Ca sĩ Hari Won là trường hợp khá điển hình về sự "liều" khi khả năng nói tiếng Việt của cô bị phàn nàn khá nhiều nhưng thật ngạc nhiên là cô vẫn là cái tên vô cùng đắt show trong vai trò MC. Trong khi đó, một trong những tiêu chuẩn cần có của MC là phải nói năng rõ ràng. Sau đó là những tố chất khác như hoạt ngôn, vốn từ phong phú, có khả năng ứng biến tình huống, kiến thức chuyên môn rộng và nhất là có kinh nghiệm MC...
Thế nhưng điểm qua các MC đang hành nghề trong rất nhiều chương trình truyền hình, gameshow hiện nay thì đa số họ đều là những "tay ngang", chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản cần có này.
Hari Won với sự cố đọc tên Châu Bùi thành từ nhạy cảm vì không sõi tiếng Việt
Người chỉ làm MC một lần duy nhất rồi thôi là Á hậu Việt Nam Hoàng My.
Năm 2013, Á hậu Hoàng My nhận lời mời dẫn chương trình cùng MC Anh Quân trong chung kết "Siêu mẫu Việt Nam". Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình nên phải là MC chuyên nghiệp hoặc người đã có bản lĩnh sân khấu thì mới được "chọn mặt gửi vàng" để đảm trách những sự cố phát sinh nếu có trong chương trình.
Thế nhưng đơn vị tổ chức lại mời Hoàng My, người chưa từng có kinh nghiệm trong việc nắm giữ vai trò MC chương trình phát sóng trực tiếp. Kết quả, ngay sau chương trình, khán giả đã đưa cô vào danh sách "những MC thảm họa" khi cô liên tục mắc lỗi về cách dùng từ, sử dụng từ ngữ thừa. Ngay cả âm sắc, chất giọng của Hoàng My cũng được cho là một sự lựa chọn sai lầm cho vai trò MC. Để bớt "thảm họa", MC Anh Quân đã cứu nguy bằng cách dành phần nói chính trong chương trình. Đến phần của Hoàng My, anh còn liên tục "nhắc bài" cho người đẹp.
Ngay sau khi chương trình kết thúc, Á hậu Hoàng My cũng tự thấy thất vọng về bản thân mình và chấp nhận mọi lời khen chê của khán giả. Từ đó đến nay, người đẹp này không còn "tái xuất" trong vai trò MC.
Á hậu Hoàng My bị coi là "thảm họa" sau một lần làm MC trong chương trình "Siêu mẫu Việt Nam"
Tương tự như các người đẹp luôn được nhắm đến làm MC, nghệ sĩ hài cũng được tận dụng triệt để trong gameshow, lễ trao giải nhằm mục đích mang lại không khí sôi nổi cho chương trình. Không ít các nghệ sĩ hài thành công khi thử sức ở vai trò này như Trấn Thành, Xuân Bắc... nhưng chỉ một lần xuất hiện, nghệ sĩ Cát Phượng lập tức bị khán giả tuyên bố sẽ không xem bất cứ chương trình nào có nghệ sĩ này dẫn.
Sau khi giành được giải bạc ở chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" năm 2013 cùng với Phan Đinh Tùng, Cát Phượng đã được mời làm MC bên cạnh Phan Anh ở mùa giải năm 2014. Vốn được biết đến là một diễn viên hài, Cát Phượng được kỳ vọng sẽ tạo được sức hút riêng khi đảm nhận vai trò dẫn chương trình.
Cát Phượng cũng được cho là không thích hợp với vai trò MC
Tuy nhiên, cách dẫn pha trộn hài hước của cô được áp dụng vào chương trình lại không mấy tác dụng. Mỗi một show, Cát Phượng lại hóa thân thành một nhân vật khác nhau để tạo hiệu ứng mới lạ nhưng những câu nói đùa kiểu như: "Cát phải đi uống thuốc đây", "Cát đưa tụi nhỏ đi ăn kem đây"... làm khán giả không biết cô đang nói gì. Là MC nhưng cô "diễn" nhiều hơn là dẫn, các câu dẫn ngẫu hứng nhưng không ăn nhập, dễ nhận thấy đó là của người nghiệp dư chứ không phải người có nghề.
Trước những lời khen chê, Cát Phượng thừa nhận đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của mình vì cô vốn không hoạt ngôn, vốn từ hạn chế nhưng bất chấp sở đoản này, cô vẫn nhận lời vì "tình thân mến thân" nên không nỡ từ chối.
