Chuyên mục  


Thí sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để có kết quả như ý - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Lên thời khóa biểu rõ ràng

Với kinh nghiệm giảng dạy của mình, thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - cho rằng tâm lý của thí sinh sẽ được hình thành dựa trên sự cân bằng 4 yếu tố "ăn", "ngủ", "học", "chơi", nhất là trong tháng cuối ôn tập.

Ăn, nên dùng những món đủ chất, lành mạnh. Ngủ, phải đủ giấc để luôn có được sự tỉnh táo khi học, làm bài.

Chơi là thư giãn, giảm bớt căng thẳng trong những giờ học. Không nên bỏ qua phần chơi nhưng cũng không được quá sa đà. Nghe nhạc, xem phim, chơi game, chơi thể thao,… một cách lành mạnh sẽ giúp học sinh thoải mái, tiếp thu bài vở tốt hơn.

Việc học vẫn là chính nên trong 4 yếu tố "ăn", "ngủ", "học", "chơi" vẫn cần dành thời gian nhiều nhất. Để tránh áp lực, học sinh cũng cần phải có một lịch học rõ ràng, phân bố đều cho các môn thi.

Mỗi ngày bạn sẽ dành bao nhiêu tiếng học ôn tập tại trường, bao nhiêu để đi học thêm, bao nhiêu cho tự học, buổi nào học môn nào, phần nào? Lịch càng rõ ràng sẽ giúp cho thí sinh quản lý được tiến độ ôn tập, tránh tình trạng bị rối khi đến gần ngày thi vì ôn thiếu chỗ này, chỗ kia.

Thầy Phan Văn Đông - giáo viên ngữ văn tại Trường THPT Bình Chánh (TP.HCM) - chia sẻ không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức khi ngày thi cận kề. Những năm gần đây, đề thi luôn chú trọng vào những kiến thức cơ bản. Các câu đòi hỏi tư duy, vận dụng cũng sẽ yêu cầu các bạn nắm chắc những nội dung căn bản nhất.

Vì thế, dành thời giờ xem lại những gì đã học để hiểu rõ từng điểm vấn đề góp phần tạo sự thoải mái cho học sinh.

Tránh phân tâm vì mạng xã hội

Nguyễn Hữu Hưng - thủ khoa đầu Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm 2020 - nhớ lại trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bạn tạm "cai" mạng xã hội.

Càng gần đến ngày thi, càng nhiều bạn lên Facebook chia sẻ về tâm trạng lo âu của mình. Ngược lại, có bạn "bung xõa" vì đã đậu đại học trước khi thi tốt nghiệp nhờ xét tuyển học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực… Một số bạn còn thi nhau dự đoán, bàn luận về đề thi.

Theo Hưng, những thông tin như trên rất dễ làm các thí sinh phân tâm. Thay vì lướt Facebook, Hưng tìm đọc những quyển sách hay. Một vài dòng sách về tâm lý, về cuộc sống sẽ làm cho đầu óc giữ được sự thanh thản nhất.

Hưng cho rằng chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT cũng là lúc sắp kết thúc 12 năm học. Vì vậy, các bạn có thể dành thời gian rảnh rỗi để ghé thăm một số thầy cô quý mến, hỏi thăm họ một số kinh nghiệm khi lên đại học, nghe thêm một số bài học về cuộc sống trước lúc bước vào một chặng đường mới sau tuổi 18…

Đó sẽ là cách vừa thư giãn sau những giờ ôn thi, vừa có thêm những kỷ niệm, vừa chuẩn bị hành trang cho hành trình bước vào đại học, cao đẳng của mình. "Trong bất cứ cuộc thi nào, sự thoải mái đều sẽ giúp bạn thể hiện tốt so với khi lo lắng. Trước hết nên tránh việc tự mình tạo áp lực cho bản thân", Hưng nói.

Đặt đúng kỳ vọng để không bị áp lực "đè"

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng trong giai đoạn nước rút, học sinh nên để ý đến "điểm rơi phong độ" của mình. Khi học, sẽ có lúc phong độ của bạn lên "cao chót vót" nhưng cũng có khi "rơi tự do". Vì vậy, một chiến thuật tâm lý tốt sẽ giúp bạn có phần thể hiện tốt nhất trong phòng thi.

Thường giai đoạn này, học sinh dễ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như việc ăn uống, nghỉ ngơi, cách học, cách suy nghĩ… Để tránh lo lắng, nên nhìn kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một dấu mốc trên một chặng đường rất dài phía trước của các bạn.

Bạn cần biết đâu là mục đích cuối cùng của mình để phấn đấu trong rất nhiều năm sau. Đại học hay cao đẳng đôi khi cũng không hẳn là tất cả hay quyết định hoàn toàn đến thành công mai sau của bạn.

Đặt kỳ vọng đúng cũng sẽ cho bạn sự thoải mái. Nhiều thí sinh thường lo lắng vì đặt nguyện vọng vào những trường quá hot trong khi sức học của mình không đến.

"Cần nhớ quan trọng hơn là xác định được ngành học mà mình muốn theo đuổi trước khi xác định trường. Đôi khi với một ngành học đúng sở thích, sở trường, dù học ở những trường có điểm chuẩn thấp hơn nhưng bạn cũng sẽ có nhiều khả năng phát triển", tiến sĩ An nói.

Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 như thế nào?

TTO - Học sinh lớp 12 cần bám sát hướng dẫn điều chỉnh chương trình phổ thông được Bộ GD-ĐT ban hành tháng 9-2021, tập trung ôn tập nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức lớp 10, 11 để nắm vững kiến thức lớp 12.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020