Cách đây gần 3 tháng, Hồ Phi Nal ra mắt MV Cô Ba ca cổ trên kênh YouTube cá nhân với 1,58 triệu người đăng ký. Cho tới thời điểm này MV thu hút được hơn 1,8 triệu lượt xem, 30 nghìn lượt thích, hơn 1.100 bình luận. Đáng nói, sản phẩm này Nal có kết hợp với NSND Bạch Tuyết làm cho chất Nam bộ vốn là nét nổi bật trong âm nhạc của chàng ca - nhạc sĩ trẻ này lại càng đậm đặc hơn.
Ở ngoài đời, người viết gọi NSND Bạch Tuyết là cô, yêu quý và kính phục cô, một nghệ sĩ được mệnh danh là "cải lương chi bảo", luôn tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo. Trong hành trình âm nhạc của mình cũng có nhiều dịp làm việc với cô. Đôi khi cô và tôi cũng điện thoại chia sẻ với nhau công việc và niềm đam mê âm nhạc, động viên cùng cống hiến cho âm nhạc dân tộc.
Dành cho NSND Bạch Tuyết
Thời điểm mùa dịch năm 2020, khi tôi ra mắt sản phẩm Tiêu diệt Corona (hát xẩm) thì NSND Bạch Tuyết có Ông bà anh thời Covid-19 (gọi vui là Ông bà anh phiên bản vọng cổ) rất dí dỏm, trẻ trung. Cả 2 được VTV24 nhắc tới trong một phóng sự về âm nhạc đồng hành chống dịch, chúng tôi lại có dịp cùng giãi bày và lại như thường lệ, động viên để cùng nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc.
Kể ra để thấy rằng, một nghệ sĩ lừng danh như Bạch Tuyết, nhưng vẫn luôn đồng hành cùng thế hệ con cháu, ủng hộ các bạn trẻ sáng tạo nghệ thuật, âm nhạc theo cách riêng của mình. Bạch Tuyết đã từng có những kết hợp rất ấn tượng với nhiều nghệ sĩ trẻ đang nổi của âm nhạc đại chúng như với 2 gương mặt trẻ được yêu thích là Hứa Kim Tuyền và Hoàng Dũng.
"Cô Ba ca cổ" là sự kết hợp giữa NSND Bạch Tuyết với ca nhạc sĩ trẻ Hồ Phi Nal- một sản phẩm âm nhạc theo phong cách tân cổ đời mới
Cho nên, việc cô xuất hiện trong một sản phẩm âm nhạc trẻ, với 1 trong những gương mặt trẻ mới nổi khác là Hồ Phi Nal không khiến cho tôi ngạc nhiên. Nó tạo thêm niềm vui vì đời sống âm nhạc giải trí có thêm một sự kết hợp thú vị, có thêm một sản phẩm giải trí rất đáng để nghe, giới trẻ có thêm một lần được tiếp cận với những giai điệu cổ nhạc đặc sắc của dân tộc.
"Cô Ba ca cổ"có tiết tấu giống như kiểu cha cha cha trong đám cưới làng quê, khiến cho người nghe có thể nhún nhảy theo điệu nhạc và mang tinh thần tươi vui đến cho mọi người" - nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
"Cô Ba" có gì?
Đương nhiên với sự xuất hiện của NSND Bạch Tuyết thì điểm nhấn của sản phẩm sẽ là những lời ca vọng cổ, câu hò, điệu lý Nam bộ. Sự góp giọng của nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng tạo nên "thương hiệu" cho sản phẩm.
Chính cái tên bài, Cô Ba ca cổ đã nói lên thông điệp trong ca khúc là hình ảnh người phụ nữ Nam bộ, là ca cổ, vốn là âm nhạc đặc trưng vùng sông nước Nam bộ. Có nghĩa, thông điệp một sản phẩm âm nhạc dành cho giới trẻ đậm chất dân tộc đã được khẳng định ngay từ tên gọi và nghệ sĩ tham gia.
