình quyết định come out với bố mẹ là để mối quan hệ gia đình được khăng khít hơn, từ đó cảm thấy vững chãi hơn trong cuộc sống và biết cách yêu thương chính mình cũng như những người xung quanh.

Mình từng tủi thân vì bị chế giễu, nhưng chưa một lần tự ti vì là gay, bởi với mình xu hướng tính dục vĩnh viễn không phải thước đo để định lượng giá trị, tài năng của bản thân. Khi come out, bố hỏi mình, "Con có chắc chắn không?" Câu trả lời của mình là "có" và nó vẫn luôn là một cái "có" rất dõng dạc trong suốt gần mười năm qua. Mỗi người đều có một hành trình trưởng thành, và hành trình trưởng thành của mình là khám phá xu hướng tính dục của bản thân, chấp nhận nó, yêu thương nó, và cảm thấy tự hào về nó. Nhận được sự động viên từ rất nhiều người sau khi mình come out vài tuần trước, mình cảm thấy ấm lòng, vì góc nhìn của xã hội một phần đã thay đổi, và điều này khiến mình có nhiều hy vọng hơn vào một tương lai không xa khi chúng ta chấp nhận người khác bất kể màu da, giới tính hay xu hướng tính dục.

2. Từ ngày đi du học đến giờ, bạn đã có bao nhiêu cái Tết xa gia đình? Bạn có cảm thấy buồn khi phải xa nhà trong dịp lễ đoàn viên không và thường có những hoạt động gì truyền thống trong dịp này?

Từ ngày sang Mỹ thì mình chưa bao giờ về nhà vào dịp Tết, tính đến nay đã là cái Tết thứ năm. Mình thật ra chưa bao giờ buồn vì phải xa nhà, vì mình là một người sống khá độc lập và biết mình đang làm gì với cuộc sống của mình. Tết cũng chỉ là một mốc thời gian. Nếu thật sự yêu gia đình, thì tại sao lại cần đến Tết mới nhớ? Nếu có nhớ gì đó, thì mình nhớ nhất mâm cỗ Tết ở nhà, có nem, có bánh chưng, có giò lụa, có canh măng, có miến. Những thứ ấy, ở Mỹ không dễ kiếm.

Mỗi năm mình đều tụ tập với bạn bè để nấu ăn đón Tết, và năm nay cũng không ngoại lệ. Cảm giác được bao quanh bởi những người bạn đến từ quê hương xứ sở, ăn những món ăn từng quen thuộc, và được nói tiếng Việt thoải mái là một niềm hạnh phúc ở đất khách quê người. Trong nhiều năm qua mình chia sẻ nhiều thứ trong cuộc sống của mình với bạn bè, nên đối với mình bạn bè cũng chính là gia đình, và đối với mình Tết như vậy là đủ.

3. Mỗi dịp Tết đến, có một chủ đề luôn khiến nhiều người trẻ đau đầu đó chính là những câu hỏi tra xét của họ hàng, người quen, ví dụ như "Lương bao nhiêu?", "Bao giờ cưới?"... Quan điểm của bạn về vấn đề này là gì? Bản thân bạn có gặp phải tình huống này và cảm thấy phiền hà, khó chịu khi phải nghe chúng không?

Trong quan điểm của mình, những câu hỏi như "Lương bao nhiêu?", "Bao giờ cưới?" từ họ hàng, người quen là những câu hỏi tọc mạch và vô duyên. Hỏi những câu mang tính vật chất, định lượng như "Lương bao nhiêu?""Bao giờ cưới" thể hiện rằng người hỏi có định kiến nhất định về thế nào là "thành công," thế nào là "hạnh phúc." Thành công là phải làm ra từng này tiền, và hạnh phúc là phải sớm gặp một ai đó để lập gia đình. Mình không tán thành với quan niệm này. Mỗi người định nghĩa "thành công" và "hạnh phúc" khác nhau, không cứ phải lương cao và cưới sớm là có tất cả. Chúng ta không nên áp đặt tiêu chuẩn của mình đối với người khác. Với cá nhân mình, thành công không đo bằng tiền, mà đo bằng việc bạn có đam mê với công việc hiện tại không, bạn có trưởng thành trong kỹ năng của mình theo thời gian hay không. Còn hạnh phúc đối với mình rất đơn giản, là gặp đúng người ở đúng thời điểm. Đúng thời điểm ở đây có thể là 22 tuổi, có thể là 33 tuổi, có thể là 50 tuổi, không vội vã. Nếu cố gắng gặp ai đó thật sớm trong cuộc đời chỉ để "cưới sớm," có khi đó không phải người dành cho bạn thì sao?

