Chuyên mục  


Shark Tank Việt Nam mùa 6 - tập 2 đón chào 3 startup đến gọi vốn với ba mô hình kinh doanh khác nhau gồm: bán lẻ và nhượng quyền bánh mì; sản xuất thực phẩm; bán lẻ và phân phối sản phẩm cho trẻ em. Startup nào thuyết phục được Shark đầu tư và startup nào phải ra về tay trắng?

Sản xuất gia vị doanh thu 157 tỷ một năm, startup khiến 3 Shark "rượt đuổi" từng phần trăm

Xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 2, Nguyễn Thị Vân Anh – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Trí Việt Phát kêu gọi các Shark đầu tư 22 tỷ để đổi lấy 5% cổ phần của công ty.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa khoa Hóa – Thực phẩm và có kinh nghiệm 11 năm công tác tại các công ty đa quốc gia ở vị trí kỹ sư công nghệ thực phẩm, kỹ sư bán hàng, chị Vân Anh cùng ông xã thành lập Trí Việt Phát vào năm 2012, nhằm sản xuất các loại gia vị từ nguyên liệu của Việt Nam để cung cấp cho khách hàng B2B (Business to Business – Doanh nghiệp bán hàng tới doanh nghiệp) ở thị trường trong nước.

Sau gần 10 năm, công ty đã sở hữu một nhà máy đạt chuẩn FSSC 22000 rộng 6.000m2 và 3 thương hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm của Trí Việt Phát cũng đã được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Nhật Bản.

qtu2935-1696320158567420124897.jpg

Theo nữ sáng lập, những năm gần đây dù tình hình kinh tế nhiều khó khăn nhưng công ty Trí Việt Phát vẫn tăng trưởng từ 40 - 46%/năm. Gần nhất, doanh thu năm 2022 đạt 157 tỷ, lợi nhuận ròng là 10%. Mục tiêu năm 2023, doanh thu của Trí Việt Phát sẽ đạt 187 tỷ.

Thông tin này khiến Shark Hưng không khỏi thắc mắc: "Tại sao bạn lại kêu gọi 22 tỷ để làm gì? Vì nhìn bức tranh tài chính có vẻ lành mạnh lắm".

Chị Vân Anh chia sẻ tham vọng hướng tới một công ty toàn cầu 1.000 tỷ trong vòng 4 năm tới. "Một công ty toàn cầu là công ty thứ nhất là lên IPO. Tiếp theo nữa là sản phẩm của mình đi bán được nhiều nơi và tốt hơn nữa là có nhà máy ở một quốc gia khác", nữ sáng lập giải thích.

Ngoài ra, chị cũng tự tin Trí Việt Phát không có đối thủ bởi không dễ dàng để đạt được tiêu chuẩn FSSC 22000.

Đánh giá startup đã có sản phẩm đầy đủ, bức tranh tài chính, lợi nhuận tốt, Shark Hùng Anh là vị "Cá mập" đầu tiên chốt deal với mức đề nghị là 22 tỷ cho 20% cổ phần.

Quan tâm đến lĩnh vực gia vị và từng đầu tư vào công ty tương tự sản xuất tại Thái Lan, Shark Hưng đề nghị đầu tư 22 tỷ đổi lấy 15,1%, với định giá doanh nghiệp bằng 1,5 lần giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ sách, tức là 123 tỷ.

Shark Bình là nhà đầu tư tiếp theo gia nhập thương vụ với mức đề nghị 22 tỷ đổi lấy 15% cổ phần kèm điều kiện startup phải trả cổ tức ít nhất 15% của khoản đầu tư.

shark-tue-lam-16963204786311624154507.jpg

Nguyễn Thị Vân Anh tự tin cho biết năm nay sẽ đạt doanh thu 187 tỷ và năm sau sẽ cán mốc 260 tỷ, bởi đã đầu tư công nghệ xong mà chưa dùng đến công nghệ đó. Chính vì thế, chị đưa ra mức kêu gọi khác là 22 tỷ cho 11% cổ phần.

Trước sự tự tin của nữ startup, Shark Hùng Anh quyết định thay đổi tỷ lệ cổ phần sở hữu là 15%, bằng với Shark Bình. Ngay lập tức, Shark Bình cho biết mức sở hữu của ông sẽ là 14%.

"Bây giờ em chốt với chị luôn. Nếu như số liệu chị đưa ra đúng nha. 24 tỷ cho 15% cổ phần", Shark Hùng Anh nói.

"Thì tôi thay đổi deal. 22 tỷ cho 13%", Shark Bình tiếp lời.

