Làm việc ở một tòa soạn tầm cỡ nên quan điểm làm báo của tôi có nhiều phép tắc. Một trong số đó là việc tôi không bao giờ và cũng không được quyền sử dụng phần mềm để thay đổi ảnh gốc.
Tôi từng chụp hình trên thảm đỏ Hollywood, chụp những khoảnh khắc của các ngôi sao, tác nghiệp ở nhiều sự kiện giải trí... Tôi luôn tôn trọng, tìm kiếm và bảo vệ sự thật ở mỗi bức hình.
Vẻ đẹp kỹ xảo là lời nói dối
Tại Mỹ, giá trị sự thật được đặt lên hàng đầu trong mỗi tác phẩm báo chí. Ngay cả những cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc gia như Miss America, dung nhan thí sinh sẽ được tôn vinh theo cách chân thật nhất, thay vì làm mờ mắt khán giả bởi hiệu ứng máy tính.
Tôi được biết, một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc gia vừa diễn ra tại Việt Nam đã can thiệp vào ảnh thí sinh, không cho phóng viên ảnh các báo có mặt tại đó tác nghiệp. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc dùng ảnh chỉnh sửa, kéo dài chân thon hay tô hồng sắc đẹp cho thí sinh ở một cuộc thi cấp quốc gia, là một lời nói dối công chúng. Điều đó không nên được chấp nhận.
Tôi không bao giờ tin chuyện truyền miệng và luôn phải thu thập thông tin bằng chính đôi mắt của bản thân. AP cũng quy định chỉ sử dụng thông tin do chính phóng viên của hãng ghi nhận.
Ảnh tại sự kiện Miss America của AP năm 2017. Ảnh: AP. |
Không chỉ tác nghiệp các đề tài mang tính xã hội, thảm đỏ Hollywood cũng là nơi tôi dành nhiều thời gian trong sự nghiệp. Ống kính Nick Ut đã chụp hình hàng trăm, hàng nghìn người nổi tiếng. Ở lĩnh vực nào đi chăng nữa, tôi luôn tuân thủ tính chân thật trong ảnh báo chí.
Việc phải mỹ miều hóa nhân vật trên ảnh không tồn tại trong quan điểm làm nghề của tôi cũng như quy tắc của các hãng tin lớn.
Chắc các bạn cũng từng chứng kiến không khí tại các sự kiện lớn như Emmy, Oscar hay Golden Globe. Rất nhiều đơn vị báo chí có mặt để tác nghiệp. Tôi đến từ hãng thông tấn lớn, nên được ngồi hàng đầu. Một khi nghệ sĩ xuất hiện, không khí thảm đỏ trở nên ồn ã bởi những lời gọi: "Quay bên này thưa cô, một kiểu bên này thưa ông. Xin anh/chị hãy nhìn vào máy ảnh".
Phóng viên chúng tôi chớp khoảnh khắc, chụp lia lịa. Có những buổi, thẻ nhớ của tôi chạm mốc 10.000 tấm. Chưa kể, máy móc bây giờ hiện đại, tích hợp wifi. Ảnh tôi chụp lập tức được chuyển thẳng tới bàn máy của biên tập hình ảnh tại nhà.
Với cường độ công việc như vậy, mọi khoảnh khắc ống kính ghi lại trên thảm đỏ, bất kể sơ suất của các ngôi sao, đều được truyền tải chân thực trên báo chí.
Đối với những tờ báo lớn, đó là thông tin. Đối với những tờ báo lá cải, những tấm ảnh đó còn giúp họ "hái ra tiền". Thậm chí, có nhiều hãng báo ngoại địa còn đặc biệt đặt hàng các tư liệu hình ảnh "hiếm có khó tìm". Hơn nữa, có tới hàng trăm ống kính tại sự kiện, nhân vật khó lòng "bịt mắt" được hết. Vậy nên, không có chuyện ngôi sao muốn thì "dập" báo chí hay xin chỉnh sửa ảnh.
