Chuyên mục  


hozo-6-173411774613542612779.jpg

Ca sĩ Henry Lau biểu diễn trên sân khấu Hò dô - Ảnh: T.T.D.

Hôm 16-12, hội thảo khoa học "Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa" diễn ra tại TP.HCM. Sự kiện do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.

Từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD).

Các concert "Anh trai" không kém gì BlackPink

Hợp tác công tư ( PPP: Public - Private - Partnership) được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khu vực tư nhân, quản lý, vận hành những dự án phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công.

base64-1734402682507370987090.jpeg

Ông Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học RMIT - Ảnh: Mi Ly

Trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công tư là sự kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội để bảo tồn, phát triển và quảng bá văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Thăng Long, đến từ Đại học RMIT, thống kê năm 2024 Việt Nam có hơn 50 show ca nhạc lớn nhỏ, với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam.

Số lượng khán giả từ vài ngàn người đến 30.000, 40.000 người.

Văn hóa là phương pháp ngoại giao mềm của Hàn Quốc, những hoạt động do KOCCA (Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc, với mục tiêu đưa K-pop và văn hóa Hàn Quốc ra thế giới) làm khá giống ở Việt Nam.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty giải trí hàng đầu như SM, YG, JYP và Tập đoàn HYBE đóng vai trò cốt lõi trong việc định hình và phát triển K-pop với các nhóm nhạc dẫn đầu như BTS, BlackPink.

base64-17344025924631763785197.jpeg

Ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM- Ảnh: Mi Ly

Ông Phạm Bình An - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nêu quan điểm: "Hàn lưu đang lan tỏa khắp thế giới, văn hóa Mỹ xâm nhập Việt Nam rất mạnh. Hy vọng chúng ta sẽ có Việt lưu".

Ông An cho rằng concert BlackPink rất thành công nhưng vừa rồi chúng ta có những "hiện tượng" concert quốc nội như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai và Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô.

"Có lẽ chúng ta cũng sẽ không kém gì, nhưng phát triển bền vững thì cần có thể chế đúng đắn và nhanh nhẹn hơn" - ông An nói.

Hợp tác công tư cần luật hóa

Ông Nguyễn Tiến Hưng, tổng giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng, cho rằng để công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững thì cần phải duy trì tốt cơ chế hợp tác công - tư:

"Khi phim được doanh nghiệp góp vốn cùng sản xuất thì trách nhiệm của họ với phim cao hơn nhiều và phải đưa tác phẩm đến với khán giả để có doanh thu. Nó là một vòng tròn từ sáng tác, sản xuất, phát hành, phổ biến tạo ra doanh thu và thị trường, rồi nguồn lực sẽ được tái đầu tư cho văn hóa".

hoa-vang-co-xanh-1662004636622603555498.jpg

Hiện tượng Hoa vàng cỏ xanh vẫn được nhắc mãi trong các hội thảo như một hình mẫu nhiều vấn đề về hợp tác công tư trong điện ảnh

Theo ông Hưng, điện ảnh có tính rủi ro cao nên giữa hai bên, nhất là phía tư nhân rất cần một cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch:

"Việc xây dựng các quy định cụ thể được nâng thành luật về hợp tác công tư trong lĩnh vực điện ảnh mới tạo động lực để phát triển và cần ban hành các quy định cụ thể về lợi ích giữa Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phát hành để đảm bảo hài hòa lợi ích trong công tác phát hành phim".

Các chuyên gia nêu quan điểm cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Nhà nước giữ vai trò định hướng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, kiểm soát nội dung văn hóa; tư nhân mang lại sự năng động, đổi mới công nghệ và kết nối với thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đề xuất Nhà nước có thể đầu tư tiền sản xuất phim, tư nhân sẽ chịu trách nhiệm truyền thông, quảng cáo:

"Điều này sẽ giải quyết được vấn đề kinh phí. Phía tư nhân với sự linh hoạt trong huy động vốn, năng lực truyền thông có thể giúp bộ phim tạo hiệu ứng tốt với công chúng".

TP.HCM - hòn ngọc văn hóa phía Nam

Do hội thảo diễn ra tại TP.HCM, việc hợp tác công tư trong văn hóa trên địa bàn TP cũng là chủ đề được quan tâm.

Các chuyên gia mong muốn đưa TP.HCM trở thành "hòn ngọc văn hóa của khu vực miền Nam" như bà Nguyễn Thị Thu Phương, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nói.

Nhiều tham luận trong hội thảo bàn về mức độ đầu tư cho văn hóa tại TP.HCM cũng như các công trình đã, đang và sẽ xây dựng trên địa bàn thành phố để tổ chức các hoạt động văn hóa quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020