Để giao tiếp tiếng Anh thành thục và hiệu quả, người học ngoại ngữ không thể bỏ qua quá trình luyện tập kỹ năng nghe. Do đó, nếu sau một thời gian dài học tiếng Anh nhưng vẫn không thể giao tiếp trôi chảy và tự tin, nguyên nhân có thể do bạn đã luyện nghe chưa đúng cách. Dưới đây, giáo viên tại Ms Hoa Giao tiếp, cô Ruby chỉ ra 3 sai lầm khi học nghe giao tiếp người học dễ mắc phải.
Ms Ruby, giáo viên tiêu biểu tại Ms Hoa Giao Tiếp.
Không học phát âm bài bản
Phát âm không chính xác có thể khiến bạn gặp rắc rối khi nghe không hiểu đối phương nói gì và nói nhưng người đối diện không thể hiểu. Vì vậy, dù sở hữu vốn từ vựng "khủng" hay nền tảng ngữ pháp vững chắc đến đâu, phát âm không chuẩn vẫn có thể là trở ngại lớn trong giao tiếp tiếng Anh của người học.
Để cải thiện lỗi sai này, người học tiếng Anh cần đầu tư thời gian học phát âm theo IPA (International Phonetic Alphabet - Bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế) và luyện tập nhiều hơn để biến những kiến thức học được về phát âm trở thành thói quen và bản năng, từ đó cải thiện khả năng nghe tiếng Anh và dần dần tiến bộ hơn trong giao tiếp.
Chỉ luyện nghe một giọng tiếng Anh
Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Do số lượng người sử dụng ngôn ngữ Anh rất lớn và đến từ nhiều vùng miền lãnh thổ khác nhau nên họ mang theo đa dạng giọng và phong cách nói tiếng Anh. Nếu người học chỉ luyện nghe với một giọng tiếng Anh riêng biệt, bạn sẽ gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác.
Việc khắc phục sai lầm này là bạn cần sử dụng nhiều nguồn nghe với những giọng nói tiếng Anh đa dạng hơn. Những nguồn nghe này không nhất thiết phải là nguồn học thuật. Các bạn có thể lựa chọn luyện nghe qua âm nhạc, phim ảnh, podcast... theo sở thích để vừa tạo hứng thú khi nghe mà vẫn thấy được hiệu quả trong phản xạ nghe.
Nghe quá khó so với trình độ
Nhiều người lầm tưởng rằng muốn nâng cao trình độ nghe thì phải nghe nhiều và nghe những bài càng khó thì càng hiệu quả và nhanh tiến bộ. Tuy nhiên, khi khả năng nghe còn yếu, từ vựng, ngữ pháp và phát âm đều chưa vững, việc sử dụng những nguồn luyện tập quá sức không chỉ khó giúp bạn tiến bộ mà còn dễ khiến bạn nảy sinh tâm lý chán nản và thiếu tự tin.
Do đó, thay vì cố gắng nghe để hiểu 100% nội dung mà mình đang không hiểu gì, hãy làm quen dần với những bài có tốc độ vừa phải, từ vựng không quá phức tạp. Sau đó, khi đã hiểu được khoảng 70-80% bài nghe, bạn có thể nâng dần độ khó của nguồn nghe. Đây là cách luyện tập hiệu quả và bền vững hơn nhiều.
Vũ Thuỷ