Trước khi ca cổ xuất hiện, Cô Ba ca cổ được hát trọn vẹn 1 lần ở phiên bản tân nhạc. Đây là một ca khúc khá gọn gàng với bố cục gồm 2 đoạn nhạc, mỗi đoạn lại chia đều thành 2 câu. Trong đó, đoạn nhạc đầu tiên là trình bày, đoạn nhạc thứ 2 ở vai trò điệp khúc. Chưa phải đợi đến khi vọng cổ xuất hiện thì giai điệu âm nhạc trong ca khúc đã ngập tràn chất liệu dân gian miền Tây từ những quãng rất đặc trưng, từ ngữ âm phát ra trong cách hát của ca sĩ… tất cả đều góp phần mở ra một không gian đậm chất thôn quê đồng bằng sông Cửu Long.
Vọng cổ được khai thác thành một điểm nổi bật trong MV "Cô Ba ca cổ"
Trong khi, cách hòa âm của bài nhạc này cũng đậm chất sông nước Nam bộ, lấy âm hưởng của cây đàn kìm, một cây đàn đặc trưng trong đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ làm chủ đạo. Cây đàn xuất hiện ngay từ câu nhạc dạo đầu tiên của bài cho đến hết tác phẩm. Bên cạnh đó, nhịp điệu của bài hát cũng gợi lên sự gần gũi với chốn thôn quê Nam bộ.
Cũng trên chuyên mục Nhạc Việt ngày nay, trong một bài viết trước đây, tôi đã nhắc tới một sản phẩm khác cũng của Hồ Phi Nal, người viết từng bày tỏ sự thú vị với cái tiết tấu rất đặc trưng được sử dụng trong bài. Khi đó, người viết cho là nó được khai thác chất liệu của âm nhạc đồng bào Khmer ở Nam bộ. Gần đây, khi đọc một vài tin tức về Nal, người viết còn được biết thêm chi tiết nam ca - nhạc sĩ này ngay từ bé đã ngấm nhạc bolero và ca cổ từ bố mẹ, đồng thời bản thân rất yêu thích nhạc Thái. Trong khi, nhạc Thái cũng với những âm hưởng và nhịp điệu rộn ràng rất tương đồng với âm nhạc đồng bào Khmer tại Việt Nam.
Thói quen nghe nhạc chủ động và gián tiếp ấy vô tình, hữu ý tác động trực tiếp đến phong cách âm nhạc của Hồ Phi Nal. Anh tiếp tục khai thác thế mạnh của mình đưa vào Cô Ba ca cổ. Ở đây, ca khúc có tiết tấu giống như kiểu cha cha cha trong đám cưới làng quê, khiến cho người nghe có thể nhún nhảy theo điệu nhạc và mang tinh thần tươi vui đến cho mọi người.
NSND Bạch Tuyết luôn đồng hành cùng giới trẻ truyền bá nét đẹp của âm nhạc dân tộc
Phần ca cổ xuất hiện ở hai trường đoạn trong ca khúc. Sau khi toàn bộ ca khúc Cô Ba ca cổ được thể hiện 1 lần trọn vẹn, phần ca từ xuất hiện câu nhạc thứ 3 của đoạn 2, nó tựa như câu nối giữa tân nhạc và cổ nhạc. Câu này đậm chất dân gian có ca từ: "Hò hò hò là hò cống xê/ Xê xàng xê mới quê hương mình/ Hò hò hò là hò cống xê/ Xê xàng xê mới quê hương mình". Sau đó, vọng cổ xuất hiện: "Rạ đốt đồng thơm khói chiều quê mẹ/ Chiếc cầu tre con cua đồng canh chua đầu cá ngát/ Dào dạt bến sông có con đò nhỏ đưa ta về thăm nguồn cội...".
Sau vọng cổ thì rap xuất hiện, cũng đậm chất Nam bộ: "Chân dính đất/ Miệt cải lương/ Người dân ở đây chân chất/ Đã gặp là phải thương/ Mà thương con người chở nắng qua sông/ Mình hái ngó sen mùa này lắm món quen trên đời". Tiếp đến, điệu lý xuất hiện trong lời ca mới: "Ru câu hò vọng từ xa xăm/ Ngóng trông bây dìa là dìa thăm quê/ Đứa ở nhà thì tìm đứa xa/ Thơm mùi khói lam chiều/ Thương nhớ nhiều thì về bên nhau".