Giữ nguyên mức đề xuất ban đầu là 22 tỷ đổi lấy 15,1%, Shark Hưng cho biết ông có những giá trị quan trọng. "Trong kinh doanh người ta phải nhìn vào tiềm năng thị trường. Ai lo được đầu ra cho bạn. Ai lo được thị trường cho các bạn", Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Partners thuyết phục.

Trước màn "rượt đuổi" từng con số của ba Shark, Vân Anh đã trao đổi với chồng và quyết định nhận đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh với con số 24 tỷ cho 15% cổ phần. Như vậy, Trí Việt Phát là startup nữ tiếp theo kêu gọi thành công vốn triệu USD trên Shark Tank Việt Nam mùa 6 và cũng là deal triệu USD thứ hai của Shark Hùng Anh trong Shark Tank mùa này.

tua4910-1696320158583598067972.jpg

Deal triệu USD thứ hai của Shark Hùng Anh trong Shark Tank mùa này.

Trong khi đó, Shark Erik và Shark Tuệ Lâm từ chối thương vụ bởi vì không có kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực này.

Tham vọng xây dựng thương hiệu bánh mì Việt tầm cỡ ở Nhật Bản, ‘Bánh mì Xin Chào’ lên gọi vốn, cam kết phát triển 50 cửa hàng trong hai năm

Bánh mì Xin Chào là thương hiệu bánh mì Việt Nam nổi danh tại Nhật Bản do Bùi Thanh Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy cùng sáng lập. Đây là chuỗi cửa hàng bao gồm cửa hàng nhượng quyền chuyên phục vụ bánh mì và các món ăn của Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong một lần đến Tokyo chơi, nhìn thấy một hàng người dài xếp hàng mua Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, Thanh Tâm nảy ra ý tưởng mang ẩm thực đường phố của Việt Nam khởi nghiệp ở Nhật Bản, đồng thời cũng là cách để quảng bá văn hóa của nước mình ra thế giới. Nhận được sự ủng hộ của anh trai, cửa hàng nhỏ phục vụ bánh mì hương vị truyền thống Việt Nam mang tên Bánh mì Xin Chào đã ra đời vào tháng 10/2016 trên dãy phố Waseda Dori - một con phố ẩm thực sầm uất ở Tokyo. Sau 7 năm, đến nay Bánh mì Xin Chào đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.

Xuất hiện tại Shark Tank mùa 6, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bùi Thanh Tâm kêu gọi các Shark đầu tư số tiền là 500.000 USD cho 9% cổ phần.

tua4144-16963204787051548132254.jpg

Trả lời câu hỏi của Shark Bình hỏi về bức tranh tài chính, Thanh Tâm cho biết Bánh mì Xin Chào tăng trưởng liên tục 170% trong năm năm liên tiếp. Trong 3 năm gần đây, doanh thu năm 2020 bao gồm cả hàng quản lý và nhượng quyền là 550.000 USD, năm 2021 là 950.000 USD và năm 2022 là 1,45 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 11%.

Trong hệ thống 15 cửa hàng, có 5 cửa hàng do anh em Thanh Duy, Thanh Tâm làm chủ và 10 cửa hàng còn lại là nhượng quyền.

Lý giải nguyên nhân định giá doanh nghiệp là 5 triệu USD, Thanh Tâm cho biết startup của mình hướng đến mục tiêu doanh thu năm 2023 là trên 2 triệu USD, năm 2025 là 50 cửa hàng và doanh thu 6 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đó, Thanh Tâm dự kiến sẽ mở rộng mô hình kinh doanh theo hướng franchise (nhượng quyền).

"Khi em muốn franchise tốc độ nhanh thì em phải có một đội ngũ vận hành cực kỳ mạnh bao gồm cả từ việc đi tìm địa điểm, hỗ trợ, setup, chạy marketing giai đoạn đầu và vận hành 3 - 6 tháng xong chuyển giao thì mới nhanh được. Cái thứ 2 là công cụ quản lý vận hành cho các franchise em phải chú ý bởi hiện nay là chưa có", Shark Hưng bày tỏ quan điểm.

Shark Hưng, Shark Tuệ Lâm và Shark Erik cũng lần lượt từ chối thương vụ.

shark-hung-anh-2-1696320837928220671822.jpg

Chỉ có Shark Bình và Shark Hùng Anh quan tâm và đưa ra đề nghị đầu tư cho Bánh mì Xin Chào. Nếu như Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 20% cổ phần thì Shark Bình cho biết ông sẽ đầu tư 500.000 USD để 15% cổ phần với điều kiện trong 2 năm startup phải phát triển được 50 cửa hàng, có một cửa hàng chính và một food truck (xe tải thực phẩm).

