Chuyên mục  


Trở lại sau một loạt tác phẩm kinh dị chiếu rạp độc lạ nhưng gây tranh cãi, bộ đôi NSX Hoàng Quân - đạo diễn Trần Hữu Tấn đã có cú "lội ngược dòng" vẻ vang cùng series Tết Ở Làng Địa Ngục . Được chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của Thảo Trang, Tết Ở Làng Địa Ngục thiết lập hàng loạt thành tích nổi bật, đứng top 1 Netflix Việt Nam nhiều tuần liền. Thậm chí, bộ phim còn mở ra cả một "vũ trụ" kinh dị mới của phim Việt, hứa hẹn "gây sốt" và thu hút lượng fan đông đảo.

Để giải mã thành công ập đến sau nhiều lần vấp ngã này, chúng tôi đã cùng Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn ngồi xuống, trò chuyện và nhìn lại cả một hành trình gần nửa thập kỷ "lăn lộn" với thể loại kinh dị của 2 anh. Hóa ra, câu chuyện dẫn đến sự ra đời của Tết Ở Làng Địa Ngục lại "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" đến như vậy, và đã thật sự mở ra một lối đi mới, một hi vọng mới cho mảng phim kinh dị, đặc biệt là kinh dị mang yếu tố thuần Việt ở thời điểm hiện tại và trong tương lai tới.

NSX Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ về Tết Ở Làng Địa Ngục

Nhiều khán giả thẳng thắn chê một số tạo hình trong Tết Ở Làng Địa Ngục bị… “quê”

Vì sao 2 anh lại lựa chọn Tết Ở Làng Địa Ngục để chuyển thể thành phim? Là ekip tìm đến truyện trước hay tác giả Thảo Trang tìm đến các anh trước?

Hoàng Quân: Tôi biết đến Tết Ở Làng Địa Ngục thông qua những bài viết trên MXH, nhận ra tác phẩm này đang được cộng đồng vô cùng chú ý. Sau đó anh Tấn liên lạc với tôi và ngỏ ý muốn thực hiện chuyển thể bộ truyện này thành phim. Ngoài ra cũng rất tình cờ là lúc ấy Thảo Trang chủ động liên lạc, bảo rằng đã xem phim Chuyện Ma Gần Nhà của chúng tôi. Thế là 2 bên đã gặp gỡ và cùng bắt tay sản xuất series Tết Ở Làng Địa Ngục .

Trần Hữu Tấn: Thực chất sau Chuyện Ma Gần Nhà , tôi và Quân dự tính làm một phim điện ảnh khác. Thế nhưng như Quân có nói, cả hai chúng tôi đã có dịp đọc qua một vài chương Tết Ở Làng Địa Ngục trên mạng như một cái duyên và thấy bị cuốn hút. Bản thân tôi đọc truyện khá nhiều, nhưng đây là tác phẩm đầu tiên làm tôi bị “dính chặt”. Cảm giác này thôi thúc tôi phải lập tức tiến hành chuyển thể thành phim, và may mắn là sau khi trình bày ý tưởng với Quân, đồng thời gặp tác giả Thảo Trang thì Quân đã đồng ý.

Tôn chỉ chuyển thể phim của các anh là gì, bám sát nguyên tác hay sẽ “chế biến” lại theo ý mình?

Hoàng Quân: Tôi nghĩ là cả hai. Bản thân cả hai chúng tôi cảm thấy Tết Ở Làng Địa Ngục là bộ truyện rất thú vị, song có rất nhiều thử thách về quá trình chuyển thể. Dưới góc nhìn đạo diễn, anh Tấn và cả tôi đã trao đổi với Thảo Trang để có thể thay đổi một số chi tiết so với trong sách, do có rất nhiều thứ khó cho quá trình chuyển thể. Thế nên với Tết Ở Làng Địa Ngục , ekip đồng thuận bám sát truyện nhất có thể, sau đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với “format” của một series phim.

