Chuyên mục  


Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời phỏng vấn VnExpress về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

- Thời gian qua, nhiều nước phát triển đã hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 đào tạo được 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao ngành này. Đây là thách thức hay cơ hội đối với giáo dục đại học Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

- Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển bứt phá để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tháng 9/2023, trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn từ nay tới 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm. Những năm qua, một số tập đoàn lớn thế giới đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys... Các doanh nghiệp trong nước cũng bước đầu tham gia nghiên cứu, sản xuất chip như FPT, Viettel.

Hiện số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào các khâu, công đoạn có liên quan tới thiết kế và sản xuất đóng gói chip khoảng 5.000, còn rất ít so với một số nước dẫn đầu như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của giáo dục đại học năm 2024 và nhiều năm tiếp theo.

Dự kiến trong năm học tới, các trường sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này. Con số này sẽ tăng dần từ 20-30% mỗi năm. Năm 2030, số lượng nhân lực ngành bán dẫn cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ.

Như vậy có thể thấy mục tiêu đào tạo được số lượng lớn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn là việc lớn, khó, nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các trường đại học phát triển, đặc biệt là các trường khối công nghệ, kỹ thuật.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Phong

- Thực tế đại học Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo bán dẫn, thiếu giáo sư đầu ngành, chưa có hệ thống phòng thí nghiệm cùng các điều kiện cơ sở vật chất khác, các khoản đầu tư ban đầu rất tốn kém. Ngành giáo dục Việt Nam cần vượt qua những trở ngại trên thế nào?

- Chương trình đào tạo về chip bán dẫn không phải quá mới ở Việt Nam. Toàn quốc hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành gần là công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Sinh viên học những ngành gần có thể bổ túc, chuyển đổi để có ngay nhân lực đảm nhiệm công việc trong lĩnh vực bán dẫn.

Một số cơ sở như Bách khoa Hà Nội, trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM, trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM... đã đào tạo, nghiên cứu chip bán dẫn, coi đây là một hướng chuyên môn trong ngành học điện - điện tử, điện tử - viễn thông và một số ngành khác.

Tuy nhiên, chip bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao nên cần đầu tư, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hồi tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức hội thảo quy mô lớn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn với sự tham gia của nhiều bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Nhiều đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng tham dự như Intel, Synopsys Việt Nam, Cadence, Active-Semi Việt Nam (Qorvo), Viettel, VNPT.

Hội thảo đã bàn kế hoạch hành động trước cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam. Liên minh đại học đào tạo nguồn nhân lực cho ngành với sự tham gia của 5 trường lớn, uy tín, bề dày trong lĩnh vực công nghệ đã được ra mắt. Đây là giải pháp quan trọng để khai thác hiệu quả sức mạnh tổng hợp.

Chúng tôi đang chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy kết nối, tận dụng nguồn lực quốc tế phục vụ đào tạo nhân lực lĩnh vực này. Nhiều văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức lớn trên thế giới về công nghệ chip bán dẫn đã được chúng tôi ký kết.

Đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm, thói quen, cách làm cũ mà phải có cách làm, tầm nhìn mới kèm theo giải pháp đột phá. Bộ sẽ tính toán ban hành các văn bản với cơ chế đặc biệt nhằm thu hút chuyên gia, mở rộng liên kết đào tạo, sử dụng chương trình của nhau và chương trình nước ngoài. Tôi mong các đại học tham gia đào tạo, nghiên cứu xác định đây là trách nhiệm vinh quang để quyết tâm, có giải pháp đúng, từ đó bứt phá.

- Có thể hình dung chương trình học của sinh viên ngành bán dẫn và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao?

- Chương trình đào tạo về chip bán dẫn ở các đại học Việt Nam thường tập trung vào khía cạnh liên quan đến công nghệ, vật liệu bán dẫn; thiết kế và sản xuất linh kiện điện tử; ứng dụng bán dẫn trong lĩnh vực điện tử, năng lượng, y tế, viễn thông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chương trình học của sinh viên ngành bán dẫn cần được điều chỉnh để thích ứng và đáp ứng yêu cầu thị trường. Chương trình đào tạo phải có sự tham gia sâu của doanh nghiệp liên quan. Hợp tác doanh nghiệp - đại học nói chung và trong lĩnh vực bán dẫn nói riêng cần được đặc biệt coi trọng. Chương trình cũng phải hướng tới chuẩn mực quốc tế để sinh viên sau khi tốt nghiệp sẵn sàng tham gia thị trường nhân lực toàn cầu.

Tôi đánh giá sinh viên ngành bán dẫn sau khi tốt nghiệp có thể có nhiều cơ hội việc làm không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Những người có kiến thức vững vàng có thể làm việc tại các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn như Intel, Samsung, TSMC. Các công ty công nghệ khác như Apple, Microsoft và Google cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân viên có kiến thức về chip bán dẫn để phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, các em còn có cơ hội làm việc trong tổ chức nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, công ty khởi nghiệp về công nghệ bán dẫn.

Kỹ sư người Việt làm việc trong nhà máy Intel Products. Ảnh: IPV

- Bộ trưởng kỳ vọng gì về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trong tương lai?

- Khi nguồn lực đất nước có hạn, việc huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực bán dẫn là tất yếu. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội cọ xát, thực hành trong môi trường công nghệ cao. Doanh nghiệp hiểu rõ nhất nhu cầu của họ cũng như thị trường và xu hướng phát triển của lĩnh vực này. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh gắn kết giữa doanh nghiệp cũng như hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, đặt hàng đào tạo, phát triển nhân lực chip bán dẫn.

Để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu thị trường, Bộ đang tính tới một số giải pháp. Trước hết, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường, chuyên gia ngành bán dẫn đánh giá và thiết kế, điều chỉnh chương trình phù hợp với thực tế, đảm bảo đủ kiến thức nền tảng cho sinh viên. Cùng với đó, công tác dự báo xu hướng ngành nghề cũng sẽ được đẩy mạnh.

Ngoài bán dẫn, các ngành khác như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn. Chúng ta có thể mong đợi việc ra đời các siêu máy tính ứng dụng lượng tử giải quyết các bài toán dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi hoạt động xã hội. Với tinh thần hiếu học của người Việt Nam, tôi hy vọng các ngành học mới này sẽ góp phần đưa nguồn nhân lực Việt Nam cạnh tranh được với thế giới.

Tôi mong các bạn trẻ với nhiệt huyết, trí tuệ hãy mạnh dạn dấn thân, chấp nhận thách thức trong lĩnh vực mới là công nghiệp bán dẫn - ngành có sự cạnh tranh cao về chất lượng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam khám phá khả năng bản thân, chứng tỏ năng lực và gặt hái những thành công mới.

Nhu cầu về nhân lực lĩnh vực này nếu nhìn trên quy mô toàn cầu là đặc biệt lớn, vì vậy việc đào tạo nhân lực này cũng sẽ là cầu nối để cung cấp nhân lực cho nhiều quốc gia. Các bạn trẻ cần có tầm nhìn rộng như vậy để có thêm quyết tâm tham gia vào lĩnh vực này. Chúc các bạn thành công!

Viết Tuân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020