Chuyên mục  


Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24/12 nêu 20 chứng chỉ giúp thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT.

Trong đó, 12 chứng chỉ môn Tiếng Anh, còn lại ở các môn Tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Yêu cầu tối thiểu mà thí sinh cần đạt là tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Riêng môn tiếng Hàn, không có chứng chỉ nào nằm trong danh sách.

Những năm trước, ngoài miễn thi, thí sinh được tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp nếu đạt yêu cầu. Tuy nhiên, từ năm 2025, công thức tính điểm xét tốt nghiệp sẽ loại trừ môn này với những em được miễn.

Bộ lý giải thay đổi này nhằm tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ, nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét thí sinh đỗ tốt nghiệp. Bởi như quy định cũ, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IETLS 8.5.

Danh sách các chứng chỉ được miễn thi môn Ngoại ngữ như sau:

Bộ lưu ý thí sinh việc miễn thi chỉ áp dụng khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dùng điểm thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ để đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh vẫn cần thi môn này.

Năm 2024, cả nước có gần 67.000 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, tương đương 6,25% tổng số thí sinh dự thi. Hai địa phương có nhiều thí sinh được miễn thi nhất là Hà Nội và TP HCM.

Việc tính điểm 10 cho chứng chỉ IELTS từ 4.0 (tương đương bậc 3/6) trở lên gây tranh cãi nhiều năm qua. Nhiều giáo viên nói không có căn cứ nào cho việc này bởi bài kiểm tra ngôn ngữ theo chuẩn quốc tế đa số gồm 4 kỹ năng (Nghe, Nói, Đọc, Viết), còn bài thi tốt nghiệp chú trọng ngữ pháp, từ vựng (Đọc, Viết).

Tuy nhiên, điều này gần như không tác động tới tuyển sinh đại học vì hầu hết trường xét kết hợp IELTS với một hoặc nhiều tiêu chí khác (điểm học bạ, giải học sinh giỏi, học sinh trường chuyên)...

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6. Thí sinh làm bài hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo, môn Tiếng Anh khiến nhiều giáo viên bất ngờ về độ khó, nhận định có thể khiến số học sinh lựa chọn thi môn này giảm.

Là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), Bộ vẫn xây dựng đề riêng cho các thí sinh theo chương trình cũ (năm 2006). Những thí sinh chưa tốt nghiệp sẽ làm đề riêng này. Thí sinh đã tốt nghiệp nhưng học theo chương trình cũ, nếu muốn thi lại để xét tuyển đại học, được chọn đề thi dựa vào chương trình cũ hoặc mới.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020