Những nghệ sĩ có kinh nghiệm sân khấu còn vậy nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi những gương mặt mới được giao trọng trách MC và lập tức bị đưa vào danh sách "thảm họa".
Xuất hiện trong vai trò là host trong chương trình "The Face 2017", người mẫu Hữu Vi khiến khán giả không khỏi bất ngờ và thắc mắc tại sao nhà sản xuất lại giao công việc khó khăn này cho một gương mặt quá mới. Là một chương trình đang rất ăn khách khi đó, cách dẫn của Hữu Vi cũng đồng nghĩa bị soi nhiều hơn.
Cũng giống như đồng nghiệp Vĩnh Thụy ở mùa đầu, cách dẫn của Hữu Vi được ví không khác gì "cơm nguội". Anh kiệm lời, cách dẫn khô khan, nhạt nhẽo vì quá ít vốn từ, vốn kiến thức nghề mẫu để diễn đạt và dẫn dắt các tình huống trong chương trình.
Người mẫu Hữu Vi làm host của chương trình The Face nhưng khá mờ nhạt, kém duyên
Khán giả thường thắc mắc: "Việt Nam hết MC rồi hay sao mà cứ phải tuyển mấy cô diễn viên, người đẹp, người mẫu... làm MC?". Nhưng thực tế thì đúng là như vậy. Các chương trình hiện nay quá "khan" MC. Đến nỗi, người vừa dành quán quân, á quân của chương trình năm nay, năm sau đã nghiễm nhiên trở thành host hoặc MC.
Trong khi đó, mỗi năm cũng có nhiều MC được đào tạo ra đời. Họ có nghề, có chất giọng nhưng lại không có tên tuổi nên nhà sản xuất buộc phải "trưng dụng" những tay ngang và chỉ cần họ nói đúng theo kịch bản để hạn chế sự cố.
MC có chất giọng tốt, khả năng dẫn dắt và ứng biến nhanh, lại có hình thức ưa nhìn như Phí Thùy Linh, Quỳnh Hương, Phan Anh, Quyền Linh, Nguyên Khang... hiện làm không hết việc. Hơn nữa, nếu mời một MC xuất hiện quá nhiều, đôi khi cũng khiến nhà sản xuất không mấy hào hứng.
Những hoa hậu, á hậu, người mẫu, diễn viên tuy mang lại sự mới mẻ, bắt mắt nhưng lại phải đánh đổi bằng sự nhạt nhẽo, chỉ nói theo kịch bản là chính. Câu nào nói theo ngẫu hứng hoặc đưa đẩy theo tình huống là lập tức trở nên thừa thãi, rơi vào tình huống "khó đỡ".
Chẳng hạn như Yumi Dương trong chương trình "Giọng hát Việt" 2013 với câu nói "kinh điển": "Xin một tràng pháo tay ủng hộ tinh thần cho các thí sinh cũng như chia sẻ tình cảm cho đồng bào bị cơn bão đi qua".
Hay diễn viên Thúy Ngân "Gạo nếp gạo tẻ" khi làm MC trong chương trình "Ô hay gì thế này", nghệ sĩ Lâm Vỹ Dạ đã thẳng thừng yêu cầu cô tránh xa mình vì "vô duyên lây rất nhanh". Các nhân vật khác trong chương trình cũng nhiều lần yêu cầu Thúy Ngân nói ít lại dù cô là MC chính. Sau nhiều phản ứng, Thúy Ngân đã "quyết định" tạm dừng vai trò này.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn khá phổ biến ở Trung Quốc. Chính vì thế mà năm 2015, Ủy ban cấp Nhà nước của Trung Quốc về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình đã đưa ra một thông tư yêu cầu các đài phát thanh - truyền hình của nước này không được mời những MC không chuyên xuất hiện với tư cách người dẫn chương trình.
Biện pháp này nhằm tránh cho khán giả phải chịu đựng những "MC thảm họa", còn nhà đài không phải gặp những sự cố "xấu mặt" vì MC "tay ngang" thường xuyên gây ra gây phản ứng của công chúng.
Những chương trình truyền hình, bao gồm các bản tin, chương trình bình luận, chương trình phỏng vấn… đặc biệt không được mời những MC không chuyên vào vai trò người dẫn, dù là người dẫn phụ.
Ủy ban này cũng yêu cầu, tất cả những người đảm nhiệm vai trò MC tại các đài phát thanh - truyền hình của Trung Quốc phải có chứng chỉ hành nghề nhằm chấm dứt tình trạng "tay ngang" làm MC.
Minh Nhật