Trải qua loạt dự án điện ảnh kinh dị vốn gặp nhiều tranh cãi về chất lượng (Rừng Thế Mạng, Chuyện Ma Gần Nhà), các anh rút ra được điểm mạnh và điểm yếu nào cho mình?

Trần Hữu Tấn: Làm một bộ phim kinh dị không hề dễ dàng, nhất là phim kinh dị dựa trên chất liệu dân gian. Khi xem lại các phim trước như Bắc Kim Thang , Rừng Thế Mạng hay Chuyện Ma Gần Nhà , cũng như đọc qua bình luận của khán giả, chúng tôi thấy những góp ý đó rất đúng. Vì vậy chúng tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc, cố gắng hoàn thiện hơn và không mắc các lỗi trước đó nữa, nhờ vậy mà giúp Tết Ở Làng Địa Ngục trở nên trọn vẹn hơn.

Bên cạnh đó bản thân Tết Ở Làng Địa Ngục đã có cốt truyện đủ tốt, lại có sự góp ý của chính tác giả. Điều này giúp ekip chúng tôi thêm phần tự tin để hoàn thành tốt dự án này.

Tết Ở Làng Địa Ngục đã ít đi những màn hù dọa (jump scare) so với các phim trước. Nhiều người cũng nhận xét rằng các phim trước hù dọa nhảm nhiều quá, các anh nghĩ sao về điều này?

Trần Hữu Tấn: Không lạm dụng “jump scare” nữa đúng là một trong những điều tôi tiếp thu từ khán giả. Đôi lúc nỗi sợ nó không đến từ những nỗi sợ bất chợt hay âm thanh, mà đến từ những hình ảnh có mức độ ám ảnh cao, hay thậm chí chỉ qua 1 câu nói. Chúng tôi đã có sự điều chỉnh khôn ngoan để biến Tết Ở Làng Địa Ngục thành một nỗi ám ảnh rất khác.

17c303757-ff38-45d0-bf5c-d469f2156af0-0043-1702014491254-17020144916671997225558.jpg

Các anh nghĩ sao nếu có người gọi thành công của Tết Ở Làng Địa Ngục là “ăn may”? Là phim chuyển thể có vẻ dễ hơn kịch bản gốc nhỉ?

Hoàng Quân: Tôi nghĩ kiểu nào cũng có 2 mặt cả, đều có lợi thế và bất lợi nhất định. Với một dự án được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng thì chúng tôi áp lực hơn rất nhiều vì tác phẩm đó đã có một nhóm khán giả nhất định. Ngoài ra người làm phim chuyển thể còn có áp lực từ kỳ vọng của khán giả, mỗi người đọc sách sẽ có một cách tưởng tượng khác, một chi tiết yêu thích khác, một kiểu ám ảnh khác. Nếu lỡ chuyển thể không khéo thì tác phẩm sẽ còn bị phản ứng dữ dội hơn một dự án gốc nữa.

Với chúng tôi, làm phim với kịch bản gốc hay chuyển thể thì đều cho chúng tôi kinh nghiệm để phim sau hay hơn phim trước. May mắn là khi bắt tay làm phim chuyển thể, riêng tôi còn học được cách biến tưởng tượng người xem thành một hình ảnh làm họ thấy thỏa mãn theo cách nhất định nào đó.

Mục tiêu thành công của series truyền hình đương nhiên khác điện ảnh. Các anh đặt mục tiêu cho Tết Ở Làng Địa Ngục là gì, và mục tiêu đó đạt được chưa?

Trần Hữu Tấn: Trước khi làm đạo diễn phim này, tôi đã là fan cứng của Thảo Trang. Thế nên bản thân tôi cũng có kỳ vọng riêng để Tết Ở Làng Địa Ngục là một sản phẩm tốt, sản phẩm chất lượng. Ngoài ra ở góc độ một đạo diễn, tôi cũng không giấu được tham vọng muốn sản xuất một series “tiệm cận” với các cường quốc về TV series trên thế giới như Hàn Quốc hay Mỹ. Tôi chỉ dám dùng từ “tiệm cận” chứ không “bằng” vì chúng ta còn khoảng cách rất lớn. Với tôi, “tiệm cận” đã là thành công rồi.