Sau khi trao đổi với anh trai, Thanh Tâm đã đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình. Thương vụ thành công với kỳ vọng một thương hiệu F&B thuần Việt phát triển mạnh mẽ, đẳng cấp ở thị trường Nhật Bản.

shark-binh-3-1696320478668994923234.jpg

Thanh Tâm đã đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình.

Startup xe thăng bằng khiến Shark Hưng bất ngờ "phải mất 20 năm mới thu hồi vốn"

Xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 2 kêu gọi số vốn 8 tỷ cho 30% cổ phần, Trần Quang Huy – Nhà sáng lập công ty Kiz đã tổ chức một cuộc đua xe thăng bằng tiếp sức giữa các Shark và các em bé nhằm mang lại những trải nghiệm chân thực về sản phẩm, dịch vụ của công ty.

Kể từ khi thành lập vào năm 2016 đến nay, Kiz đã thu về tổng doanh thu khoảng 40 tỷ. Trong đó nguồn doanh thu chính là bán lẻ xe thăng bằng, chiếm tỷ trọng khoảng 80%. Hiện tại Kiz đang phân phối thương hiệu Saro tập trung cho phân khúc đua cao cấp, còn thương hiệu Ander tập trung vào sản phẩm phổ thông hơn.

batchtua4273-1696320627347932464252.jpg

Khi được Shark Bình hỏi về tiềm năng thị trường, Quang Huy ước tính với số lượng trẻ em Việt Nam đang là khoảng 6 triệu, anh có thể bán cho khoảng 2% thì số xe bán ra sẽ đạt khoảng 120 ngàn xe. "Trừ đi còn khoảng 100 ngàn xe, giá trị trung bình mỗi xe khoảng 1 triệu thì doanh thu đâu đó rơi vào tầm 1 tỷ", Quang Huy cho biết.

Tuy nhiên cách lập luận này chưa đủ sức thuyết phục Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm. Shark Tuệ Lâm cho rằng startup cần tính lại dung lượng thị trường bởi mức giá bán lẻ 45 USD thậm chí lên đến 100 USD sẽ chiếm tỷ trọng vài phần trăm trong GDP bình quân đầu người Việt Nam và sẽ ít người sẵn sàng chi ra con số đó.

Với số vốn 8 tỷ kêu gọi được, Quang Huy chia sẻ sẽ dùng cho việc thiết kế các sản phẩm, phụ kiện xoay quanh sản phẩm chính như: mũ, quần áo thể thao, giày thể thao,...và dùng cho mục đích quảng bá, cũng như xây dựng cộng đồng.

shark-hung-2-16963202017091827418237.jpg

Bên cạnh đó, Quang Huy cũng chia sẻ mục tiêu doanh thu năm 2024 là 29 tỷ, năm 2025 là 48 tỷ, năm 2026 là 100 tỷ và đế năm 2029 sẽ IPO với định giá khoảng 700 tỷ.

Từ đầu năm đến nay, Kiz đã bán ra được khoảng 6.000 – 7.000 chiếc xe. "Thì làm sao bây giờ bán một năm được mấy chục ngàn chiếc được", Shark Hùng Anh thắc mắc và từ chối đầu tư.

"Anh thấy là em hơi lý thuyết. Muốn scale-up (mở rộng) nó lên thì phải xây dựng một bộ quy trình, quy chuẩn chuẩn hóa thì mới có thể quản trị được. Bản chất doanh nghiệp của bạn là đi buôn đồ chơi, mình đang làm hiệu quả thì mình cứ làm, và nó chỉ hiệu quả khi bạn tiếp tục làm siêu nhỏ như thế này thôi. Nếu bạn tăng quy mô lên thì chắc chắn bạn sẽ gặp vấn đề lỗ… Tôi chấp nhận rủi ro nhưng phải có tiềm năng tăng trưởng vài chục đến 100 lần. Tôi không nhìn thấy cái tiềm năng đó ở doanh nghiệp của bạn. Tôi không đầu tư", Shark Bình cho biết.

shark-binh-4-16963202014921688321893.jpg

Có cùng góc nhìn, Shark Hưng phân tích: "Trên bức tranh tài chính như thế này, cuối năm kha khá thì khoảng 12 tỷ, lợi nhuận là 1 tỷ. Bạn kêu gọi 8 tỷ cho 30% thì tính trung bình chúng tôi phải mất 20 năm mới thu hồi vốn".

Đánh giá quy mô thị trường không đủ lớn, Shark Erik và Shark Tuệ Lâm cũng từ chối đầu tư.

Các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 6 sẽ phát sóng lúc 20h30 tối thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV3. Mời quý vị đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020