Thông tin hệ THCS trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) và Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) có thể dừng hệ THCS, khiến nhiều phụ huynh ở hai thành phố lớn sốt sắng những ngày qua.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc này do Luật Giáo dục quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Ngoài ra, thông tư về trường THPT chuyên cũng yêu cầu "không có lớp không chuyên trong trường chuyên". Do đó, việc ngừng tuyển sinh là đương nhiên.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng cần thận trọng xem xét hiệu quả, tác động của mô hình THCS trong trường chuyên. Nếu cần thiết phải duy trì, các địa phương có thể đề xuất cơ chế đặc thù.
- Nếu phải dừng tuyển sinh bậc THCS ở trường chuyên, ông đánh giá tác động sẽ như thế nào?
- Nếu phải dừng tuyển sinh lớp 6 ở hai trường chuyên, sau 4 năm, bậc THCS sẽ bị xóa sổ ở hai trường này. Để khách quan và công bằng, tôi cho rằng cần khảo sát phụ huynh, học sinh và lấy ý kiến đánh giá của các cấp quản lý, chuyên gia giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ được việc tồn tại bậc THCS trong hai trường chuyên này có tác động tích cực hay tiêu cực, lợi hại ra sao rồi mới cân nhắc giữ hay bỏ.
Trong trường hợp buộc phải dừng tuyển sinh THCS, việc này cần có lộ trình, tránh gây xáo trộn, hụt hẫng với phụ huynh, học sinh. Việc loại bậc THCS ra khỏi hai trường chuyên còn liên quan đến nhiều yếu tố như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Ông đánh giá thế nào về sự tồn tại của hệ THCS trong trường THPT chuyên?
- Với kinh nghiệm gần 40 làm việc trong ngành giáo dục thành phố, tôi cho rằng việc đào tạo hệ THCS trong trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có nhiều hiệu quả, ý nghĩa tích cực, thể hiện qua nhu cầu phụ huynh muốn cho con vào học ở trường. Hàng năm, trường nhận 3.000-4.000 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 500.
Với đội ngũ giáo viên giỏi được tuyển chọn, mặt bằng năng lực tốt, học sinh hệ THCS của trường được hướng dẫn đào sâu, mở rộng các nội dung học bên cạnh chương trình chính khóa. Nhờ đó, chất lượng đầu ra của các em luôn nằm trong nhóm tốt nhất thành phố. Nhiều em trúng tuyển vào lớp 10 các trường chuyên hoặc các trường THPT tốp đầu.
THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng là nơi thử nghiệm hiệu quả nhiều mô hình giáo dục trước khi nhân rộng như việc dạy học tăng cường tiếng Anh, dạy hai buổi trên ngày.
- Nhiều ý kiến cho rằng do tồn tại hệ THCS trong trường chuyên nên dẫn đến việc luyện thi, chạy đua vào lớp 6, ông nghĩ sao?
- Bên cạnh các yếu tố tích cực, việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát của hai trường chuyên Amsterdam và Trần Đại Nghĩa đã tạo ra cuộc đua ôn luyện. Nhưng đây xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của phụ huynh.
Nhiều người cho con ôn luyện từ lớp 3, 4 dẫn tới áp lực học hành, chạy đua thành tích. Những phụ huynh này không chạy đua vào trường này thì cũng ép con vào trường điểm, tiên tiến khác. Gần đây, một số trường THCS ở TP HCM đã dự kiến tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực.
Nếu các phụ huynh có tâm lý thoải mái, cho con thử sức, được thì tốt, không được thì học trường gần nhà cũng chẳng sao thì đã không nảy sinh áp lực, đẩy con vào guồng quay ôn luyện, thi cử.
Thí sinh thi vào lớp 6, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trần
- Vậy nếu vẫn duy trì bậc THCS trong trường chuyên có trở ngại gì cho công tác quản lý, đào tạo?
- Việc này cần nhắc đến lịch sử thành lập trường. Ngay từ những ngày đầu thành lập, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã có hệ THCS và THPT. Đây là trường công lập duy nhất của thành phố có hai cấp học. Sau hai năm, trường được chuyển thành trường chuyên theo quyết định của chính quyền thành phố. Trong đó, THPT là hệ chuyên, THCS là hệ không chuyên. Nghĩa là trường đã có bậc THCS trước khi được chuyển thành trường chuyên. Mô hình, bộ máy hoạt động đã ổn định nhiều năm cho đến nay.
Trước đây, hệ THCS của trường chuyên Trần Đại Nghĩa là trường duy nhất của thành phố tuyển sinh bằng bài khảo sát năng lực. Hiện nay, một số trường THCS khác ở TP HCM cũng dự định tuyển sinh lớp 6 tương tự. Học sinh hoàn tất bậc THCS, muốn tiếp tục học lớp 10 phải trải qua kỳ thi tuyển sinh, được tự do chọn trường THPT mà không có ưu tiên hay ràng buộc nào.
Vì thế, tôi cho rằng nếu duy trì bậc THCS ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng không gây trở ngại nào cho công tác quản lý hay tạo sự bất công với học sinh các trường khác.
Xét theo Luật Giáo dục và các thông tư, quy định đều không cho phép tồn tại hệ THCS trong trường chuyên, tôi cho rằng TP HCM có thể đề xuất cơ chế đặc thù cho trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Tôi nghĩa phương án này tốt hơn việc tách hai hệ thành hai trường độc lập, dễ rườm rà về thủ tục, phân công hoạt động, quản lý, nhân sự.
Lệ Nguyễn