Chuyên mục  


Một bản CV không chỉ đơn thuần cho phía nhà tuyển dụng biết thông tin cá nhân, thành tích trong học tập hay kinh nghiệm bạn đúc kết được trong quá khứ, mà nó còn phản ánh mức hiểu biết xã hội, trách nhiệm và mức độ bạn mong muốn trở thành một nhân lực trong doanh nghiệp của họ như thế nào, thông qua cách bạn trình bày, chăm chút cho nó.

1. Tránh liệt kê những kinh nghiệm làm việc không liên quan đến yêu cầu tuyển dụng

Bạn có thể từng là nhân viên chạy bàn, pha chế xuất sắc của một nhà hàng nào đó khi còn là sinh viên, nhưng nếu bạn muốn có một vị trí làm việc trong một lĩnh vực khác, đừng đề cập đến chúng trong CV của mình, trừ khi bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng những kỹ năng ấy có thể đem lại lợi ích cho công việc sau này.

2. Không giới thiệu về sở thích, thói quen trong đơn xin việc

Đơn giản là chẳng ai quan tâm đến chúng nên nếu chúng không liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển, thì việc giới thiệu sở thích cá nhân trong đơn xin việc chỉ làm bạn phí giấy và phí thời gian cho cả hai bên mà thôi.

3. Không "khai gian"

Một cuộc khảo sát của CareerBuilder đã nghiên cứu dựa trên 2.000 nhà tuyển dụng để trả lời cho câu hỏi: Đâu là lỗi nghiêm trọng nhất của một bản CV xin việc? Phần lớn trong số họ đưa ra cùng câu trả lời: Nói dối.

Rosemary Haefner, giám đốc nhân sự tại CareerBuilder, nói rằng những hầu hết ứng cử viên của họ bịa ra những kinh nghiệm, bằng cấp, kỹ năng để phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Bà Haefner nhấn mạnh rằng thay vì cố gắng "bịa đặt" ra những thứ bạn không có, hãy tập trung vào thể hiện những kỹ năng mà bạn có để thuyết phục nhà tuyển dụng.

4. Không có quá nhiều chữ

Khi bạn chỉnh căn lề 0.5cm và cỡ chữ 8.0 để cố gắng "nhồi nhét" tất cả thông tin vào cùng một trang giấy thì bạn đã mắc một sai lầm "kinh điển". Các nhà tuyển dụng thường chú ý hơn đến những bản CV dễ đọc, súc tích, ngắn gọn, nhiều khoảng trắng.

5. Không sử dụng đại từ nhân xưng "tôi"

Theo bà Tina Nicolai, người sáng lập công ty Resume Writers’ Ink, một bản CV chuyên nghiệp không nên dùng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, vì sẽ nghe như bạn đang kể một câu chuyện cùng những trải nghiệm của riêng mình vậy.

6. Không dùng địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp

Nếu bạn đang sử dụng địa chỉ email cũ có cái tên hơi "trẻ trâu" hoặc sử dụng "teencode", ví dụ như CuteGirl@gmail.com hay Bubbletea_Lover_123@yahoo.com thì đã đến lúc bạn lập một email mới rồi. Việc này chỉ tốn chưa đến năm phút, hãy cho nhà tuyển dụng thấy từng chi tiết trên CV của bạn là nghiêm túc và chuyên nghiệp.

7. Không sử dụng bảng biểu, sơ đồ

Mặc dù đưa bảng biểu, sơ đồ vào bản CV trông có vẻ chuyên nghiệp, bắt mắt và cho thấy kỹ năng thành thạo máy tính của bạn, nhưng điều này là phạm lỗi đối với một đơn xin việc cơ bản và dễ khiến nhà tuyển dụng bối rối.

8. Đơn xin việc không phải nơi lý tưởng để thoả thuận mức lương

Một số người đề cập đến mức lương được trả ở nơi làm việc cũ hoặc mức lương họ mong muốn trong tương lai. Thông tin này là hoàn toàn không cần thiết trong một CV xin việc và có thể gửi thông điệp sai cho nhà tuyển dụng rằng bạn đang "mặc cả" để có một vị trí trong công ty. Thời điểm hợp lý để thoả thuận về lương thưởng và đãi ngộ là buổi phỏng vấn sau đó.

9. Không nên sử dụng font chữ lỗi thời và khó đọc

Amy Hoover, chủ tịch của công ty Talent Zoo chia sẻ: "Đừng sử dụng font chữ Times New Roman và những font chữ có chân khác vì nó quá lạc hậu và lỗi thời rồi. Thay vào đó, bạn nên sử dụng những font chữ không chân như Arial, trông bản CV của bạn sẽ gọn gàng hơn nhiều".

Bên cạnh đó, bạn không nên sử dụng những font chữ uốn éo, khó đọc. Mọi người thường cố gắng làm cho bản CV của mình trông sang trọng, bắt mắt bằng cách dùng font chữ lạ mắt, nhưng các nghiên cứu cho thấy chúng chỉ làm nhà tuyển dụng khó đọc và ít chú ý đến bạn hơn mà thôi.

10. Không cần giải thích lý do vì sao bạn muốn làm việc tại công ty trong bản sơ yếu lý lịch

Điều này nên được đề cập trong buổi phỏng vấn, chứ không phải sơ yếu lý lịch. Đó không phải nơi để bạn giải thích bạn sẽ phù hợp với công ty này hoặc vì sao bạn muốn công việc ấy, các kỹ năng và bằng cấp của bạn sẽ nói lên điều đó.

11. Không nêu ý kiến cá nhân

Bạn không nên đưa ra các ý kiến mang tính chủ quan để miêu tả về bản thân, ví dụ như "Tôi là người có khả năng giao tiếp tuyệt vời" hay "Tôi có kỹ năng tổ chức và teamwork tốt", đó là những nhận định mang tính cá nhân và không ai chứng thực được điều đó. Các nhà tuyển dụng chỉ muốn biết sự thật, họ sẽ đưa ra quyết định sau khi gặp được bạn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020