Tham vọng này xuất phát từ sự tự tôn dân tộc của bản thân tôi. Tôi muốn rằng là một người làm phim Việt, ít nhiều gì mình cũng phải có được một tác phẩm chỉn chu, chất lượng để “đi khoe” với bạn bè quốc tế.

Hoàng Quân: Ở giai đoạn này tôi hài lòng với những gì Tết Ở Làng Địa Ngục đã làm được. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã có được một series mang đậm yếu tố dân gian Việt, và tôi cũng đã tự hào mang phim đi khoe với mọi người như vậy. Ngoài ra còn một điểm tôi hài lòng nữa, đó là khán giả mà đặt biệt là cộng đồng fan nguyên tác trở thành nguồn động viên rất lớn với chúng tôi. Chúng tôi cảm kích các bạn vì luôn ủng hộ và sẵn sàng bỏ qua những sai sót mà chúng tôi gặp phải.

Khi làm xong tác phẩm và xem lại, tôi và anh Tấn đều thấy nếu được làm lại, chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa. Điều này đến từ tính cầu toàn của bản thân hai chúng tôi thôi. Dù sao thì đây cũng là series đầu tiên tôi và anh Tấn thực hiện. Đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước đấy, biết rằng phim dài 12 tập sẽ khác nhiều lắm một dự án chỉ dài 90 phút, nhưng tôi nghĩ mùa 2 chắc chắn sẽ hoàn thiện hơn mùa 1 nhiều!

22da689f8-f875-4e31-a934-569748af700c-0043-1702014492819-17020144928941829612063.jpg

Có điểm gì ở Tết Ở Làng Địa Ngục mà các anh chưa hài lòng, muốn thay đổi?

Trần Hữu Tấn: Trở ngại lớn nhất để làm một series kinh dị là thời gian và ngân sách. Đây là điều mà mình phải công tâm thừa nhận. Ví dụ về series của Hàn Quốc hay Mỹ, một tập của người ta đã có kinh phí bằng cả series của mình luôn rồi. Tôi không phải muốn than vãn hay che đi khuyết điểm của chính mình, mà bản thân tôi sau mỗi tác phẩm đều nhìn lại bản thân, xem mình cần nâng cao hay khắc phục khoản nào. Tôi hy vọng ở tác phẩm kế tiếp, bên cạnh những thứ đã được khán giả công nhận như khâu hóa trang, phục trang hay bối cảnh, thì tôi sẽ khắc phục được vấn đề còn lại của mình, đó là cách kể chuyện sao cho dễ hiểu và khiến khán giả thấy thỏa mãn hơn.

Tết Ở Làng Địa Ngục phần lớn là hóa trang “thủ công”, khá ít kỹ xảo. Vì sao các anh chọn con đường nhọc công hơn là thủ công?

Hoàng Quân: Do ngân sách thôi! (cười) Thật ra kỹ xảo đòi hỏi nhiều ngân sách, mà cũng tốn nhiều thời gian nữa. Là nhà sản xuất, dĩ nhiên tôi phải cân đo đong đếm mọi khoản đầu tư sao cho hợp lý. Ngoài ra, việc chọn phương án “practical” còn có hiệu quả về mặt thị giác, tạo cảm giác chân thực hơn. Chẳng hạn như tạo hình sói lửa chẳng hạn, nếu chúng tôi dùng kỹ xảo thì chúng tôi phải đánh đổi cảm xúc của diễn viên. Diễn viên khi ấy phải diễn với một thứ không có thật, từ đó mất nhiều thời gian hơn cho chính người diễn viên và cả quá trình quay và làm kỹ xảo.

