Nhiều trường bị xử lý vi phạm vì tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai dù chưa tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực. Thậm chí có trường vượt chỉ tiêu gần 1.400%.
Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…
Việc nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ gây khó khăn cho hệ thống lọc "ảo", làm nhiễu hệ thống tuyển sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi người học.
Bộ GD&ĐT đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học vì vi phạm trong công tác tuyển sinh (Ảnh: Mạnh Quân).
Mức xử phạt cao nhất được áp dụng là 150 triệu đồng với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân.
Theo quy định hiện hành, trường đại học vi phạm về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc xử lý đối với các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên hằng năm của Bộ.
Đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu tuyển sinh không đúng quy định, Vụ Giáo dục Đại học tổng hợp danh sách kèm dấu hiệu gửi Thanh tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Căn cứ quy định, Thanh tra Bộ tiến hành mời các đơn vị có dấu hiệu vi phạm làm việc, xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và tổng hợp trình lãnh đạo Bộ đề xuất hình thức xử phạt theo quy định pháp luật.
Trên cơ sở đó, Thanh tra tiến hành xử phạt, áp dụng hình thức khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Cũng theo Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường, việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục có thể tính răn đe còn thấp nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật; Thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định pháp luật.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng; Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các cơ sở chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm…