Anh Đức hiện là kỹ sư máy học cấp cao, thuộc đội ngũ AI của Prenuvo, Canada. Đây là công ty công nghệ chuyên về sàng lọc hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) toàn thân để phát hiện sớm ung thư và một số bệnh nghiêm trọng.
Vốn là nghiên cứu sinh kỹ thuật điện-điện tử, anh Đức chuyển hướng sang lĩnh vực này cách đây gần 10 năm. Khi đó, anh nhìn nhận kiến thức chuyên sâu về y khoa của bản thân gần như bằng không.
"Đó là một quyết định mạo hiểm nhưng cũng rất tự hào", TS Đức nhớ lại.
Anh Đức thích Vật lý từ nhỏ, nhờ xem những chương trình khoa học lý giải các hiện tượng tự nhiên. Vì thế, khi vào cấp ba, anh ôn thi và trúng tuyển lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi.
Gần thi đại học, muốn tiếp tục theo Vật lý nhưng chưa biết học ngành nào, anh Đức hỏi bố. Là một kỹ sư nông nghiệp, ông muốn con cũng trở thành kỹ sư, nhưng đi theo hướng viễn thông, tự động hóa và công nghệ thông tin.
"Thời của bố, đất nước mình là đất nước nông nghiệp, nhưng đến thời của con, đất nước sẽ phát triển về khoa học công nghệ. Con nên đi theo hướng đó", anh Đức nhớ lại lời bố khuyên. Anh sau đó chọn học Kỹ thuật Điện - Điện tử, ở trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.
Năm 2009, khi học năm cuối, anh vào nhóm 12 sinh viên đầu tiên thực tập ở Renesas Electronics. Đây là công ty nổi tiếng về công nghệ bán dẫn của Nhật Bản, đến Việt Nam năm 2004. Anh Đức nghĩ mình trúng tuyển vì học tốt các môn chuyên ngành lập trình hình ảnh và thiết kế chip, cộng thêm tự tin trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh.
Những buổi trò chuyện sau giờ làm của nhóm thực tập giúp anh Đức biết đến xu hướng du học. Nghe nhiều rồi thích, anh vạch ra lộ trình cụ thể, học thêm tiếng Anh và nộp hồ sơ vào 7 trường ở châu Âu. Năm 2011, anh Đức du học Phần Lan, ngành Công nghệ thông tin. Lúc này, anh Đức tiếp tục theo hướng xử lý hình ảnh trong Kỹ thuật Điện - Điện tử, nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật xử lý ảnh và tín hiệu trong truyền tải mạng viễn thông 4G LTE.
Tốt nghiệp, anh sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, vẫn phát triển từ hướng cũ. Một lần sang trường bạn chơi, anh thấy áp phích của các nhóm nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hình ảnh y tế. Bất ngờ vì AI còn mới, ứng dụng trong y tế lại càng hiếm thấy song anh nhận ra đây là lĩnh vực tiềm năng. Không ngần ngại, anh chuẩn bị hồ sơ, xin phỏng vấn với một giáo sư, bác sĩ ở Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, và được nhận.
"Trong buổi phỏng vấn, mình thẳng thắn nhận là chưa có kiến thức y sinh nhiều, nhưng sẵn sàng học hỏi", anh Đức kể.
Năm đầu tiên đặc biệt khó khăn. Phần lớn thời gian, anh đọc sách về khoa học thần kinh và hình ảnh y tế. Anh cũng học thêm cơ sở lý thuyết và cách lập trình các thuật toán AI, cập nhật xu hướng ứng dụng AI vào phân tích hình ảnh y tế của các nhóm nghiên cứu lớn trên thế giới.
"Mình bị áp lực phải học cái mới thật nhanh, thêm nữa là phải áp dụng ngay chúng vào nghiên cứu và đánh giá kết quả", anh nhớ lại.
Dù khó khăn, anh Đức nhìn nhận nghiên cứu liên ngành mang lại nhiều lợi ích, như giúp giải quyết các vấn đề phức tạp một cách toàn diện, sáng tạo hơn. Anh Đức ví dụ với bệnh phình mạch máu não. Nhờ AI, bác sĩ không chỉ phát hiện chính xác hơn phân đoạn mạch máu bất thường, mà còn phân tích được đường kính phình, tác động của áp lực máu lên vị trí bị phình... từ đó đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh và đề xuất phương án chữa trị.
Năm 2021, TS Đức và cộng sự đạt giải nhì Giải thưởng sáng tạo TP HCM, với nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn hỗ trợ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh MRI sọ não. Hiện, phần mềm Brain Analytics, sản phẩm của đề tài, được sử dụng ở đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ, Bệnh viện 30-4, dự đoán chính xác 96% bệnh Alzheimer. Phần mềm sử dụng các thuật toán mạng nơ-ron nhân tạo AI, được huấn luyện trên hình ảnh MRI não, để phân tích, so sánh kích thước, khối lượng của từng vùng não giữa người khỏe mạnh và người bệnh.
Anh Ngô Thanh Hoàn, phó giáo sư Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Nam Florida, là một trong những đồng tác gỉa. Gặp nhau lần đầu ở Hội nghị quốc tế về Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam năm 2018, anh ấn tượng TS Đức là người hiền lành, có ý chí và cực kỳ đam mê nghiên cứu về AI trong Y học.
"Anh Đức có chuyên môn cao, làm việc nghiêm túc và rất tận tình hướng dẫn các sinh viên trong nhóm", anh Hoàn cho hay.
Trước khi đến Prenuvo, anh Đức làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Bệnh viện - Viện Thần kinh Montreal, Đại học McGill (Canada) trong một năm. Công việc chính của anh hiện tại là nghiên cứu, báo cáo ở các hội nghị về MRI quốc tế. Song song đó, anh tổ chức hội thảo miễn phí cho sinh viên, bác sĩ mới ra trường muốn tìm hiểu về AI trong y học. Đây là dự án do anh sáng lập cách đây ba năm.
Nhìn lại hành trình của mình, anh Đức vẫn tâm đắc quyết định theo đuổi liên ngành kỹ thuật y sinh, coi đó là cơ hội để rèn luyện kỹ năng tự học kiến thức mới.
"Không bao giờ quá muộn để bắt đầu học cái mới, quan trọng là quyết tâm và kiên định với lựa chọn của mình", anh nói.
Phương Anh