Trần Hữu Tấn: Về phần hóa trang, nhiều khán giả thẳng thắn chê một số tạo hình trong Tết Ở Làng Địa Ngục bị… “quê”. Tôi thấy chuyện đó không sai, tôi không phủ nhận. Thế nhưng với tôi, sự “quê” này là cảm giác ban đầu thôi. Bởi vì kiểu hóa trang “practical” này vốn thịnh hành ở điện ảnh thế giới vào thập niên 80, 90. Đổi lại, sự “quê” này mang đến cảm giác thật hơn kỹ xảo. Điện ảnh ngày một phát triển và mang đến phần CGI đỉnh cao, nhưng nó vẫn là kỹ xảo và không thể thật như hóa trang thủ công được. Kỹ thuật cũ rồi nhưng tôi muốn tận dụng vì tôi tin sự chân thật sẽ mang đến cảm xúc cho người xem.

3eb022854-b98d-45c8-bf77-9baf80427f0e-0043-1702014493388-170201449347361356894.jpg

Ekip có kỷ niệm nào kinh dị hay độc lạ trong quá trình quay ở làng “3 không” Sảo Há không?

Trần Hữu Tấn: Nếu mà nói về khía cạnh tâm linh thì chắc làng Sảo Há chọn chúng tôi đấy! (cười) Trong chuyến khảo sát, chúng tôi đã đến thăm 14 cái làng ở tất cả các vùng, các huyện của Hà Giang. Thực chất không có làng nào đáp ứng được yêu cầu của ekip, cho đến làng cuối cùng. Lúc chúng tôi định quay về thì một bạn đồng bào người Mông. Chúng tôi mới lấy tấm ảnh chụp hình làng ra và hỏi thăm, xem bạn ấy có biết làng này ở đâu không. Hóa ra bạn ấy biết, bảo rằng làng gần đây nhưng phải đi xe máy 15 phút từ chân lên đỉnh núi.

Khi đến nơi và bước vào làng, chúng tôi lập tức biết rằng đây chính là làng của Tết Ở Làng Địa Ngục . Còn về vấn đề tâm linh, ở một nơi thiếu thốn cơ sở hạ tầng như điện, nước, sóng điện thoại mà còn mang cảm giác hoang sơ, nguyên sinh thì không khó để tưởng tượng. Bản thân tôi không gặp chuyện gì nhưng lại nghe ekip kể nhiều chuyện lắm!

Hoàng Quân: Về cơ duyên làm việc ở Sảo Há, tôi không cho rằng đó là một lựa chọn thông minh dưới góc độ của nhà sản xuất. Đơn giản vì nó thiếu thốn quá nhiều những điều kiện tiêu chuẩn cho công việc sản xuất. Thế nhưng tôi lại rất khó đưa ra lựa chọn một nơi nào đó khác, vì Sảo Há quá phù hợp với câu chuyện. Có một điều rất thú vị khi chúng tôi bắt tay chụp first-look poster, với hình ảnh tán cây lớn, bên dưới là mái nhà âm dương và hoa đào. Hình ảnh này đều nằm trong tưởng tượng của tôi dựa trên sách thôi. Thế mà lần đầu tôi và anh Tấn đến làng, tôi đã lập tức thấy hình ảnh đó ngay chính giữa làng luôn. Đó là khi tôi nhận ra có vẻ như ngôi làng đã chọn chúng tôi từ trước, và ngôi làng như cho chúng tôi gặp lại một hình ảnh thân quen trước đó.

Trần Hữu Tấn: Cả Thảo Trang cũng bất ngờ lắm! Khi tôi nói chuyện với cô ấy thì mới biết được rằng cô ấy chưa bao giờ đi Hà Giang, tất cả đều là trí tưởng tượng. Vì vậy khi tôi cho cô ấy xem những hình ảnh đầu tiên của bối cảnh, cô ấy đã thật sự vỡ òa, không tin được những con chữ của mình đã có sẵn ngoài đời như vậy.

Ý tưởng sản xuất cả một “package” gồm series Tết Ở Làng Địa Ngục và phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn, các anh có nghĩ đây nên là 1 mô hình “trào lưu” mới tại thị trường Việt Nam?

