Chuyên mục  


Một phụ nữ người Mỹ gốc Hoa (hay còn được biết đến là mẹ J) đã trở nên nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông Mỹ qua bài viết chia sẻ bí quyết nuôi dạy hai con trai thành tỷ phú.

Người phụ nữ được sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Malaysia. Năm 17 tuổi, bà nhập cư vào Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng, không tài sản, không bằng cấp. Điều đáng nói, bà đã tự mình nuôi dạy các con trai lớn lên không chỉ tài giỏi, thành công mà còn có địa vị cao trong xã hội.

Con trai cả - Justin Kan, tốt nghiệp ĐH Yale - đại học lâu đời thứ 3 ở Mỹ và là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới, là doanh nhân nổi tiếng sáng lập nền tảng video trực tiếp Twitch. Năm 2014, Twitch được bán cho Amazon với giá 970 triệu USD. Hiện nay, Justin đang giữ vị trí Giám đốc điều hành tại công ty startup luật - công nghệ Atrium.

Con trai thứ - Daniel Kan, là doanh nhân và Giám đốc điều hành công nghệ, người đồng sáng lập hệ thống xe tự lái Cruise Automation. Đây là startup được General Motors mua lại vào năm 2016 với giá 1 tỷ USD.

Con trai út ít khi xuất hiện trước báo chí và có đời sống khá kín tiếng, được biết chàng trai đang là kỹ sư phần mềm tại Mỹ.

Anh em Justin Kan (trái) và Daniel Kan (phải). Ảnh: Business Insider

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo điện tử nổi tiếng về các tin tức tài chính và kinh doanh Mỹ Business Insider, Justin đã nói với phóng viên rằng, chính "Phương pháp giáo dục làm việc nhà " của mẹ đã dạy họ cách thành lập và quản lý công ty, giúp họ có được thành công như hôm nay.

Bí quyết giáo dục con thành tỷ phú: “Hãy để chúng làm việc nhà nhiều hơn”

Bí quyết nuôi dạy các con thành tài của người mẹ nghèo chính là để chúng tham gia phụ mẹ việc nhà ngay từ khi còn nhỏ. Không chỉ làm việc nhà, khi ra ngoài làm việc, người mẹ ấy còn xem những đứa con của mình như một người lao động thực thụ.

Mẹ của Justin từng làm công việc môi giới bất động sản. Vì vậy trước khi cho thuê hoặc bán, nhà cần được tu sửa và dọn dẹp đồ đạc. Cứ vào cuối tuần, người mẹ lại đưa ba cậu con trai của mình đến làm tất cả những công việc tu sửa lại nhà cửa như sơn nhà, sửa bàn ghế, dọn dẹp,... Con bà cũng giúp mẹ một số công việc hành chính văn phòng, chẳng hạn như nhập dữ liệu, tính toán tiền bạc, khoản vay...

"Thật là căng thẳng và cực khổ khi phải phụ mẹ. Tôi sẽ không bao giờ quên những lúc ấy. Khi chúng tôi than mệt trong lúc sơn nhà, mẹ sẽ nói với chúng tôi: Các con nghĩ những việc này mà khó à? Nếu bây giờ các con đến nông trại ở Malaysia - nơi mà mẹ từng sống, mẹ bảo đảm các con không kiên trì được một ngày!”, Justin Kan nhớ lại thời thơ ấu.

Con cả Justin Kan - người sáng lập nền tảng Twitch. Ảnh: Daily Mail

Doanh nhân nổi tiếng nói thêm: “Bà ấy cũng nói với chúng tôi rằng cuộc sống có nhiều điều đau khổ, nhưng cuộc sống cũng rất đẹp. Mẹ khuyên chúng tôi hãy biết chấp nhận rằng cái tốt và cái xấu phải cùng tồn tại. Chúng ta không thể sống mà không có những thử thách, thất bại, nếu không thời khắc huy hoàng, tốt đẹp cũng chỉ vô nghĩa”.

Cách sắp xếp, phân chia công việc cho từng đứa trẻ khá đặc biệt

Dù khuyến khích các con siêng năng làm việc nhà, nhưng cách sắp xếp và phân chia khối lượng công việc cho mỗi người con của người mẹ này cũng rất đặc biệt.

Gia đình có ba cậu con trai nhưng bà không giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người như những ông bố bà mẹ khác. Thay vào đó, bà chỉ lập một "danh sách việc nhà", sau đó để ba con trai tự thương lượng và lựa chọn việc cần làm. Nếu không hoàn thành các công việc được liệt kê trong danh sách, cả ba đứa con trai đều không được phép chơi điện tử.

Ba anh em Justin Kan bên cạnh cha mẹ. Ảnh: Daily Mail

"Tất cả chúng tôi đều cảm thấy điều này là không công bằng, dù vậy, việc nhà đã dạy chúng tôi rất nhiều điều. Nó thay đổi tư duy của chúng tôi từ “chỉ nghĩ cho bản thân” sang "biết trách nhiệm của mình" và khiến bản thân nhận thức được chúng tôi là một tập thể”, Justin Kan chia sẻ.