Ca khúc còn nhắc lại câu hát của phần điệp khúc 1 lần, vọng cổ 1 lần và câu nhạc có vai trò tạm gọi như cầu nối 1 lần, rồi sau đó mới kết thúc bài.
Cổ mà mới
Rõ ràng, ca khúc này đậm đà chất dân gian, nghe thoáng qua đã thấy nó thuộc làng quê vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rõ ràng, việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian đưa vào trong sáng tác mới không phải là điều gì mới mẻ. Nó đã xuất hiện trong âm nhạc Việt Nam ngay từ thời điểm khai sinh nền tân nhạc cách nay gần 1 thế kỷ. Nhưng nó lại rất mới khi đứng ở góc độ không gian âm nhạc chung của giới trẻ hiện nay, dù cũng có những nhạc sĩ, ca sĩ sáng tác tác phẩm cho giới trẻ khai thác chất liệu dân gian, nhưng để đủ độ dân gian miệt vườn, đủ độ "quê thiệt là quê" như Hồ Phi Nal lại là điều rất hiếm hoi.
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết
Trong khi, ca mới (tân nhạc) kết hợp cổ nhạc cũng không phải điều gì mới mẻ, nó từng xuất hiện ở Việt Nam trên nửa thế kỷ với cha đẻ là danh cầm, nhạc sĩ, NSND Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu). Cụ Bảy Bá từng sáng tạo một thể loại mới đó là kết hợp tân nhạc với cổ nhạc được gọi chung là tân cổ và đã rất phổ biến trong đời sống âm nhạc bấy lâu nay.
Tuy nhiên, tân nhạc của nhạc trẻ hiện nay khai thác cổ nhạc có những nét khác biệt. Không nhất thiết cần những câu ngân kéo thật dài để người nghệ sĩ ca cổ có thể khoe giọng mà chỉ cần tinh thần, sự hòa quyện giữa âm nhạc và lời ca của cổ nhạc với tân nhạc. Cho nên, tân nhạc với cổ nhạc kết hợp với nhau trong các bài ca mới hiện nay cũng là một yếu tố mới mẻ, góp vào sự phong phú của đời sống âm nhạc. Và để tạo nên những yếu tố mới này, không thể không nhắc tới công lao của NSND Bạch Tuyết.
Cũng vì vậy, những sản phẩm kết hợp giữa tân và cổ như thế này tôi cho rằng cũng rất cần thiết và xứng đáng được đón nhận từ công chúng. Những sáng tạo của NSND Bạch Tuyết cần được ghi nhận và tiếp tục lan tỏa. Những người trẻ sáng tác đậm đặc chất thôn quê như Hồ Phi Nal (sinh năm 1997) cũng nên khuyến khích vì nó cần để góp vào sự phong phú cho âm nhạc đại chúng của chúng ta hiện nay.
Ê-kípthực hiện "Cô Ba ca cổ"
Quản lý dự án: Nguyễn Công Trình
Ca sĩ: Hồ Phi Nal - NSND Bạch Tuyết
Sáng tác nhạc : Hồ Phi Nal
Sáng tác vọng cổ: NSND Bạch Tuyết
Sản xuất âm nhạc: TamKe - Phạm Hồng Phúc - Nal
Thu âm: Trí Tô Studio - Thanh Liêm Studio
Phối khí : TamKe - Nal
Vũ đoàn: Gió Việt
Biên đạo vũ đoàn : Trung Trực - Nal
Đạo diễn - Kịch bản: Hồ Phi Nal
Đạo diễn hình ảnh: Lý Thái Tài
Quay phim: Cậu Koong - Đức Navi
Sản xuất: Lư Ngọc
Phục trang: Thanh Thúy
Dựng phim: Cậu Koong
Thiết kế poster: Trần Toàn Hậu
Điểm 8,5