Hoàng Quân: Đây không nên là trào lưu vì lựa chọn này rất vất vả. Cần làm rõ là bản phim điện ảnh và series là 2 dự án độc lập. Chúng tôi không lấy tư liệu series để dựng thành điện ảnh, mà là hoàn toàn mới. Lý do chúng tôi thực hiện 2 sản phẩm liên tiếp nhau thế này vì đã tốn công kéo cả đoàn phim lên địa điểm như thế rồi, mất tận 18 tiếng từ TP.HCM để đặt chân đến cổng làng. Chưa kể các anh em còn phải chuẩn bị thiết bị, máy móc, con người, dựng trại, kéo điện nước về, xây nhà vệ sinh…Cho nên tôi và anh Tấn quyết định làm luôn 2 tác phẩm, series quay trước và sau đó là ekip điện ảnh nhảy vào.

Trần Hữu Tấn: Nghĩa là 2 câu chuyện khác nhau, 2 ekip - diễn viên cũng khác nhau. Phần điện ảnh là ngoại truyện trích từ tiểu thuyết.

Hoàng Quân: Thậm chí 2 câu chuyện thuộc 2 thời kỳ khác nhau nên từ bối cảnh, thiết kế sản xuất chúng tôi đều phải thực hiện lại hết.

4c0d6ea82-5b5e-4dc1-ac8c-3c3ef13c8ad5-0043-1702014493930-17020144939961287825188.jpg

Kịch bản Tết Ở Làng Địa Ngục mùa 2 là do các anh tự viết, hay lấy nguồn tư liệu từ truyện nào khác?

Trần Hữu Tấn: Khi tôi và Quân nói chuyện cùng Thảo Trang và nhận thấy tiềm năng của dự án, thì Thảo Trang đã có sự chuẩn bị sẵn cho mùa 2 và mùa 3 Tết Ở Làng Địa Ngục. Cả 2 mùa mới đã được chúng tôi chuẩn bị từ trước chứ không phải ý tưởng mới đây. Tác giả Thảo Trang đã tham gia từ đầu trong quá trình hỗ trợ, cố vấn kịch bản và khi ấy chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều chi tiết từ truyện nên được phát triển thêm.

Ở mùa 2 sắp tới, ngoài đoạn kết mùa 1 khiến khán giả hoang mang, nhân vật Tam Quỷ vì sao “lên đò” thì cả số phận của lão què cũng sẽ được giải đáp. Tôi tin rằng mùa 2 sẽ gây bất ngờ hơn nữa với nhiều yếu tố văn hóa đậm tính bản địa, và những truyền thuyết dân gian mà trước đây có lẽ mọi người chỉ mới nghe loáng thoáng.

Muốn làm phim được 100 tỷ thì nên làm thể loại khác cho dễ, chứ kinh dị thì quá khó

Kinh dị là thể loại phim chưa từng có phim doanh thu trăm tỷ tại Việt Nam. Thậm chí trên thế giới cũng chưa có phim kinh dị nào vượt mốc tỷ đô. Các anh nghĩ lý do là gì?

Hoàng Quân: Kinh dị là thể loại kén người xem thật, mà khán giả của phim kinh dị lại cực kỳ khó tính. Họ rất thông minh, xem phim nhiều và thậm chí nhiều hơn cả người làm phim nữa. Điều đó khiến cho điều kiện làm phim kinh dị thử thách hơn rất nhiều.

Khi chúng tôi làm phim, mà nhất là phim kinh dị thì chưa bao giờ nghĩ phải làm ra phim “trăm tỷ”. Chúng tôi chỉ đơn giản là yêu công việc làm phim, muốn làm ra những câu chuyện đậm chất kinh dị và cũng là niềm yêu thích của cá nhân 2 chúng tôi nữa. “Trăm tỷ” còn tùy thuộc vào việc khán giả có yêu thương mình hay không, và câu chuyện của mình có đủ hay để được khán giả đón nhận.