Sau đó, làm việc nhà lại trở thành việc “tổ chức một tập thể cùng hoàn thành nhiệm vụ”. Ba đứa trẻ cùng nhau làm việc, từ đó hiểu được tính cách của từng người, cách phân công công việc, kiểm soát tình hình, tính toán khối lượng công việc của nhau,... Làm việc nhà cũng giống như một khóa đào tạo để mô phỏng khả năng làm việc thực chiến của trẻ.

Justin nói trong cuộc phỏng vấn:

“Tôi nghĩ làm việc nhà cũng giống như thành lập công ty. Bất kỳ công ty khởi nghiệp nào cũng vậy, mọi người đều ngồi chung một con thuyền, ai làm gì không quan trọng. Chúng ta chỉ cần làm tốt một số việc là có thể thành công. Nếu chúng ta thành công thì tất cả mọi người đều chiến thắng, nếu chúng ta không thành công, tất cả mọi người đều thua cuộc.

Tất nhiên, nhân viên trong các công ty lớn thì sẽ cảm thấy khác. Nhưng dưới góc độ của một người tổ chức, tôi cho rằng chúng ta thực sự cần có mục tiêu lớn và nỗ lực phối hợp cùng nhau để đạt được mục tiêu đó.

Chính phương pháp giáo dục này của mẹ tôi đã dạy ba anh em cách làm việc nhóm và dạy chúng tôi biết cách đặt mục tiêu”.

Không phải là “mẹ hổ” đáng sợ trong truyền thống

“Mẹ hổ” được hiểu là những người mẹ có phương pháp giáo dục con nghiêm khắc: giữ quyền quyết định tuyệt đối trong mọi hoạt động của con, đưa ra yêu cầu khắt khe trong việc học tập, mắng mỏ nếu cần thiết để thúc đẩy chúng nỗ lực hơn nữa.

Ba anh em gọi mẹ mình là "mẹ hổ", nhưng họ cũng nói rằng bà không phải là mẹ hổ theo nghĩa truyền thống. Bà tuy “đòi hỏi cao" ở con, nhưng cách thúc đẩy con cái nỗ lực không phải là trừng phạt, đánh mắng, nghiêm khắc. Thay vào đó, bà thúc đẩy các con của mình bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn cao và sau đó “dẫn đầu” bằng cách làm gương.

Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở Malaysia, khi mới bước chân sang Mỹ không biết tiếng, không bằng cấp. Với tinh thần học hỏi không ngừng, bà theo học tại một trường cao đẳng cộng đồng chi phí thấp, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Washington. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc trong một công ty thiết bị dữ liệu, sau đó chuyển sang môi giới bất động sản.

Hai anh em Justin Kan và Daniel Kan trong một buổi họp báo. Ảnh: Daily Mail

"Mẹ luôn nói với chúng tôi rằng, con phải cố gắng hết sức trong mọi việc. Tôi lấy đó làm kim chỉ nam trong cuộc sống: nếu muốn trở thành người giỏi nhất, mình phải cố gắng trở thành người giỏi nhất. Lời động viên của mẹ đã khuyến khích tôi sáng lập công ty khởi nghiệp và tôi đã cố gắng làm tốt điều đó.

Tôi sẽ không có được vị trí như ngày hôm nay nếu không làm việc chăm chỉ, và đó là những gì tôi học được từ mẹ của mình. Nỗ lực là điều làm cho cuộc sống trở nên đáng giá", Justin Kan bày tỏ sự biết ơn đối với mẹ mình.

Lời kết

Năm 2002, Marty Rossmann - một giáo sư tại Đại học Minnesota chuyên nghiên cứu về giáo dục gia đình, đã công bố một nghiên cứu lớn đối với ngành giáo dục: cha mẹ có thể tạo ra tác động tích cực rất lớn đến tương lai của con cái họ bằng cách khuyến khích con cái tham gia vào công việc nhà. Phương pháp này thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, để trẻ học cách đặt mình vào vị trí của người khác và học cách quan tâm đến người khác bằng sự đồng cảm.

Nhà tâm lý học người Mỹ Richard Rende từng nói: “Các bậc cha mẹ ngày nay muốn con cái dành thời gian cho những việc sẽ giúp chúng thành công. Tuy nhiên, trớ trêu thay, cha mẹ lại đang vứt bỏ một thứ đã được chứng minh là có thể mang lại thành công cho trẻ - đó là bắt trẻ làm việc nhà từ khi còn nhỏ”.

Qua phương pháp giáo dục của người mẹ nuôi dạy ba con trai thành tài, có thể thấy: Làm việc nhà là điều quá quen thuộc, nhưng lợi ích mà nó mang lại không hề nhỏ. Cha mẹ hãy mạnh dạn giao cho trẻ những nhiệm vụ mới, những thử thách khó khăn hơn, trong quá trình hoàn thành những nhiệm vụ này, trẻ sẽ tiếp tục nhận thức khả năng của bản thân, điều này sẽ giúp trẻ hình thành sự tự tin, tự lập trong tương lai.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020