Sinh ra và lớn lên ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Văn Tấn (sinh năm 1998) học cấp 3 trường THPT Quế Võ 1. Chàng trai 9X có theo học 2 năm tại một trường đại học có tiếng, sau đó em quyết định từ bỏ để theo học nghề vì cảm thấy môi trường học không phù hợp với bản thân.
Tấn quyết định lựa chọn một trường nghề để theo học với mục đích được thực hành cùng máy móc thiết bị nhiều hơn. Ban đầu từ khi chuyển qua học cao đẳng em cũng bị áp lực rất nhiều từ gia đình và bạn bè vì đang học ở môi trường đại học rất được mọi người ngưỡng mộ. Nhưng riêng Tấn không nghĩ vậy.
"Em nghĩ cầm một tấm bằng đại học mà những kiến thức thực tế và từ những công việc nhỏ nhất mà em không làm được rồi đi vào các nhà máy phải đào tạo lại thì còn e ngại hơn là mình học cao đẳng mà mình biết làm nhiều việc. Vì theo em không làm được những việc nhỏ sẽ không làm được những việc lớn".
Tấn đang thuyết trình về mô hình máy sẽ thi tại cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Rời trường đại học, Tấn trở thành sinh viên trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội. Tại đây, Tấn nhanh nhẹn tận dụng mọi cơ hội học tập, miệt mài rèn luyện nghề thực tế. Tấn tham gia sát hạch để lựa chọn tuyển thủ thi tay nghề các cấp, em gây ấn tượng và được lựa chọn và được tham dự Kì thi Tay nghề Quốc gia vào tháng 10/2020.
Đến với cuộc thi tầm cỡ quốc gia lần đầu tiên, Nguyễn Văn Tấn thể hiện bản lĩnh, tay nghề của mình xem đây như một dịp minh chứng quyết định từ bỏ đại học theo đuổi lựa chọn trường nghề trước đây của em không hề sai lầm.
Tấn kể: "Cuộc thi Kỹ năng nghề Quốc gia 2020" là một cuộc thi rất quan trọng với em vì đây là sân chơi lớn đầu tiên mà em được tham dự và mong muốn chứng tỏ được khả năng của mình với mọi người. Em phải cạnh tranh với 12 đội trên cả nước để giành Huy chương vàng. Và kết quả đội chúng em đứng đầu với số điểm cao nhất, giành cúp vàng về tay".
Ngay sau kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, do đại dịch Covid-19 nên Tấn và các bạn trong đội tuyển bị hoãn Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới. Thay vào đó Tấn đã có dịp tham gia một đấu trường Kỹ năng nghề Cơ điện tử online khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay sau khi có quyết định, Tấn ngay lập tức lao vào luyện tập sau 4 tháng và đã rút ngắn thời gian nghỉ Tết lại để tập trung ôn luyện. Được sự hỗ trợ tận tình của nhà trường và thầy cô chuyên gia phiên dịch, Tấn và người bạn của em là hai đại diện cho đội tuyển Việt Nam đã không phụ lòng mọi người khi mang Huy chương Vàng về cho quốc gia.
Các giám khảo chấm điểm bài thi của Tấn và bạn đồng hành.
Tấn cho biết, đề thi lần này khác với đề thi Cơ điện tử thế giới và ASEAN trước đó vì từ bài 1 đến bài 3 thiên về lập trình rất nhiều, đồng thời cũng có sự chuyển giao linh hoạt trong các hệ thống gần gũi với các công việc trong các dây truyền thực tế của nhà máy. Tại sân chơi này, Việt Nam phải đối đầu với các đội mạnh nhất thế giới hiện nay về nghề cơ điện tử là: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Tấn và thành viên còn lại của đội tuyển quốc gia đã chia công việc ra làm trước khi đọc đề trong quá trình có một người gặp khó khăn người kia sẽ vào hỗ trợ và bình tĩnh xử lí bằng những phương pháp đã luyện tập.
"Cảm xúc của gia đình và bạn bè em giống như là một điều thần kì mà ai cũng không dám mơ vậy. Riêng em cũng chỉ dám hi vọng lọt vào top 3 nhưng thật hạnh phúc và sung sướng khi em giành được huy chương vàng", Tấn vui mừng nói.
Tấn vui mừng vì góp phần tô thắm màu cờ sắc áo Việt Nam tại đấu trường kỹ năng nghề Cơ điện tử online khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kế hoạch sắp tới của "chàng trai Vàng" kỹ năng nghề cơ điện là tham dự kì thi tay nghề thế giới năm 2022 tại Thượng Hải, Trung Quốc và ra trường tìm kiếm một công việc phù hợp với ngành nghề em đã lựa chọn.
Giờ đây, Tấn càng thêm vững tin với lựa chọn từ bỏ đại học rẽ ngang học nghề của mình. Đây mới thực sự là con đường phù hợp với khả năng, đam mê của chàng trai Bắc Ninh.
Lệ Thu