5d2c0eac2-be81-4ced-a869-3e1eaa8586a8-0043-1702014494439-17020144945331038727548.jpg

Trần Hữu Tấn: Ngoài doanh thu ra thì mọi người cũng thấy được mặt bằng các giải thưởng trên thế giới, rất hiếm có phim kinh dị được giải dù chất lượng thể loại này rất cao. Tôi cũng là một fan của The Wailing , The Medium hay Incantation . Với tôi đó là đều là những tác phẩm có yếu tố nghệ thuật rất tốt, song vẫn có khoảng cách nào đó khiến các giải thưởng lớn hiếm khi vinh danh tác phẩm kinh dị.

Tuy vậy, không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Tôi tin rằng giải thưởng cao nhất một phim kinh dị có thể có được là chiếc cúp trong lòng khán giả.

Các anh có tự tin Kẻ Ăn Hồn sẽ là phim kinh dị Việt đầu tiên được 100 tỷ?

Hoàng Quân: Tôi không đặt mục tiêu cho Kẻ Ăn Hồn là được 100 tỷ đâu. Điều tôi rút kinh nghiệm nhiều nhất từ Chuyện Ma Gần Nhà vừa qua chính là phản ứng từ khán giả, tiêu cực cũng có mà động viên, khích lệ cũng có. Điều chúng tôi hướng đến là làm sao giải quyết được tất cả những thắc mắc, trở ngại hay thiếu sót mắc phải ở Chuyện Ma Gần Nhà khi sản xuất Kẻ Ăn Hồn .

Tôi với anh Tấn hay nói với mọi người là chúng tôi chỉ cần phim hòa vốn để còn có cái mà làm phim tiếp theo. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc đặt mục tiêu “trăm tỷ”... Thật ra muốn làm phim được 100 tỷ thì nên làm thể loại khác cho dễ, chứ kinh dị thì quá khó. Khó trong tất cả mọi khâu, từ sản xuất, làm việc với diễn viên đến đạo diễn, truyền thông, phát hành…

Trần Hữu Tấn: Tôi nghĩ chúng ta vẫn phải cảm ơn sự khắt khe của khán giả. Nhờ khán giả khắt khe thì tôi mới rút ra được bài học, làm tốt những phim sau. Khán giả không khắt khe thì mình dễ có ý nghĩ “Mình làm vậy là được rồi”, từ đó dễ dãi với chính mình. Dù có ai bình luận tiêu cực, không thích phim hay chê phim thì đó đều là bài học tốt với tôi.

63c170148-2f78-47fa-8bbc-06a834c3acd9-0042-1702014494973-17020144950491541870056.jpg

Các anh có nghĩ bản thân đang là người tiên phong trong thể loại kinh dị thuần Việt, nhất là trong bối cảnh phim kinh dị Việt có quá nhiều “thảm họa”?

Hoàng Quân: Tôi không nghĩ mình là người “cầm đuốc” hay tiên phong gì cả. Tôi và anh Tấn đều mong muốn thể hiện cho mọi người thấy vị trí của dòng phim kinh dị ở đâu. So với các dòng phim khác, kinh dị cũng có một đối tượng khán giả rất quan tâm, chú ý. Tôi muốn làm sao mà mọi người nhìn phim kinh dị với một góc nhìn khác.

Mặt khác, các bạn đạo diễn, nhà làm phim trẻ, ai cũng phải đi qua những thiếu sót và hoàn thiện mình. Rất hiếm có ai làm ra một tác phẩm đầu tiên và thành công ngay. Ai cũng phải va vấp ít nhiều, chỉ quan trọng là họ học được gì từ những cú vấp ngã ấy. Không ai muốn làm phim dở hay phim “thảm họa”, ai cũng muốn phim mình hay hết. Nhưng làm phim thì phải có sự thử nghiệm, có sự bắt đầu rồi rút ra bài học, chứ ít ai mới làm tốt ngay được. Bản thân người làm phim phải cởi mở, kiểm soát cái tôi nghệ sĩ lại và lắng nghe, rút kinh nghiệm cho bản thân thì hiệu quả hơn. Những đạo diễn từng có phim “thảm họa” bị chê mà biết rút ra bài học, tôi rất mong chờ sự trở lại của họ. Tôi nghĩ rằng đã làm phim rồi thì khó bỏ lắm!

