Chuyên mục  


base64-17233640893261288389708.jpeg

Hai mẹ con bà Thành Thị Thiên và chị Lý Thị Hương (31 tuổi) hồ hởi đến lớp học xóa mù chữ tại Trường TH-THCS Mai Thúc Loan - Ảnh: DUY NGỌC

Các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học dành cho bà con đồng bào Chăm, Raglai ở hai xã Xuân Hải và Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) sáng đèn mỗi tuần ba buổi. Tiếng đánh vần, đọc chữ của bà con vang lên làm không gian trường học những ngày hè trở nên rộn ràng.

Quyết tâm học chữ để bằng bạn bè

Khi đồng hồ vừa điểm 18h30, bà Thành Thị Thiên đẩy xe lăn trên đường làng cùng con gái Lý Thị Hương (31 tuổi, ở thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải) đến lớp học xóa mù chữ tại điểm Trường tiểu học và THCS Mai Thúc Loan.

Hình ảnh người mẹ đẩy xe lăn cùng con đến lớp học chữ khiến nhiều người khâm phục bởi tinh thần ham học tập của hai mẹ con.

Bà Thiên bộc bạch: "Từ nhà đến trường cũng hơn 1km. Do bị tật bẩm sinh từ nhỏ nên việc đi lại của Hương gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi cũng không biết chữ nên hai mẹ con đã động viên nhau cùng đến học để cùng học chữ".

base64-1723364140726355609276.jpeg

Dù mới học được gần 3 tháng, nhưng hai mẹ con bà Thành Thị Thiên và Lý Thị Hương đã đọc thông, viết thạo - Ảnh: DUY NGỌC

"Nhiều lúc Hương đi chơi thấy bạn bè hát được karaoke hay đọc tin tức trên mạng, về nhà lại buồn. Nay biết có lớp học, Hương quyết tâm phải đi học. Đi đường, hai mẹ con động viên nhau phải học thật tốt" - bà Thiên cười nói.

Vừa nắn nót viết từng chữ cái, chị Hương vừa nói như khoe: "Nay mình có thể viết và đọc được nhiều chữ rồi. Ngày trước tên mình mình còn không viết được. Giờ mình cũng có thể hát được mấy bài karaoke mà mình thích rồi".

Cô giáo Phú Thị Tốt - giáo viên Trường tiểu học và THCS Mai Thúc Loan, chủ nhiệm lớp 1 - chia sẻ: "Lớp tôi chủ nhiệm đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, phần đông ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi, nên khó rèn chữ viết. Trong các buổi học, bà con tiếp thu bài hơi chậm, hay quên. Nhưng tinh thần, thái độ học tập rất đáng khen".

base64-17233642015191149505418.jpeg

Cụ Lý Thị Đào (62 tuổi, ở thôn Phước Nhơn 2, xã Xuân Hải) vào mỗi buổi tối đi học là đi ké xe của xóm. Dù lớn tuổi nhưng cụ Đào vẫn đến lớp học đầy đủ - Ảnh: DUY NGỌC

Cô giáo Thành Thị Kim Trang - phó hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Mai Thúc Loan - cho biết lớp học xóa mù chữ, mở vào dịp hè năm 2023, nhà trường đã tổ chức 4 lớp xóa mù chữ với 83 học viên học tập chương trình lớp 1 và lớp 2.

Năm nay, nhà trường tiếp tục mở 4 lớp học xóa mù chữ đợt 1 vào tháng 5, với 49 học viên. Trong đó, có 36 học viên học chương trình lớp 3 và 13 học viên học chương trình lớp 1.

"Các học viên thuộc nhiều độ tuổi khác nhau và đều là bà con đồng bào Chăm. Nhà trường phân công 6 giáo viên là người địa phương, năng nổ, nhiệt huyết giảng dạy, giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán để tự tin hơn và vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống" - cô Trang nói.

base64-1723364266968149878892.jpeg

Lớp học xóa mù chữ tại điểm Trường tiểu học và THCS Mai Thúc Loan - Ảnh: DUY NGỌC

Chàng khuyết tật lội bộ 2km bám lớp xóa mù chữ gần 3 năm

Tại lớp học chữ thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), chúng tôi chứng kiến hoàn cảnh ngặt nghèo của anh Cao Văn Kem. Dù bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nhưng từ năm 2022 đến nay anh đều đến lớp học đầy đủ, chăm chú nghe giảng bài một cách nghiêm túc, quyết tâm học chữ.

"Từ nhà đến lớp học khoảng 2km, nếu đi như người ta thì nhanh, còn mình bị khuyết tật nên đi chậm, vừa đi vừa nghỉ. Mình phải đi sớm hơn cả tiếng để đến lớp cho kịp giờ" - anh Kem nói.

Anh cho hay trước kia không biết chữ, nhưng từ ngày đi học ở lớp này đã biết đọc, biết viết. "Năm nay tôi đã lên lớp 4, đêm nào đến lớp cũng vui hết", anh Kem hồ hởi.

base64-1723364322200732219642.jpeg

Anh Cao Văn Kem bị tật ở chân nhưng từ năm 2022 đến nay vẫn miệt mài đến lớp học chữ - Ảnh: DUY NGỌC

Ông Nguyễn Minh Hảo - phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Hải - cho biết ngoài 4 lớp xóa mù chữ ở Trường tiểu học và THCS Mai Thúc Loan, hiện huyện Ninh Hải còn tổ chức 7 lớp xóa mù chữ đợt 1 cho đồng bào Raglai ở thôn Cầu Gãy và Đá Hang (xã Vĩnh Hải) với 76 học viên học tập chương trình lớp 1 đến lớp 5.

"Việc tổ chức các lớp xóa mù chữ được huyện triển khai từ năm 2022, đến nay có nhiều học viên lớn tuổi vẫn bám lớp. Có nhiều trường hợp rất ham học như anh Kem, hay như hai cụ 75 tuổi không chỉ đi học đều mà còn động viên con cái ra lớp. Nhờ vậy mà học viên ngày càng tăng chứ không giảm" - ông Hảo chia sẻ.

Theo ông, việc tổ chức các lớp xóa mù chữ được các địa phương, học viên hưởng ứng, mang lại kết quả tích cực, giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết để tự tin hơn trong cuộc sống.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020