Không thể thao túng truyền thông
Năm 2004, trong sự kiện Super Bowl, Janet Jackson đã gặp phải sự cố về trang phục khi biểu diễn cùng Justin Timberlake. Cụ thể, nữ ca sĩ bị bạn diễn vô tình giật tung một bên áo, lộ ngực trước hàng triệu khán giả. Scandal khiến Janet Jackson bị cấm cửa ở một số sự kiện âm nhạc cũng như gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng gần 30 năm của nữ ca sĩ.
AP chỉ sử dụng ảnh do chính đơn vị thực hiện. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, hình ảnh liên quan tới tai nạn vẫn được đăng tải đầy đủ trên mặt báo. Không có chuyện nghệ sĩ, hay một đơn vị, tổ chức nào thao túng được truyền thông. Cũng từ đây, Super Bowl có thêm bài học về việc kiểm duyệt tiết mục, kiểm duyệt khắt khe phục trang cho nghệ sĩ.
Trên quan điểm cá nhân, việc sử dụng hình ảnh chỉnh sửa cho nghệ sĩ, hoặc cho một cuộc thi nhan sắc là điều không chấp nhận được. Hoặc tôi không dùng ảnh, hoặc tôi phải tự đi chụp. Không có hãng báo lớn nào chấp nhận ảnh của một bên thứ ba, nhất là đã qua chỉnh sửa.
Quay lại với câu chuyện Miss America - ví dụ điển hình cho bức tranh toàn cảnh. Tại đây, hãng báo lớn như AP được phép tác nghiệp theo chỉ dẫn của ban tổ chức. Thậm chí, chúng tôi còn được phép mang ê-kíp nhiều người, sắp xếp vào những góc máy đảm bảo chất lượng đầu ra của tác phẩm.
Trách nhiệm của ban tổ chức gói gọn ở việc đảm bảo thí sinh tỏa sáng tối đa nhờ trang điểm và trang phục. Ngoài ra, họ cũng tạo ra phim trường sáng lung linh nhằm đảm bảo không có những luồng đánh sáng khuất mặt thí sinh. Đồng thời, các người đẹp cũng có trợ lý đồng hành - những người chịu trách nhiệm lo cho diện mạo trước khi lên hình của nghệ sĩ.
Khi đơn vị sản xuất và đơn vị tác nghiệp đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chẳng cần lý do nào để chúng ta tô hồng thêm vẻ đẹp ảo cho nghệ sĩ.
Ảnh nên là 'ngôn ngữ' của hiện thực
Tôi có vài người bạn làm việc ở Los Angeles Times và New York Times. Họ đều là những phóng viên kỳ cựu, có nhiều tác phẩm được tôn vinh. Thế nhưng, chỉ vì một lần sử dụng phần mềm sửa ảnh, sự nghiệp đã đi tong. Những đồng nghiệp này thậm chí không thể trụ trong nghề do tiếng xấu vang xa và phải kiếm sống bằng việc chụp hình cưới.
Hiện nay, phóng viên chỉ được phép thêm màu, điều chỉnh sáng tối hay độ tương phản. Còn để xóa vật này, thêm vật kia là hoàn toàn không chấp nhận được. Con mắt người phóng viên chụp thế nào thì để nguyên như vậy. Vì thế, việc nhiếp ảnh gia phải trau dồi bản thân là yếu tố tất yếu.
Xa hơn những cuộc thi sắc đẹp, những thảm đỏ lộng lẫy của các ngôi sao, đằng sau mỗi bức ảnh báo chí với chúng tôi còn là những câu chuyện về sự hy sinh và đánh đổi của phóng viên cầm máy.
Trong những năm gần đây, vẫn nhiều phóng viên ảnh thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp. Họ dấn thân vào nguy hiểm, đem mạng sống ra đánh cược để đổi lại điều gì? Chính là Sự Thật trong từng bức ảnh.
Theo Zing.vn