75fac4bfa-c1d3-4580-acdd-db4682535b67-0043-1702014495526-17020144955931756639707.jpg

Sau Kẻ Ăn Hồn, bước tiếp theo trong “vũ trụ kinh dị” của Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn sẽ là gì? Lại chuyển thể hay sẽ trở về kịch bản gốc?

Hoàng Quân: Sau Tết Ở Làng Địa Ngục Kẻ Ăn Hồn , Con Cám sẽ là tác phẩm tiếp theo với kịch bản và câu chuyện gốc. Sau Con Cám , tôi và anh Tấn sẽ tiếp tục góp mặt trong một dự án nữa nhưng với vai trò NSX và giám đốc sáng tạo, hỗ trợ một bạn đạo diễn trẻ. Đây là 1 tài năng mà chúng tôi đã “nuôi dưỡng” suốt 3-4 năm nay. Tôi và anh Tấn cũng làm nghề được 5 năm rồi. Đây cũng là một cách để 2 chúng tôi đóng góp trở lại cho nền điện ảnh Việt Nam thông qua việc nâng đỡ các bạn trẻ thực hiện tác phẩm đầu tay của họ. Thị trường Việt luôn luôn cần những nhân tố mới. Rồi sau dự án này sẽ là Tết Ở Làng Địa Ngục mùa 2!

Hai anh có thể bật mí tí xíu về dự án của đạo diễn trẻ?

Trần Hữu Tấn: Tác phẩm đó đang trong quá trình hoàn thiện kịch bản, hiện đã xong bản nháp đầu tiên rồi. Chủ đề phim nói về một thực trạng trào lưu đang tồn tại trong giới trẻ, còn cụ thể thế nào thì tôi xin phép giấu đi, chưa thể bật mí (cười). Tôi tin rằng tài năng và quan điểm đạo diễn của bạn trẻ này sẽ là “món ăn lạ” trong nền điện ảnh Việt nói chung.

Con Cám dựa trên Tấm Cám - một câu chuyện cổ tích quen thuộc với người Việt. Khai thác câu chuyện của phản diện, ekip có sợ gây tranh cãi?

Trần Hữu Tấn: Con Cám đúng là lấy cảm hứng từ Tấm Cám , nhưng với góc nhìn mới. Có chính diện thì phải có phản diện, nhưng ít ai để ý rằng nhân vật phản diện cũng từng trải qua những sự kiện, khiến hắn từ con người bình thường trở nên dị thường, thậm chí thành ác nhân. Trước đây mọi người nghe nhìn về nàng Tấm rồi, nhưng đây sẽ là góc nhìn về nhân vật Cám.

Tôi hiểu rằng đây sẽ là thử thách rất lớn, thậm chí gây tranh cãi. Thế nhưng dù là chính diện hay phản diện, ai cũng có một câu chuyện riêng cho mình. Khán giả sẽ rất thích thú với Con Cám, tôi tin là vậy.

hi00408-copy-1-1701971015123352138739-005026-1702014496033-17020144961321333396248.jpg
hi00328-copy-1-1701971015148307095881-005016-1702014496553-1702014496895484329197.jpg
hi00319-copy-1-17019710148701590607376-005010-1702014497331-1702014497401673039860.jpg

Mới đây, nhà sản xuất của ProductionQ đã thông báo về việc hoãn ra mắt bộ phim điên ảnh Kẻ Ăn Hồn - phần "tiền truyện" của Tết Ở Làng Địa Ngục. Phía ekip mong muốn đảm bảo việc hoàn chỉnh bản phim tốt nhất, và sẽ sớm ra rạp trong thời gian tới để phục vụ khán giả nói chung và cộng đồng fan đã luôn yêu thương loạt phim Tết Ở Làng Địa Ngục nói riêng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020