Tại tọa đàm "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" chiều 8/4, Phó cục trưởng Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường thông tin, thống kê của ngành công an chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT.
Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An và mới nhất là Quảng Ninh. Tìm kiếm trên Google, chỉ trong 0,33 giây có tới 27,9 triệu kết quả cho cụm từ "bạo lực học đường".
Nhiều video được chia sẻ, trong đó có cảnh nữ sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) bị năm bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng, khiến ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đã sốc. Qua theo dõi và phân tích, ông Nam khẳng định trong 2-3 năm tới, thông tin, video về bạo lực học đường sẽ được đăng tải nhiều hơn bởi một số lý do.
Đầu tiên, đó là điều tất yếu bởi bạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia, kể cả nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Thứ hai là do nhận thức của xã hội tăng lên, tỷ lệ phụ huynh đứng ra tố cáo cũng cao hơn. Thứ ba, mạng xã hội phát triển giúp video, thông tin nhanh chóng được lan truyền đến cộng đồng và phụ huynh sẽ có bằng chứng để tố cáo.
"Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng chặt chẽ hơn nên niềm tin của người dân cũng tăng. Dịch vụ cung cấp cho mọi người cũng tốt hơn như tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Suốt gần 15 năm qua, số cuộc gọi đến tố cáo xâm hại tình dục, bạo lực tăng lên rất nhanh", ông Nam thông tin và khẳng định phần chìm của tảng băng mang tên bạo lực học đường sẽ dần dần nhô lên.
|
Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam. Ảnh: Dương Tâm |
Trước câu hỏi ai là nạn nhân của những vụ bạo lực học đường, ông Nam cho rằng không chỉ các em bị đánh đập, những học sinh gây bạo lực cũng là nạn nhân bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em mà còn nằm ở những người chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tất nhiên, những đứa trẻ gây bạo lực sẽ bị xử lý, thậm chí là hình sự. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng mọi biện pháp xử lý đối với các em chỉ mang tính răn đe, giáo dục giúp chuyển biến. Các hình phạt được đưa ra cũng sẽ được cân nhắc nhằm đảm bảo quyền trẻ em.
Bên cạnh học sinh, nhà trường và gia đình cũng phải chịu trách nhiệm khi chưa hoàn thành việc giáo dục, giám sát con em. Cục trưởng Trẻ em cho rằng nếu học sinh gây tổn hại cho bạn bè đến mức phải chịu trách nhiệm dân sự thì cha mẹ - những người giám hộ phải bồi thường dân sự. Điều này không chỉ răn đe các em mà còn giáo dục chính cha mẹ để họ có biện pháp giúp đỡ con tốt hơn.
Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương cũng cần chịu trách nhiệm bởi chưa làm hết sức mình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ và đầu tư cho trẻ em.
Thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Luật trẻ em năm 2016 được áp dụng, dư luận và các tổ chức xã hội đặt câu hỏi "Vì sao luật pháp Việt Nam quy định 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em cùng nhà trường, gia đình mà ở một số vụ việc xâm hại, bạo lực, các em vẫn cảm thấy đơn độc"? Ông Nam cho rằng đó là do sự vào cuộc của các cơ quan chưa kịp thời và hiệu lực của Luật trẻ em năm 2016 đi vào cuộc sống vẫn còn rất chậm.
Cục trưởng Trẻ em hy vọng trong thời gian tới các cơ quan, tổ chức cần làm hết trách nhiệm theo những gì pháp luật quy định, đồng thời cần tuyên truyền để các em biết khi có nguy cơ hoặc đang bị bạo lực thì phải nói với ai, nói như thế nào và vào thời điểm nào?
|
Phó vụ trưởng phụ trách Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên Bùi Văn Linh. Ảnh: Dương Tâm |
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt trong lĩnh vực trẻ em. Khi đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.
Theo ông Linh, khi phát hiện các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên cần tiếp cận ngay vấn đề, qua các kênh trực tiếp, gián tiếp để tìm hiểu rõ bản chất, trao đổi cùng phụ huynh và báo cáo hiệu trưởng nhà trường xin ý kiến chỉ đạo giải quyết ngay. Giáo viên tư vấn, cán bộ đoàn, đội cũng có trách nhiệm quan tâm đến tư tưởng, ý kiến của các đoàn viên, đội viên, học sinh, tuyệt đối không được chủ quan, bỏ qua và chậm trễ trong xử lý các tình huống.
Thời gian tới các bộ, ngành và địa phương sẽ phải cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường. Các địa phương phải thường xuyên giám sát việc thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trong trường học, ông Linh nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn và phòng chống bạo lực học đường rất đầy đủ, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát nhằm phát hiện những điểm bất cập để tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.