Trong trải nghiệm cá nhân thì khi nhận được những câu hỏi dạng này, mình thấy rất khó chịu, đặc biệt là với những câu như "Có bạn gái chưa" hay "Bao giờ cưới vợ?", lý do thì có lẽ đã quá rõ ràng. Cách sống của mình là lựa chọn của mình, và mình không cảm thấy có nghĩa vụ phải giải thích với nhiều người về chuyện đó. Trước chủ đề này, có người phản biện rằng người trẻ đang quá nhạy cảm với những câu hỏi quan tâm xã giao và cho rằng họ nên làm quen hoặc bỏ qua. Mình không đồng ý. Trước bất cứ một vấn đề nào, hãy tìm cách khắc phục từ gốc rễ thay vì khuyên nhủ người khác nên chấp nhận và làm quen với nó. Vô duyên, tọc mạch là xấu, mà xấu thì phải sửa, chứ đừng nên mong đợi người khác sống chung với cái vô duyên của mình.

4. 24 tuổi đã làm việc tại một trong những hãng phim lớn nhất Hollywood, bạn có thể tóm gọn thành công của mình trong 5 điều không?

Mình chưa hề "thành công" đâu! Đúng, mình có thấy tự hào một chút vì những nỗ lực bản thân bỏ ra trong những năm vừa rồi để có được công việc hiện tại, nhưng đây mới chỉ là điểm xuất phát rất nhỏ và mình biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nếu được tóm gọn phương châm làm việc của mình trong 5 điều, đó là những điều sau:

Đầu tiên, luôn chọn làm điều mình đam mê. Được làm công việc mình yêu thích là động lực lớn nhất đối với mình để mang nguồn năng lượng tốt nhất tới chỗ làm. Niềm đam mê đối với công việc hiện tại là lý do mình không bao giờ chán nản mỗi khi sáng thứ Hai đến, không bao giờ muốn phàn nàn dù có những đêm phải làm tới khuya và cố gắng vượt mọi chướng ngại vật để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Thứ hai, như mình chia sẻ trong cuốn sách "Cô đơn để trưởng thành" luôn làm 200% những gì người khác mong đợi. Điều này cũng giúp mình bứt ra khỏi giới hạn của bản thân để có thể thực hiện những điều lớn hơn, từ đó khai thác sâu hơn tiềm năng của chính mình. Nhiều khi bạn rất giỏi ở một kỹ năng nào đó, nhưng nếu bạn chỉ dừng lại khi chạm tới cột mốc 100% công việc đặt ra mà không thử cố gắng thêm chút nữa, kỹ năng ấy sẽ mất cơ hội được phát huy ở mức tối ưu.

Thứ ba, liều lĩnh. Mỗi người có một vùng an toàn nhất định và bước ra khỏi nơi quen thuộc ấy không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, đối với mình thì an toàn quá là nhàm chán. Nếu bạn không thử những lĩnh vực mới, những kỹ năng mới, thì bạn sẽ vĩnh viễn không biết được tiềm năng của mình có thể vươn tới đâu. Khi mới bắt đầu làm việc tại Paramount, những dự án mình phụ trách khá nhỏ. Một lần mình cao hứng dựng một video ngắn với ý tưởng khá táo bạo rồi gửi cho nhà sản xuất, họ thấy rất thích thú và bắt đầu giao cho mình nhiều dự án lớn hơn. Họ bắt đầu tin tưởng khả năng của mình và tạo điều kiện cho mình thực hiện những ý tưởng mới mẻ khác.

Thứ tư, chọn đúng người để lắng nghe và học hỏi. Có rất nhiều người bạn sẽ gặp trong cuộc sống và công việc, trong đó ai cũng có thể đưa ra những lời khuyên, những lời góp ý khác nhau. Khi có quá nhiều tiếng nói vang vọng bên tai và bạn muốn thay đổi để hài lòng tất cả mọi người, bạn sẽ mất đi chính kiến cũng như cái "gu" của chính mình. Do vậy, chúng ta chỉ nên thật sự lắng nghe một số ít người nhất định, và phải học được cách xác định những người ấy là ai. Trong công việc, đó có thể là một người có chuyên môn cao, hoặc có gu thẩm mỹ hợp với bạn, hoặc có con đường sự nghiệp mà bạn muốn đạt tới, thay vì hỗn tạp mọi người ở mọi lĩnh vực, mọi trình độ, mọi gu thẩm mỹ khác nhau.

Thứ năm, toả nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày. Mình là một người cười rất nhiều, và đồng nghiệp ở Paramount hay bảo rằng nụ cười của mình luôn khiến cho ngày làm việc vui vẻ hơn. Mục tiêu của mình mỗi sáng thức dậy là sống tích cực hơn, thấy biết ơn và hạnh phúc về những gì mình đang có trong cuộc sống, và hy vọng trong ngày hôm ấy sẽ làm ai đó cười, vì mình tin năng lượng tích cực có thể lan toả rất rộng.

5. Hãy đưa ra sự lựa chọn của mình cho những cặp câu hỏi sau:

- Mức lương hay môi trường làm việc?

