Chuyên mục  


Thông tin được bà Katherine Tranter, cán bộ cấp cao phụ trách thị thực du học thuộc Bộ Nội vụ Australia, nêu tại triển lãm du học bang New South Wales ở TP HCM, chiều 14/9.

Bà cho biết sau đại dịch Covid-19, số người xin visa du học Australia tăng. Việt Nam nằm trong top 6 quốc gia đứng đầu về lượng hồ sơ, tăng từ 18.700 trong năm học 2022-2023 lên hơn 24.400 sau một năm. Tuy nhiên, tỷ lệ chấp thuận lại giảm, từ 91% còn 76%, thấp nhất trong vòng 18 năm qua.

"Đây là tình hình chung, do các chính sách siết visa du học của chính phủ Australia", bà nói.

Theo bà Katherine Tranter, 6 lý do phổ biến khiến Bộ Nội vụ từ chối cấp visa cho du học sinh, gồm: hồ sơ không hoàn chỉnh, không phản hồi yêu cầu cung cấp thêm thông tin, ý định du học không trung thực, gian lận giấy tờ, không đáp ứng trình độ tiếng Anh, không chứng minh đủ tài chính cho việc học tập, sinh hoạt.

"Nguyên nhân phổ biến nhất là hồ sơ không trung thực. Chúng tôi sẽ từ chối nếu ứng viên không đưa ra giấy báo trúng tuyển, hoặc hồ sơ cho thấy họ không phải là một sinh viên đúng nghĩa", bà nói.

Về tài chính, du học sinh cần chứng minh đủ chi phí cho ba nhu cầu chính, gồm đi lại, học phí và phí sinh hoạt cho bản thân và người nhà (nếu có). Trong đó, phí sinh hoạt một năm với sinh viên quốc tế tối thiểu là 29.710 AUD (khoảng 325 triệu đồng). Nếu hồ sơ có giấy tờ chứng minh năng lực tài chính, quá trình cấp visa có thể nhanh hơn.

Đại diện Bộ Nội vụ cho hay tỷ lệ chấp thuận visa giảm không liên quan việc hồ sơ đến từ quốc gia nào. Việc cấp visa phụ thuộc từng trường hợp.

"Tất cả visa du học đều được đánh giá theo một tiêu chí nhất định. Không có chuyện bạn đến từ thành phố hay quốc gia nào đó thì sẽ được xét duyệt nhanh hơn", bà Tranter nói.

Bà Katherine Tranter tại triển lãm du học bang New South Wales, ngày 14/9. Ảnh: Lệ Nguyễn

Bà Katherine Tranter cho hay thời gian trung bình để xử lý đơn xin visa du học Australia trên toàn cầu là 50 ngày, tối đa có thể đến 4 tháng. Việc này phụ thuộc nhiều yếu tố, gồm chất lượng và mức độ hoàn chỉnh của hồ sơ, quá trình bổ sung thông tin hay số lượng đơn ở thời điểm đó.

Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thay đổi nào về tình trạng hộ chiếu, hôn nhân, thông tin liên lạc, khóa học, du học sinh cần báo ngay cho cơ quan cấp thị thực. Bà lưu ý việc thay đổi khóa học hoặc trường học là điều cần hạn chế, nếu có, du học sinh phải xin thị thực mới.

Để không ảnh hưởng kế hoạch học tập, bà Tranter khuyên du học sinh nộp hồ càng sớm càng tốt, trả lời chi tiết, trung thực những câu hỏi về thông tin, lợi ích, mục đích khi tham khóa học và giai đoạn sau đó.

Với học sinh phổ thông, Bộ Nội vụ còn xem xét thêm mục đích từ phía gia đình. Du học sinh cần kiểm tra kỹ lưỡng các loại giấy tờ, đảm bảo hồ sơ đầy đủ trước khi nộp đơn để quá trình xử lý visa nhanh chóng.

Học sinh tìm hiểu thông tin về Đại học Newcastle tại buổi triển lãm, ngày 14/9. Ảnh: Lệ Nguyễn

Australia là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng. Tính đến tháng 4, số sinh viên quốc tế của nước này là hơn 780.000, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có hơn 37.100 du học sinh, xếp thứ 5, tăng 12.200 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi năm 2022, Australia đưa ra nhiều chính sách cởi mở nhằm thu hút lao động sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, làn sóng công nhân và sinh viên nước ngoài tràn vào đã tăng áp lực lên thị trường nhà ở.

Nước này sau đó liên tiếp siết quy định với du học sinh. Từ tháng 2, thời gian cho sinh viên quốc tế ở lại sau tốt nghiệp chỉ còn 2-4 năm, giảm hai năm so với trước. Yêu cầu tiếng Anh để nhập học tăng 0.5 điểm, lên mức 6.0-6.5 IELTS. Mức chứng minh tài chính cũng tăng 20%.

Ngoài ra, du học sinh phải làm bài kiểm tra The Genuine Student, nhằm đảm bảo thị thực được sử dụng cho mục đích học tập. Đơn xin thị thực lần hai nhằm kéo dài thời gian lưu trú sẽ bị giám sát chặt hơn.

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020