Chuyên mục  


Ngành học “hot” khiến các trường ĐH đua nhau “mở mã ngành”

Vi mạch - bán dẫn đang là lĩnh vực quan trọng được Chính phủ đẩy mạnh đầu tư và phát triển, nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Để làm được điều đó, việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ngày 19/10/2023, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới đây, mùa tuyển sinh đại học năm 2024 cũng đã khởi động với việc nhiều trường ĐH công bố mở mã ngành mới. Trong đó, ngành vi mạch – bán dẫn là một trong những ngành được hàng loạt trường mở mới, dự kiến sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng ký.

photo-4-171402010297118721823.png

Ảnh: Internet

Cụ thể ở khu vực miền Bắc, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết sẽ bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn từ năm 2024. Đây cũng là năm đầu tiên Trường Đại học Phenikaa mở và tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch – bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07. Với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam, Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn và dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm nay.

Ở khu vực miền Trung, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng cũng mở một số ngành đào tạo mới, trong đó có các ngành công nghệ cao như Thiết kế vi mạch - Chip bán dẫn. Theo đó, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng mở Chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông); Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng mở 2 chuyên ngành: Công nghệ Ô tô điện thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo; Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng mở 4 chuyên ngành: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin.

photo-3-17140201013231186543061.jpg

Ở khu vực miền Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng dự kiến tuyển sinh ngành đào tạo về thiết kế vi mạch trong năm nay với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thông qua các kế hoạch và điều kiện mở ngành đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT để mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính trình độ đại học.

Với việc nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo đã mở hoặc chuẩn bị mở các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn, có thể nói, năm 2024 chính là năm hứa hẹn sự "lên ngôi" của ngành vi mạch - bán dẫn. Đây là tín hiệu đáng mừng, mang lại niềm hy vọng về nguồn nhân lực trẻ trung và tài năng cho ngành công nghiệp chip bán dẫn của Việt Nam trong tương lai.

Thu nhập “hấp dẫn”, cơ hội việc làm cao nhưng “thiếu nhân lực”

Ngành vi mạch - bán dẫn là ngành học hướng tới cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có nền tảng kiến thức chuyên môn về thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm thử các vi mạch bán dẫn tích hợp để làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi tính đa ngành, đa lĩnh vực như tự động hóa, viễn thông, công nghệ thông tin, thiết kế vi mạch, cũng như trong công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, các thiết bị điện tử thông minh...

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, 5 năm tới, nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, nguồn nhân lực trong nước hiện tại chỉ khoảng 5.000 người, mới chỉ đáp ứng khoảng 20%.

Cho đến nay, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn là các đơn vị giáo dục đi đầu trong công tác đào tạo nhân lực liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

photo-2-1714020099025572811098.jpg

Ảnh: Internet

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: điện tử Viễn thông; thiết kế vi mạch; hệ thống nhúng điện/tự động hóa; cơ điện tử; kỹ thuật máy tính/khoa học máy tính; vật lý kỹ thuật; vật liệu/vật liệu điện tử; công nghệ vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi năm đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi. Đại học quốc gia TPHCM cũng đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.

Trong bối cảnh hiện tại và tương lai, vi mạch - bán dẫn là ngành nghề có triển vọng phát triển cao, giúp sản sinh ra những kỹ sư tài năng, đóng góp vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của đất nước. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất vi mạch đang có nhu cầu tuyển dụng, tạo nên cơ hội rất lớn về nghề nghiệp cùng thu nhập hấp dẫn cho lao động trẻ. Cũng vì thế, mức lương của những kỹ sư trong ngành này cũng có xu hướng tăng lên theo thời gian, phụ thuộc vào vị trí công việc, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn.

Theo Báo Người Lao Động, Đại diện Synopsys Việt Nam dẫn số liệu của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam cho biết thu nhập sau thuế của kỹ sư ngành vi mạch - bán dẫn tăng đều theo từng năm. Theo khảo sát, sinh viên mới ra trường có mức thu nhập sau thuế từ 215 - 500 triệu đồng/năm. Các kỹ sư có thâm niên thu nhập hơn 1,3 tỷ đồng/năm.

Có thể nói, đây là mức thu nhập rất hấp dẫn đối với nhân lực ngành này. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 50 công ty thiết kế vi mạch, tập trung chủ yếu tại TP HCM. Cứ trung bình một công ty mới lập ra thì cần tuyển 50 - 100 kỹ sư trong năm đầu tiên. Có thể thấy, cơ hội việc làm ngành vi mạch - bán dẫn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Nếu bạn đã lựa chọn theo đuổi nghề này thì có thể yên tâm và lạc quan với quyết định của mình.

(Tổng hợp)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020