Môi trường làm việc, vì công việc không chỉ là công cụ kiếm tiền mà còn là nơi trau dồi kỹ năng, tìm người để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Một môi trường tốt dù với mức lương khiêm tốn vẫn có thể trở thành bệ phóng đưa bạn tới những môi trường lý tưởng hơn. Bên cạnh đó, theo mình chia sẻ ở trên, phải yêu thích công việc thì mình mới làm tốt được, và khi làm tốt thì mới có thể kiếm được tiền.

- Trai Việt hay Trai Tây?

Trai thông minh, biết nói chuyện, biết chăm sóc bản thân mình và quan tâm tới người khác từ những thứ nhỏ nhất, có cùng gu thẩm mỹ và có "chemistry" đối với mình là lựa chọn của mình.

- Công việc hay tình cảm?

Với tính cách của mình, về lâu dài mình chắc chắn sẽ chọn tình cảm. Tuy nhiên, mình tin là phải có công việc ổn định, sự nghiệp rõ ràng thì mới gặp được "đúng người" để nghĩ tới chuyện tình cảm lâu dài, vì nếu mình chưa là ai trong cuộc sống thì những người mình thu hút cũng chưa phải là những người tốt nhất, giỏi nhất, xứng đáng nhất với mình. Mình có muốn gặp được "hoàng tử" của cuộc đời mình không? Có. Nhưng để gặp được người đó thì trước hết mình phải là "hoàng tử" đối với chính mình trước nhất. Vì thế, ở tuổi 24 này, mình chọn công việc.

- Năng lực hay thái độ?

Luôn luôn là thái độ. Một người cầu tiến sẽ có động lực để khắc phục các khuyết điểm trong kỹ năng của mình, còn một người dù giỏi nhưng thái độ tồi thì sẽ không ai muốn làm việc cùng và nâng họ lên.

- Làm việc nhóm hay độc lập?

Mình thích làm việc độc lập hơn. Một phần, mình vẫn luôn là một đứa sống độc lập, tự giải quyết hầu hết các vấn đề trong cuộc sống của mình, tự tìm con đường cho sự nghiệp của mình, nên mình quen làm việc độc lập rồi. Một phần khác, trong trải nghiệm của mình thì làm việc nhóm luôn phức tạp hơn vì sẽ có người làm nhiều, người làm ít, người làm đúng, người làm sai, mà điều này không hợp với tính cầu toàn của mình.

- Phim tình cảm hay phim hành động?

Tất nhiên là phim tình cảm rồi. Thế giới cần nhiều yêu thương hơn bạo lực.

6. Siêu muốn gửi gắm điều gì đến người trẻ trong ngày Tết?

Qua những điều mình đã chia sẻ trong bài phỏng vấn này, mình muốn gửi gắm người trẻ Việt ba điều sau.

Đầu tiên, mình nghĩ tất cả chúng ta cần mở lòng yêu thương với người khác. Một phần động lực giúp mình quyết định come out là chính từ tình yêu thương của bạn bè xung quanh, những người chấp nhận mình, ủng hộ mình vô điều kiện trong suốt những năm vừa qua. Tất cả chúng ta đều có một nỗi niềm riêng, một câu chuyện riêng, một điều nào đó khiến chúng ta tổn thương trong những lúc yếu đuối. Một lời động viên, một lời an ủi, một nụ cười đến từ bạn hoàn toàn có thể giúp ai đó cảm thấy nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn, và biết đâu đấy, thay đổi cuộc đời của họ theo những cách bất ngờ nhất.

Thứ hai, việc chọn "đúng người" là rất quan trọng. Một người thầy giỏi sẽ giúp bạn đi đúng đường. Một người bạn tốt sẽ vực bạn dậy mỗi khi yếu đuối. Bao quanh bản thân bạn bằng những người bạn yêu thương, ngưỡng mộ, và dần tránh xa khỏi những kẻ cơ hội, nông cạn. Phải biết nói "không" với những người không thực sự quan tâm tới bạn, không ủng hộ bạn được là chính mình, ép bạn phải sống theo khuôn mẫu của họ. Đây là phương châm số một của mình ở thời điểm hiện tại trong hành trình yêu thương bản thân mình nhiều hơn.

Cuối cùng, mình để ý rất nhiều nhà ở Việt Nam có treo chữ "Nhẫn," và càng ngày mình càng thấy thấm con chữ này. Mình vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân mình rằng mình mới 24 tuổi và còn cả cuộc đời trước mắt, không cần ngay lập tức phải đạt được mọi điều mình mong muốn ngày hôm nay. Sự kiên trì, nhẫn nại với một cái tâm tốt và tính cầu tiến, mình tin, sẽ mang lại quả ngọt vào đúng thời điểm. Vì thế, năm mới Kỷ Hợi này, mình muốn gửi một chữ "Nhẫn" tới các bạn trẻ Việt Nam: Sống chậm lại để sống sâu hơn, hiểu rõ bản thân mình để yêu thương nhiều hơn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020